Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán

16/02/2015 06:09
XUÂN QUANG (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc, mang đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam.

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc có nguồn gốc từ xa xưa và mang đạo lý nhân ái "uống nước nhớ nguồn", xuyên suốt chiều dài lịch sử. 

Theo quan niệm dân gian, thờ cúng tổ tiên, mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa người sống với người đã mất, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam.

Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, để động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán (ảnh: Internet)
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán (ảnh: Internet)

Trong mỗi gia đình tín ngưỡng thờ cúng tổ đã trở thành đạo hiếu. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi con người. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Đặc biệt, mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bày biện khá công phu. Tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: Bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ. 

Tết Nguyên Đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng tổ tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau. Chiều 30 Tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết. Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới. Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên Đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ.

Việc thờ cúng gia tiên bao giờ cũng do người con trưởng đứng ra làm chủ lễ trong gia đình. Với ngày Tết Nguyên Đán người con trưởng là trung tâm của sự quy tụ các thành viên trong gia tộc, nên sau khi đồ lễ được đặt lên bàn thờ, gia trưởng khăn áo chỉnh tề, thắp đèn, hương rồi lễ 4 lễ, 2 vái trước bàn thờ, khấn từ vị tổ từ 5 đời trở xuống đến cha mẹ. 

Bài văn khấn thường bao hàm đầy đủ nội dung về quốc hiệu dân tộc, rồi đến năm, tháng và ngày âm lịch theo phong tục truyền thống. Sau khi gia trưởng khấn lễ xong, chờ cho tàn một tuần hương, tức là những nén hương thắp lên, cháy quá 2/3 thì người gia trưởng tới trước bàn thờ tạ lễ và hạ cỗ xuống. Mọi người trong gia tộc quây quần bên nhau thụ lộc của tiên tổ và chúc nhau một năm mới vạn sự tốt lành.

Đối với dân tộc Kinh nói riêng, các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, thì việc thờ cúng gia tiên với những lễ vật và nghi lễ nói trên trong dịp Tết Nguyên Đán là những nét phổ biến nhất. Nó cũng thể hiện đạo lý, là nếp nhà, là biểu hiện lòng nhân ái, là nét văn hóa đẹp mà mọi gia đình phải biết chăm lo, hướng dẫn con cháu giữ gìn.

XUÂN QUANG (TỔNG HỢP)