Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói về sự linh thiêng của Đàn Xã Tắc

30/04/2013 06:37
Ngọc Quang
(GDVN) -"Năm 1048 thời Lý Thái Tông, đàn Xã Tắc chính thực thành lập. So với đàn Xã Tắc của Trung Quốc thì đàn Xã Tắc Việt Nam ra đời muộn hơn rất nhiều. Việc đàn Xã Tắc Thăng Long ra đời muộn, một mặt cho thấy tính độc lập cao của các vương triều Việt Nam sau khi thoát khỏi ách đô hộ nghìn năm của phương Bắc, mặt khác sau khi đã hội đủ sức mạnh nội lực và trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt – Hán, việc Lý Thái Tông cho lập đàn Xã Tắc có thể xem là một biểu hiện mạnh mẽ để khẳng định nền độc lập chân chính của Đại Việt", PGS Tống Trung Tín cho biết.

Thời gian qua, dư luận đặc biệt chú ý tới di tích đàn Xã Tắc khi có một dự án giao thông được triển khai tại khu vực này và nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra các quan điểm khác nhau, đa số đều cho rằng nên tạm dừng phương án xây cầu vượt để tiếp tục nghiên cứu, tìm ra một phương án hợp lý hơn.

Và, trong lúc thành phố và các sở, ban, ngành đang cùng tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, thì ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên là cán bộ của Viện Khảo Cổ học nêu ra một số chi tiết theo quan điểm của ông và khẳng định “Hà Nội chưa bao giờ tìm thấy đàn Xã Tắc”.

Vậy, Hà Nội có thực sự tìm thấy đàn Xã Tắc hay không? Báo Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ của PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học (cơ quan trực tiếp khảo cứu di tích đàn Xã Tắc).

PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học.
PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học.
Đàn Xã Tắc Thăng Long - Di tích quan trọng trong cấu trúc chỉnh thể của kinh thành Thăng Long
Kinh đô Thăng Long được Lý Thái Tổ thành lập năm 1010, được các vương triều Lý – Trần – Lê nối tiếp xây dựng, sửa chữa. Cho tới đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã phá bỏ thành Thăng Long thời Lê và xây dựng thành Hà Nội.
Cấu trúc của kinh thành Thăng Long được giới nghiên cứu hơn một thế kỷ qua dày công nghiên cứu và phục dựng. Còn một số ý kiến khác nhau, nhưng cơ bản có thể thấy tổng thể kinh thành như sau:
Có 3 vòng thành bao bọc lên nhau: La Thành (hay Đại La Thành) bao bọc Hoàng Thành, Hoàng Thành bao bọc Cấm Thành với tâm điểm là điện Kính Thiên (thời Lê) vốn được xây chồng lên vị trí cũ là điện Thiên An (thời Lý – Trần) và điện Càn Nguyên (1010-1070).
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, trong Hoàng Thành có hàng trăm công trình kiến trúc khác nhau phục vụ nhà vua và vương triều. Ở khu vực trung tâm là các cung điện của nhà vua và triều đình làm việc, đó cũng là nơi sinh hoạt của Hoàng gia (thường gọi là Hoàng cung), trong đó nổi bật là tòa Chính điện (điện Kính Thiên thời Lê, điện Thiên An thời Lý – Trần), nơi thiết triều và tiến hành các nghi lễ trọng đại nhất của Vương triều. Các công trình phục vụ các nghi lễ của Hoàng gia gồm có các chùa tháp Phật giáo của nhà vua (chùa Một Cột, chùa Vạn Tuế, tháp Bảo Thiên…); các Cung quán Đạo giáo của nhà vua (cung Cảnh Linh, cung Thái Thanh…); hệ thống đàn tế trong đó quan trọng nhất là đàn Nam Giáo và đàn Xã Tắc.
Trong hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng kinh đô, bên cạnh các chùa, quán, Văn Miếu thì đàn Xã Tắc là một công trình được định vị theo nguyên tắc cấu trúc của các kinh đô cổ đại và trung đại phương Đông. Đó là nguyên tắc “tả Tổ hữu Xã” hay “tả Tông hữu Tắc”, nghĩa là lấy nơi ở và làm việc của nhà vua là trung tâm thì nhất thiết kiến trúc thờ tổ tiên nhà vua ở bên Tả (phía Đông), kiến trúc thờ Xã Tắc ở bên Hữu (phía Đông).
PGS Tín cho biết: “Các kinh đô của Việt Nam hay Hàn Quốc, về cơ bản đều theo nguyên tắc này. Vị trí của đàn Xã Tắc Thăng Long ở bên ngoài Ô Chợ Dừa. Đối chiếu với các cấu trúc của kinh đô Thăng Long thì nó nằm phía Tây Nam (phía thành Đại La), nghĩa là cũng ở phía Tây của Cấm Thành và Hoàng Thành Thăng Long. Theo thư tịch cổ và các bản đồ Thăng Long thời Lê, Thái Miếu và các miếu thờ tổ tiên của các vương triều Lý, Trần, Lê đều ở phía đông của điện Kính Thiên thời Lê hay điện Thiên An thời Lý, Trần. Như thế, vị trí của hai công trình kiến trúc tín ngưỡng quan trọng (Xã Tắc và Tông Miếu) của các vương triều Lý – Trần – Lê ở Thăng Long đã được thực hiện theo nguyên tắc chung của các kinh đô phương Đông”.
Trong cấu trúc tổng thể của kinh thành Thăng Long Lý – Trần – Lê, thì ngày nay khoa học đã xác định được vị trí và quy mô của Hoàng Thành và Cấm Thành, xác định được vị trí của chùa Một Cột (phía Đông), Văn Miếu (Đông Nam), Nam Giao (Nam), Thái Miếu (Đông), cung Cảnh Linh và chùa Vạn Tuế.
“Việc phát hiện và nghiên cứu đàn Xã Tắc ở giáp đường Nguyễn Lương Bằng gần Ô Chợ Dừa đã góp phần làm rõ thêm chỉnh thể cấu trúc của kinh đô Thăng Long qua các thời Lý – Trần – Lê”, PGS Tín nói.

