Tâm sự rơi nước mắt của con gái liệt sỹ Gạc Ma gửi tới Bộ trưởng Bộ Y Tế

15/03/2015 21:34
Xuân Hòa
(GDVN) - Ước mơ trở thành một cán bộ y tế giống như người bố đã hy sinh của mình trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa đã được Trang tâm sự với Bộ Trưởng Bộ Y Tế.

Mồ côi bố từ khi trong bụng mẹ

Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 27 năm trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/2/2015), chiều 15/3 chúng tôi đã có mặt tại gia đình liệt sỹ, y sỹ Phan Huy Sơn (quê xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An).  

Khi chúng tôi có mặt, vợ liệt sỹ Sơn là chị Trần Thị Ninh (SN 1963) và người con gái Phan Thị Trang đang vất vả tắm cho người con trai đầu của liệt sỹ Sơn. Gia đình liệt sỹ Sơn còn nhiều khó khăn và có hoàn cảnh hết sức éo le.

Cầm bằng tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng trong tay và mong muốn trở thành một cán bộ y tế như người bố đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma năm xưa nhưng mọi thứ không hề dễ với em Phan Thị Trang (ảnh Xuân Hòa)
Cầm bằng tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng trong tay và mong muốn trở thành một cán bộ y tế như người bố đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma năm xưa nhưng mọi thứ không hề dễ với em Phan Thị Trang (ảnh Xuân Hòa)

Là bạn học cùng khóa nên sau một thời gian tìm hiểu đến tháng 10/1981 chị Ninh và liệt sỹ Sơn đã nên duyên vợ chồng. Khi cả 2 vợ chồng vẫn chưa có con thì đến tháng 2/1982, anh Sơn lên đường nhập ngũ. Hết thời gian huấn luyện, anh Sơn được đơn vị cử đi học khóa đào tạo y sỹ. Sau khi kết thúc đợt đào tạo anh Sơn được đơn vị cử ra công tác tại đảo Trường Sa lớn làm cán bộ y sỹ.

Mãi đến năm 1987, trong một lần được nghỉ phép về quê hai vợ chồng anh mới có người con đầu tiên là anh Phan Huy Hà. Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang, khi vừa sinh ra 4 ngày liền anh Hà không khóc, 1 tuần liền không bú sữa mẹ. Rồi cứ lớn dần căn bệnh động kinh và thiểu năng trí tuệ của anh Hà ngày càng biểu hiện rõ.

Tâm sự của em Trang và văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An được Bộ Trưởng Bộ Y tế đăng tải trên Fanpage cá nhân của mình (ảnh Xuân Hòa)
Tâm sự của em Trang và văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An được Bộ Trưởng Bộ Y tế đăng tải trên Fanpage cá nhân của mình (ảnh Xuân Hòa)

Đến cuối năm 1987 vì điều kiện gia đình, anh Sơn được đơn vị cho về nghỉ phép 9 tháng. Đến đầu năm 1988, hai vợ chồng anh lại mừng mừng tủi tủi khi chị Ninh mang thai đứa con thứ 2. Nhưng khi còn 15 ngày nữa mới hết hạn nghỉ phép, vợ thì mới có bầu được vài tháng, anh Sơn liên tục nhận được điện báo phải trở về đơn vị gấp. Thương vợ mang bầu, đứa con bệnh tật nhưng anh đã không ngần ngại chia tay vợ con để đi vào đơn vị làm nhiệm vụ.

“Khi anh ấy đi tôi mới mang bầu đứa con thứ 2 được vài tháng. Nhưng anh nói lệnh phải vào, hơn nữa anh ấy đã không ở nhà chăm tôi được khi sinh cháu đầu nên anh nói dành số ngày phép đó khi nào tôi sinh cháu thứ 2 để về nhà chăm tôi. Ai ngờ…”, chị Ninh nói trong nước mắt.

Sau khi nhận được tâm sự của em Trang, văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An với nội dung giúp đỡ, tạo điều kiện em Trang được làm việc gần nhà để tiện chăm sóc gia đình và được phục vụ nhân dân ... như mong mỏi của em ( ảnh văn bản được đăng trên Fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế )
Sau khi nhận được tâm sự của em Trang, văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An với nội dung giúp đỡ, tạo điều kiện em Trang được làm việc gần nhà để tiện chăm sóc gia đình và được phục vụ nhân dân ... như mong mỏi của em ( ảnh văn bản được đăng trên Fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Nhưng chị Ninh không ngờ đó là lần cuối cùng mình được gặp chồng mình. Vào đến đơn vị, anh Sơn vì thương vợ con nên đã liên tục gửi 3 lần quần áo về cho con và tiền về cho vợ ăn uống, chăm sóc sức khỏe mang bầu. Vào đơn vị được 10 ngày anh Sơn được lệnh cùng các chiến sỹ khác lên tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Chị Ninh nhớ lại: “Vào được 10 ngày anh ấy gửi 3 lần quần áo và tiền cho vợ con. Trước khi lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ anh ấy đã gửi áo về cho đứa con trai đầu vì thương cháu mang bệnh tật”.       

