Sự vô tâm có thể giết chết một con người!

01/04/2015 15:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Dạy con trẻ biết yêu sự thật, giúp chúng biết tha thứ cho lầm lỗi và đó chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù!

Mấy ngày nay, nhiều trang mạng đăng tin rầm rộ về một giáo viên mầm non (tên T.M) bị Trường mầm non Tuổi Thần Tiên (khu đô Thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chấm dứt hợp đồng. Nguyên nhân được đưa ra là vì cô giáo dùng ghim trang trí "đâm" (có tin nói là "chích") vào chân một số cháu nhỏ khi các cháu không chịu ngủ.

Ngay trong ngày 18/3, sau khi có yêu cầu của phụ huynh (con của phụ huynh này nói với mẹ: Cô M. cho kiến cắn đau), nhà trường đã yêu cầu cô giáo T.M làm bản tường trình sự việc. Cô giáo T.M thừa nhận có dùng ghim để dọa một số bé khi các cháu không chịu ngủ. 

Và điều đáng nói là ngay khi cô T.M đã nói ra sự thật, nhiều phụ huynh nhận thấy cô không ác ý nên đã chủ động xin nhà trường giảm nhẹ hình phạt với cô giáo.

Thế nhưng nhà trường xác định hành vi này không phù hợp với môi trường giáo dục, do đó ngay ngày 19/3, Hiệu trưởng nhà trường đã ký quyết định buộc thôi việc cô T.M.

Hẳn là phương pháp của cô M. áp dụng với các cháu nhỏ dù trong trường hợp nào cũng là điều không nên. Đáng tiếc là nó đã xảy ra. Và hậu quả là cô M. phải trả giá cho sai lầm của mình là không còn được làm việc trong ngôi trường này nữa. 

Nhưng có lẽ hình phạt lớn hơn cả với cô M. là danh dự sứt mẻ và một tâm lý bất an, thậm chí còn bị ám ảnh mãi nếu cô M. còn tiếp tục muốn gắn bó với nghề. Mà theo một số cán bộ của trường thì cô M. nói rằng rất sốc, có lẽ sẽ không thể tiếp tục gắn bó với công việc này nữa. 

Nếu cô giáo T.M không thể tha thứ cho chính mình thì đấy là điều bất hạnh nhất trong cuộc đời của cô ấy. Và đó cũng là hình phạt tàn khốc nhất với một cô giáo còn quá trẻ.

Trường mầm non Tuổi Thần Tiên, nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc về cô giáo T.M - ảnh: Diệu Linh.
Trường mầm non Tuổi Thần Tiên, nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc về cô giáo T.M - ảnh: Diệu Linh.

Trong vụ việc này, người ta cũng ít để ý tới chuyện bố mẹ cô T.M đã xuống tận trường để nói lời xin lỗi và đưa con về quê. Phải thấy được rằng, trong một xã hội mà nhiều lúc trắng đen lẫn lộn thì lối hành xử của những người làm cha làm mẹ của cô giáo mầm non cho thấy rằng, họ là những người trọng danh dự. Mà ở thời nào cũng vậy, những người trọng danh dự luôn xứng đáng được đối xử tử tế.

Tiếc rằng, vẫn còn có người với nhận thức non kém đã tung câu chuyện này lên mạng xã hội với một thái độ hằn học và lập tức gây ra hiệu ứng “bầy đàn”. 

Vài người thản nhiên quăng ra những câu bình luận “lùn văn hóa”, như muốn “ăn tươi nuốt sống” một cô giáo trẻ vừa “chân ướt chân ráo” ra trường. 

Những câu từ thóa mạ, cay nghiệt, coi cô giáo mầm non không phải là “một con người” hẳn sẽ khiến bất cứ ai có lòng tự trọng đọc được cũng thấy chạnh lòng. 

Chẳng thế mà nhiều giáo viên mầm non đã nói rằng, mỗi lần nghe thấy một vụ việc liên quan tới bất kỳ trường mầm non nào là họ lại thêm một lần cảm thấy áp lực. Họ cảm thấy công việc mình đang làm bị rẻ rúng, bị coi thường, và sẽ có những lúc còn bị nhục mạ…

Ai trong số những người làm cha, làm mẹ chưa một lần mắng mỏ con cái? Ai trong số những người làm cha, làm mẹ chưa một lần đét vào mông những đứa con nghịch ngợm? 

Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ có thể áp đặt bất kỳ hình phạt nào với con mà chẳng mảy may suy nghĩ về hành vi của mình. Vậy nhưng, hễ giáo viên chẳng may ứng xử sai một lần thôi thì rất có thể họ sẽ nhảy dựng lên ngay, để “đòi công bằng”. Một thứ công bằng giả tạo, ngớ ngẩn; mà có khi ngay trước đó họ còn "nhờ cô giáo chăm sóc cháu". 

Họ có biết rằng mỗi đứa trẻ chưa quen trường, quen lớp thì sẽ luôn có một giáo viên bế ẵm trên tay ròng rã nhiều ngày? Họ có biết rằng mỗi lần có trẻ hắt hơi xổ mũi, các cô giáo lại thêm áp lực?

Điều đáng tiếc hơn nữa là ở cách nhìn nhận sự việc của một vài trang mạng. Cô giáo T.M nghỉ việc từ ngày 19/3, nhưng tận 8 ngày sau vài trang mạng vẫn ồ ạt đăng tải thông tin vụ việc này, với những dòng tít: “Cho nghỉ việc cô giáo dùng ghim đâm vào chân trẻ mầm non”; “Cho nghỉ việc cô giáo dùng ghim giấy để bắt trẻ mầm non ngủ”; “Hà Nội: Cô giáo dùng ghim giấy đâm vào chân trẻ mầm non”; “Đình chỉ, cắt hợp đồng giáo viên mầm non dùng ghim đâm trẻ”; “Cô giáo mầm non đâm ghim giấy vào chân trẻ”; “Cô dạy trẻ bằng cách lấy ghim giấy đâm vào chân”…

Những tiêu đề nghe chắc nịch cứ như thể tác giả đã điều tra ra được một vụ việc gì khủng khiếp lắm và cần phải phanh phui ngay lập tức ra trước công luận. Thậm chí có tác giả còn miêu tả cô giáo dùng ghim “đâm” hoặc “chích” vào chân trẻ; mặc dù trên thực tế chẳng ai nhìn thấy hành vi của cô giáo M. như thế nào. 

Nếu sự thật là "đâm" hoặc "chích" thì ắt hẳn phải thủng cả da thịt ra và đứa trẻ sẽ khóc thét lên ngay lập tức. Chính các phụ huynh cũng nhận ra điều ấy, rằng cô M. không có ác ý nên mới xin nhà trường giảm nhẹ hình phạt. Người trong cuộc muốn một ứng xử nhân văn, còn những tác giả là người ngoài cuộc thì lại hành xử vô tâm với một con người đã nhận thấy lỗi lầm.

Chúng ta dạy con trẻ phải biết yêu thương, chia sẻ, vị tha. Nhưng vì sao chính một số người lớn chúng ta lại chẳng làm được điều ấy?

Nếu dạy con trẻ biết yêu sự thật, vậy thì cũng cần giúp chúng biết tha thứ cho lầm lỗi. Sự tha thứ chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. 

Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ. Bởi thế mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại những ca từ thật sâu sắc "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...".

Sự vô tâm có thể sẽ làm tổn thương, thậm chí giết chết một con người?!

Ngọc Quang