Pháp ký thỏa thuận, nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc

15/02/2015 07:00
Việt Dũng
(GDVN) - Một loạt thỏa thuận Trung-Pháp tăng cường hợp tác công nghệ cao, trong đó có quốc phòng; Pháp luôn đi đầu kêu gọi EU nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc
Quảng cáo ngư lôi hạng nặng Pháp "chém ngang lưng" tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 (nguồn mạng sina TQ)
Quảng cáo ngư lôi hạng nặng Pháp "chém ngang lưng" tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 (nguồn mạng sina TQ)

Mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 6 tháng 2 đưa tin, Trung Quốc và Pháp đã ký kết thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác một loạt lĩnh vực công nghệ cao, trong đó nhiều thỏa thuận có liên quan đến quốc phòng.

Theo bài báo, hai nước sẽ thực hiện chương trình hợp tác trên các lĩnh vực như hàng không thương mại, công nghệ hạt nhân, vệ tinh. Những thỏa thuận này sẽ thúc đẩy "hợp tác cùng có lợi", "thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Pháp bước vào thời đại mới chặt chẽ, rộng mở hơn".

Bài báo cho rằng, do sự thúc đẩy nhất định từ tiêu thụ máy bay thương mại và thỏa thuận ngành nghề, Pháp và Trung Quốc có quan hệ thương mại và công nghệ mật thiết, kim ngạch thương mại hàng năm trên 50 tỷ USD. Chính xuất phát từ nguyên nhân này, năm 2014 Pháp luôn đi đầu thúc đẩy EU nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Theo bài viết, việc Pháp kêu gọi yêu cầu nới lỏng trừng phạt của EU đối với Trung Quốc đã bị Washington gây sức ép, nhưng thương mại bán trang bị lưỡng dụng (quân-dân dụng) cho Trung Quốc đang được tiếp tục. Loại trang bị này bán trong 10 năm qua bao gồm máy bay trực thăng và động cơ, hệ thống định vị thủy âm và động cơ diesel.

Ngư lôi hạng năng F-21 của Pháp (nguồn mạng sina TQ)
Ngư lôi hạng năng F-21 của Pháp (nguồn mạng sina TQ)

Đồng thời, vài loại máy bay trực thăng quân dụng quan trọng nhất của Trung Quốc được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất trên nền tảng máy bay trực thăng SA321 Super Frelon của Công ty hàng không vũ trụ Pháp và máy bay trực thăng AS365 của Công ty máy bay trực thăng Airbus, bao gồm máy bay trực thăng Z-8 của Công ty công nghiệp máy bay Xương Hà và máy bay trực thăng Z-9 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Cáp Nhĩ Tân.

Ngoài ra, máy bay trực thăng hạng trung 2 động cơ EC175/AC352 (trước đây gọi là Z-15) là một chương trình hợp tác giữa Công ty máy bay trực thăng - Công nghiệp hàng không Trung Quốc và Công ty máy bay trực thăng Airbus, dùng cho hoạt động dân sự.

Theo báo “Hoàn Cầu”, Trung Quốc coi lệnh cấm vũ khí của EU là sự kỳ thị chính trị đối với Trung Quốc, đi ngược lại với sự phát triển của trào lưu thế giới và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-châu Âu hiện nay. Trung Quốc đòi dỡ bỏ lệnh cấm để "xóa bỏ kì thị chính trị", "bảo vệ quyền lợi bình đẳng của Trung Quốc".

Trung Quốc muốn EU nhanh chóng đưa ra quyết định chính trị, lập tức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí đối với Trung Quốc một cách vô điều kiện, xóa bỏ trở ngại đối với sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-châu Âu.

Tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp phóng ngư lôi hạng nặng F-21 (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp phóng ngư lôi hạng nặng F-21 (nguồn mạng sina TQ)
Việt Dũng