Khi anh Sơn cùng đồng đội và chiếc tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ được ít ngày thì nơi quê nhà chị Ninh nhận được tin dữ qua loa truyền thanh của xã về việc chiếc tàu bị chìm cùng với 64 chiến sỹ. Choáng váng, nhưng nơi quê nhà chị Ninh và người thân hàng ngày cầu mong đó không phải là sự thật. Nhưng rồi điều không cầu mong đã đến khi chị và gia đình nhận được thông báo anh Sơn đã mất tích cùng 63 chiến sỹ khi chiếc tàu HQ 604 bị Trung Quốc bắn chìm.

Trang mong muốn được làm một cán bộ y tế để tiếp tục sự nghiệp mà người bố đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa còn làm dang dở và có điều kiện chăm sóc người anh trai đầu bị thiểu năng trí tuệ, người mẹ mang nhiều bệnh tật (ảnh Xuân Hòa)
Trang mong muốn được làm một cán bộ y tế để tiếp tục sự nghiệp mà người bố đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa còn làm dang dở và có điều kiện chăm sóc người anh trai đầu bị thiểu năng trí tuệ, người mẹ mang nhiều bệnh tật (ảnh Xuân Hòa)

“Khi đó tôi mới mang bầu cháu thứ 2 được vài tháng, nghe tin dữ tôi cũng không thể gượng dậy nổi. Nhưng rồi được sự động viên của gia đình, thương giọt máu đào của anh tôi đang mang trong người nên tôi đã gắng vượt lên. Cháu đầu đã mắc bệnh khi đó chỉ mong cháu thứ 2 được mạnh khỏe. Chỉ tội đứa con gái của tôi khi bố hy sinh cháu con trong bụng mẹ. Cũng 27 năm nay mẹ con tôi mong tìm được thấy hài cốt của anh ấy nhưng mãi vẫn chưa tìm được”, Chị Ninh nghẹn ngào nói.

Lời chia sẻ của người con gái liệt sỹ với Bộ trưởng Bộ Y Tế  

Bố hy sinh khi còn trong bụng mẹ nên mãi đến năm lớp 6, được mẹ và đồng đội của bố kể lại em Phan Thị Trang (SN 1988, con gái liệt sỹ Phan Huy Sơn) mới biết bố mình đã hy sinh như thế nào. Khi biết bố lúc hy sinh đang là một y sỹ nên từ đó em nuôi ước mơ trở thành một cán bộ y tế giống bố để làm nốt công việc bố mình đang làm dang dở.

Nhìn người con trai đầu của liệt sĩ Phan Huy Sơn bị bệnh động kinh, thiểu năng trí tuệ ngây ngô trước bàn thờ của bố mình không ai khỏi xót xa (ảnh Xuân Hòa)
Nhìn người con trai đầu của liệt sĩ Phan Huy Sơn bị bệnh động kinh, thiểu năng trí tuệ ngây ngô trước bàn thờ của bố mình không ai khỏi xót xa (ảnh Xuân Hòa)

Sau khi học xong trung học phổ thông, Trang để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu này của mình nên em tìm hiểu thi vào trường quân y. Nhưng chiều cao không đủ nên Trang đành phải chấp nhận từ bỏ ước mơ. Các trường y hệ dân sự thì Trang không có điều kiện học vì gia đình khó khăn, mẹ lại phải nuôi người anh mắc bệnh động kinh và thiểu năng trí tuệ. Cuối cùng Trang đành chấp nhận từ bỏ ước mơ làm cán bộ y tế thi vào ngành sư phạm để không mất tiền học phí. Kết quả thi tốt nên Trang đã đậu  vào khoa Sư phạm Sinh, Trường Đại học Vinh.

Nhưng học được 2 năm, ước mơ trở thành cán bộ y tế trong Trang lại trỗi dậy. Trang đăng ký dự thi vào Trường Đại học Y khoa Vinh và đậu vào hệ Cao đẳng điều dưỡng. Sau 3 năm vừa đi học vừa đi làm thêm, con đường trở thành cán bộ y tế như người bố đã hi sinh của Trang tưởng như ngày càng đến gần với em.

