Tai nạn giao thông ở Việt Nam: Đâu là con số thực?

28/02/2015 06:08
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Giới phân tích có chung nhận định, thật khó để đưa ra con số chính xác tuyệt đối về tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm qua...

Báo động về tình trạng tai nạn giao thông

Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, toàn quốc đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 317 người và làm bị thương 509 người.

Thống kê trên tuy giảm về số vụ so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tuy nhiên lại tăng về số người chết. Trong số các vụ tai nạn giao thông, tai nạn đường bộ chiếm phần lớn với 525 vụ, làm chết 308 người, bị thương 505 người…Tính chung trong năm 2014, cả nước xảy ra 25.322 vụ tai nạn, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. 

Một số chuyên gia nhận định, con số trên được cho là khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đến thăm các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm 20/2. (ảnh: Dương Ngọc - TTXVN)
Bộ trưởng Đinh La Thăng đến thăm các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm 20/2. (ảnh: Dương Ngọc - TTXVN)

Tại cuộc họp Thường trực của Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán hôm 24/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã báo động về tình hình tai nạn giao thông ở nước ta, đặc biệt là trong dịp nghỉ tết Ất Mùi: “Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được”.

Phía Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông và các nguyên tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như: phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia; đi mô tô, xe máy dàn hàng ngang lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người, không giảm tốc độ khi đi từ đường phụ ra đường chính.

Vậy, số liệu thống kê về thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta đã chính xác? Trách nhiệm cơ quan quản lý ra sao?

Đâu là con số thực?

Một số nhận định cho rằng, cần thiết phải có sự kết hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng trong việc thực hiện thống kê, công khai, minh bạch, cụ thể số liệu về tai nạn giao thông, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng trên. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận nguyên nhân phát sinh tai nạn giao thông một cách khách quan từ cả hai phía (đơn vị quản lý và người thực thi) để quy trách nhiệm một cách rõ ràng.

Về việc này, sáng 27/2, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, thống kê về tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam trong năm 2014 vừa được cơ quan chức năng công bố là kênh chính thống, chính thức.

Ông Thạch đưa ra nhận định: "Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông, và các giải pháp đó đã mang lại những chuyển biến rõ rệt. Nếu so sánh thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông tính trên đầu phương tiện, hoặc số dân, thì nước ta cũng chỉ xếp ở mức độ chung chung chứ chưa phải cao lắm".

Cũng theo ông Thạch, hiện tại, công tác thống kê số liệu tình hình tai nạn giao thông chưa phản ánh đầy đủ thực trạng. Để đưa ra những con số cụ thể, vị Vụ trưởng cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan: "Chúng ta đang triển khai phối hợp số liệu thống kê của ngành Y tế, Công an, Giao thông vận tải... để đưa ra con số chính xác nhất về tình hình tai nạn giao thông. Hiện nay, việc thực hiện thống kê tai nạn giao thông ở nước ta vẫn còn thực hiện riêng lẻ".

Nói về nguyên nhân, trách nhiệm có liên quan tới công tác đảm bảo an toàn giao thông, ông Thạch cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công bằng: "Lỗi người dân là một phần, nhưng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc kiểm tra, xử lý...Cứ tỉnh nào mà lãnh địa phương, nhiệt tình, hăng hái với công tác này này thì chắc chắn tai nạn sẽ giảm." 

Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải (ảnh: Báo giao thông vận tải)
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải (ảnh: Báo giao thông vận tải)

Cùng chung nhận định về con số thống kê tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam trong năm qua, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, số liệu thống kê thiệt hại do tai nạn giao thông nêu trên chỉ mang tính chất tương đối, chưa phản ánh đầy đủ thực tế.

ông Phương phân tích: “Khó mà nắm bắt được con số cụ thể về thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Có thể con số thiệt hại về người và phương tiện chỉ được người ta kiểm đếm tại hiện trường, trong bệnh viện. Tuy nhiên còn bao nhiêu trường hợp tử vong, bị thương, trong các vụ tai nạn giao thông tại các vùng xa xôi, hẻo lánh của đất nước chưa được báo cáo đầy đủ, kịp thời? Còn bao nhiêu trường hợp tử vong do biến chứng sau khi được đem về nhà chưa được thống kê? Tôi nghĩ số liệu thống kê của cơ quan chức năng và con số cụ thể dựa theo phân tích trên, chắc chắn sẽ có độ "vênh". Tuy nhiên mức độ chênh lệch cụ thể bao nhiêu thì chưa thể xác định được. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng” .

Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)
Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, không nên loại trừ trường hợp một số địa phương “ém” thông tin, số liệu tai nạn giao thông, báo cáo lấy để lấy thành tích: “Tuy chưa có đủ căn cứ để chứng minh, nhưng theo tôi, không nên loại trừ trường hợp người ta cố tình báo cáo sai số liệu thực để lấy thành tích, và cũng bởi vì tai nạn giao thông đã gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó”.

Cũng liên quan đến vấn nạn tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng đang lạm dụng hậu quả để quy trách nhiệm, đổ lỗi hết cho người dân. Bởi lẽ, nếu nguyên nhân đều do người dân thì chẳng cần nhà quản lý, quy hoạch để làm gì? Đây có thể là một hình thức ngụy biện trong cách quản lý yếu kém của chúng ta?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Phương bày tỏ quan điểm, cần phải xem xét vấn đề trên hai phương diện (khách quan, chủ quan): “Tai nạn giao thông cơ bản vẫn là do ý thức của người dân chưa tốt trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Tuy nhiên cần phải xem xét vấn đề này một cách công bằng. Thử đặt câu hỏi, việc tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông của chúng ta đã làm đến nơi, đến nơi đến chốn hay chưa? Tôi cho rằng, khi luật chưa được phổ biến một cách hiệu quả, thì ý thức chấp hành của người dân sẽ có phần hạn chế. Ngược lại, pháp luật có nghiêm minh thì ý thức của con người mới được nâng cao”.

Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng trong việc để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông: “Thực tế cho thấy, việc quy hoạch, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện nay chưa  thật sự đồng bộ. Tình trạng quản lý phương tiện, cấp phép lái xe, quản lý đăng kiểm, thi công vẫn còn nhiều hạn chế…Có những lúc người được giao trọng trách thực hiện xử lý vi phạm chưa nghiêm. Trách nhiệm của chính quyền địa phương có liên quan cũng chưa thật sự quyết liệt”.

Từ thực tế trên, ông Phương kết luận, việc khắc phục tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta không chỉ dừng lại ở việc "cắt ngọn" của vấn đề mà cần tìm rõ căn nguyên làm phát sinh tai nạn, để từ đó đưa ra phương thuốc hữu hiệu để chữa trị.

QUỐC TOẢN