Đàn Xã Tắc là một đàn tế thiêng liêng vào bậc nhất trong không gian nghi lễ và hệ thống đàn tế ở kinh đô Thăng Long

Mỗi vương triều quân chủ phương Đông nói chung và các vương triều ở Việt Nam nói riêng đều có hệ thống nghi lễ nhằm khẳng định vương quyền, tức là quyền uy và quyền lực chân chính của vương triều và Hoàng đế.
“Các nghi lễ cổ xưa có nhiều chức năng mang tính chất xã hội vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến mọi cộng đồng cư dân của vương quốc. Thông qua các nghi lễ, các vương triều quân chủa, một mặt khẳng định quyền lực chính đáng của mình trước mắt người dân, mặt khác tạo nên một trật tự xã hội, cố kết, duy trì tính thống nhất quốc gia. Hình thức của các nghi lễ đó lấy sự liên đới và giải thích sự liên đới giữa người đứng đầu vương triều với các vị thần trọng thế giới thiên nhiên gồm rất nhiều các vị thần của giới tự nhiên và con người, của tín ngưỡng dân gian và đặc biệt là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo”, PGS Tín chỉ dẫn.

Xem xét các nguồn thư tịch cổ và văn bia, có thể thấy tại Thăng Long, các vương triều Lý – Trần – Lê đã huy động một hệ thống nghi lễ khá phong phú và thay đổi theo thời gian khá phức tạp. Trong ba không gian tôn giáo lớn nhất thời Lý thì Phật giáo và Đạo giáo được nhà Lý chú trọng trước hết. Tình trạng này được sử thần Lê Văn Hưu nhắc đến trong buổi đầu triều Lý: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn Xã Tắc chưa lập mà trước đó đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quá ở các lộ” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm 1048 thời Lý Thái Tông, đàn Xã Tắc chính thực thành lập. Đến năm 1070 xây dựng Văn Miếu. Vu Đàn được nhắc đến vào năm 1137, còn đàn Nam Giao được xây dựng năm 1152.
Theo niên biểu sơ lược như trên, các hệ thống nghi lễ thờ tự quan trọng nhất của vương triều Lý được hình thành dần dần từng bước trong đó đàn Xã Tắc được hình thành sau các trung tâm Phật Giáo, Đạo Giáo hình thành trước trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Đạo Nho.
Không hình thành quá sớm, cũng không quá muộn, nhưng đàn Xã Tắc ngay từ lúc hình thành đã tỏ rõ vai trò quan trọng hàng đầu của nó. Việc tế lễ ở đàn đều do vua là chủ lễ. Sử sách đã ghi được một đôi lần nhà vua tế lễ ở đàn Xã Tắc. Đó là vào năm 1219, vua Lý Huệ Tông dự lễ tế ở đàn Xã Tắc vào mùa thu.
PGS Tín cho biết: “So với đàn Xã Tắc của Trung Quốc thì đàn Xã Tắc Việt Nam ra đời muộn hơn rất nhiều. Việc đàn Xã Tắc Thăng Long ra đời muộn, một mặt cho thấy tính độc lập cao của các vương triều Việt Nam sau khi thoát khỏi ách đô hộ nghìn năm của phương Bắc, mặt khác sau khi đã hội đủ sức mạnh nội lực và trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt – Hán, việc Lý Thái Tông cho lập đàn Xã Tắc có thể xem là một biểu hiện mạnh mẽ để khẳng định nền độc lập chân chính của Đại Việt”.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng chia sẻ thêm một thông tin quan trọng, đó là vào năm 2000 thì Keith W. Taylor – học giả người Mỹ ở ĐH Cornell đã công bố nghiên cứu, trong đó xem việc thờ thần Hậu Tắc (hay thần Xã Tắc) nằm trong “tôn giáo thời Lý” do các vua Lý đóng vai trò thiết lập mối quan hệ tin cậy và trung thành với các thần linh địa phương, nhằm quy tụ họ về với trung ương. Ông Viết : “Tông giáo triều Lý bao gồm các tôn giáo dân gian đang trong quá trình quy tụ thành sự tôn thờ của cả dân tộc đối với quyền lực nhà vua”. Và Keith W. Taylor đã thống kê trong Việt điện u linh có twois 13 trong 28 thần linh gắn với các vua Lý trong thế kỷ XI và riêng Lý Thái Tông có tới 6/13 vị thần linh “sinh ra ủng hộ và bảo vệ các vua Lý”.
Chính thời Lý Thái Tông cũng là thời kỳ lập đàn Xã Tắc. Và chắc chắn việc lập đàn thần Xã Tắc nhà Lý cũng nằm trong mục đích xác định quyền lực chân chính của vua Lý đối với quốc gia cũng như góp phần củng cố mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước.

(Còn nữa)
Ngọc Quang