Tâm sự chảy nước mắt của em Phan Thị Trang (con gái liêt sĩ y sĩ Phan Huy Sơn)

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như Trang nghĩ, năm 2014 sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng, em mang hồ sơ đi xin việc khắp các bệnh viện, phòng khám tư đều không được. Trong khi đó căn bệnh của anh trai ngày càng nặng, người mẹ của em lại mắc bệnh u xơ tử cung, teo thận phải. Kinh tế gia đình lại chỉ dựa vào 4 sào ruộng khoán nên Trang lại phải thay mẹ hàng ngày đi làm ruộng, nuôi lợn gà để lo cho mẹ và anh.

Nỗi buồn khi muốn trở thành cán bộ y tế như người bố đã hy sinh của mình tưởng chừng đã trước mắt nhưng ai ngờ đâu quá khó như vậy. Gần đến ngày 14/3 là ngày kỷ niệm 27 năm, cũng là ngày giỗ thứ 27 của bố mình nên ước mơ trở thành cán bộ y tế phục vụ nhân dân của Trang lại trỗi dậy.

Biết nếu tiếp tục đi gửi hồ sơ xin việc thì cơ hội trở thành cán bộ y tế vẫn mong manh. May mắn đúng thời gian đó được bạn bè giới thiệu Fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến nên Trang đã vào bày tỏ nỗi niềm của một người con liệt sỹ từng làm cán bộ tế khi hy sinh tại Gạc Ma với Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Khi em vào tâm sự trên Fanpage cá nhân của Bộ trưởng thì cũng chỉ vài ngày nữa là đến lễ kỷ niệm hải chiến Gạc Ma. Em vào tâm sự hết về hoàn cảnh gia đình và mong mỏi của em hiện tại để Bộ trưởng hiểu hơn nỗi niềm muốn trở thành cán bộ y tế cống hiến cho xã hội, việc mà bố em đang làm dở dang khi hy sinh. Cùng với đó hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì may ra em có công việc mới có điều kiện để có tiền thuốc thang cho mẹ và anh trai chữa bệnh”, Trang cho biết.

Tàu HQ 604 nơi liệt sĩ Phan Huy Sơn được giao nhiệm vụ làm cán bộ y tế khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu)
Tàu HQ 604 nơi  liệt sĩ Phan Huy Sơn được giao nhiệm vụ làm cán bộ y tế khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu)

Nhận được lời tâm sự của cháu Trang, một người con liệt sỹ Gạc Ma vào đúng thời điểm khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 27 năm hải chiến Gạc Ma nên ngày 13/3 Bộ Y tế đã có văn bản số 1648BYT-VPBI do Phó chánh văn phòng Bộ ký, gửi Sở Y tế Nghệ An với nội dung:

       - Sở Y tế xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang tại cơ sở y tế gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc người thân trong gia đình, đồng thời tạo cơ hội cho cháu cống hiến cho xã hội.

        - Bố trí lãnh đạo Sở đến thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện y tế chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho vợ và con trai tàn tật của liệt sỹ Phan Huy Sơn.

Cuối văn bản của Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh: 

         - Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ y tế, văn phòng Bộ thông báo để Ban giám đốc Sở Y tế Nghệ An quan tâm giải quyết. 

“Em tâm sự rất nhiều với Bộ trưởng trên Fanpage cá nhân của Bộ trưởng để Bộ trưởng hiểu chứ em cũng chưa dám nghĩ đến chuyện gì. Nhưng khi thấy trang Fanpage cá nhân của Bộ trưởng đăng văn bản trên trả lời em rất vui. Gần như cả một đêm liền em không ngủ được vì vui sướng được Bộ trưởng quan tâm. Mong các cấp chính quyền sở tại giúp đỡ và tạo điều kiện để em có việc làm phụ giúp được mẹ và anh trai chữa bệnh. Nếu em tiếp tục viết được ước mơ làm cán bộ y tế phục vụ nhân dân như bố em ngày xưa thì linh hồn bố em nơi biển cả cũng an lòng”, Trang nói trong nước mắt.

Tuy nhiên, chiều ngày 15/3, trao đổi về vấn đề trên ông Hoàng Văn Hảo – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Phía Sở Y tế Nghệ An chưa nắm được văn bản trên của Bộ Y tế. Việc bố trí công việc thì phải tiến hành theo đúng quy trình theo đúng Nghị định 29 của Chính phủ. Tuy nhiên, đã có ý kiến chỉ đạo của Bộ thì sẽ có ưu tiên. Nhưng nếu đã ưu tiên thì phải bỏ quy trình theo Nghị định 29. Nhưng việc bỏ qua quy trình phải có sự thống nhất của cả Sở Y tế và Sở Nội vụ. Thậm chí là cả của UBND tỉnh, để tránh sau này có ý kiến trái ngược nhau”.

Mong rằng chính quyền tỉnh Nghệ An sẽ có hành động thích hợp để những người lính Gạc Ma năm xưa đã hy sinh xương máu để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc được yên lòng nơi biển cả.

Xuân Hòa