Sự "gương mẫu" và "liêm sỉ" trong đời sống chính trị quốc gia

22/02/2015 05:05
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Ông Dương Trung Quốc: "Vấn đề quan trọng của xã hội ta bây giờ phải đấu tranh là sống cho trung thực, làm trung thực, nói cho thực".

Đón xuân Ất Mùi, Nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội) chia sẻ với độc giả  Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều băn khoăn, lo lắng về đời sống chính trị của đất nước. Đặc biệt, ông đề cập tới sự "gương mẫu" và "liêm sỉ" trong đời sống chính trị quốc gia; tính minh bạch của thông tin giúp cho xã hội phát triển lành mạnh.

Chống tham nhũng như chống dịch bệnh

Thưa ông, gần tới các kỳ Đại hội Đảng lại thấy xuất hiện nhiều thông tin trên các trang mạng inernet nói về tài sản của một số cán bộ lãnh đạo. Theo ông làm cách nào để ngăn chặn những thông tin kiểu này?

Ông Dương Trung Quốc: Thông tin là nhu cầu rất cần thiết với mỗi con người từ xưa tới nay, vì thế cần thấy rằng nhu cầu tìm hiểu để có thông tin của người dân là hết sức bình thường chứ chẳng có gì đặc biệt cả. Việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin cho thấy, thông tin chính là một yếu tố tạo nên xã hội dân chủ, lành mạnh.

Và trên thực tế xuất phát từ nhu cầu ấy thì người dân tìm đọc các kênh không chính thống và ở đó có nhiều thông tin không được kiểm duyệt về các khối tài sản kếch xù của lãnh đạo và nhiều người tin rằng đó là sự thật, bởi vì các kênh truyền thông chính thống của nhà nước thì không hề đề cập gì tới chuyện này. Trước những luồng thông tin trái chiều, các nhà phải lãnh đạo cần phải lắng tai nghe đã chứ đừng vội vàng phản ứng, vì lắng nghe thì sẽ tìm thấy giải pháp.

Chúng ta phải ý thức đấy là nhu cầu bình thường để có cách ứng xử với sự bùng nổ về khoa học công nghệ, nói ở một góc độ nào đó thì ở đây sẽ diễn ra cuộc đấu tranh rất quan trọng. Hơn nữa khi người dân còn quan tâm đến các thông tin liên quan đến lãnh đạo thì lại là chuyện đáng mừng, chỉ sợ người dân thờ ơ, buông xuôi.

Ông Dương Trung Quốc: "Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta phải sống trong một thế giới rất thiếu sự trung thực". ảnh: Ngọc Quang.
Ông Dương Trung Quốc: "Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta phải sống trong một thế giới rất thiếu sự trung thực". ảnh: Ngọc Quang.

Tôi tán thành việc vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng phải nhanh chóng cung cấp thông tin tới các kênh truyền thông và coi cả mạng xã hội cũng là một kênh truyền thông. 

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ bùng nổ công nghệ thông tin và riêng ở Việt Nam đã có 30 triệu người sử dụng các mạng xã hội, vậy thì chẳng có lý gì lại không coi đó là kênh truyền thông chuyển tải thông tin tới dân chúng. 

Theo tôi, cách làm tốt nhất là thông tin cần phải trung thực, minh bạch hơn theo hướng tích cực, chứ đừng theo cái cách là không làm được thì cấm.

Nhưng thưa ông lâu nay chúng ta thực hiện kê khai tài sản nhưng mới chỉ công khai chừng mực các thông tin ấy, dường như đó cũng là điều kiện để các thế lực phản động lợi dụng?

Ông Dương Trung Quốc: Nói cách khác là chúng ta chưa tạo ra môi trường để giám sát xã hội, hiện giờ chúng ta mới giám sát thông qua kênh của tổ chức thôi. Điều đó là cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ có nhiều thông tin trái chiều khác nhau.

Những quốc gia tiên tiến hiện nay cũng trải qua các thời kỳ phát triển như chúng ta rồi và họ tìm thấy ở đó điều quan trọng nhất là phải minh bạch. Chúng ta cũng biết như vậy, nhận thức được như vậy rồi mà tại sao lại không làm được?

Thưa ông, nếu để ý sẽ thấy mấy kỳ họp Quốc hội gần đây, các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng luôn chỉ ra rằng kết quả đạt được chưa tương xứng với mong muốn của nhân dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Dương Trung Quốc:  Chúng ta thừa nhận nhưng không có giải pháp thuyết phục, cho nên người dân sẽ dễ nghi ngờ và đặt ra câu hỏi: Có thực sự muốn chống tham nhũng hay không? Nói một cách hình tượng thì chúng ta phải vượt lên chính mình, ở đây hiểu rộng là tổ chức, nhóm lợi ích, cuối cùng là chính cá nhân những người tham gia trong nhóm ấy.

Tôi cho rằng chống tham nhũng cũng như chống dịch bệnh, nếu khoanh được vùng khu trú của tham nhũng thì đã giải quyết được nửa vấn đề rồi. Vậy ai tham nhũng được? Đấy là những người có chức có quyền. Ai có thể có chức có quyền? Với cơ chế chính trị như hiện nay thì đó phải là các đảng viên. Về mặt lý thuyết trong số 90 triệu dân thì chúng ta đã khu trú được vào 4 triệu đảng viên. Nhưng trong 4 triệu đảng viên thì chỉ một số ít có quyền lực, có chức vụ, có quyền động chạm đến ngân sách quốc gia, công sản quốc gia.

Phải nói thẳng ra rằng tham nhũng là căn bệnh mà Đảng đã nhận ra. Đấu tranh chống tham nhũng là mặt trận cuối cùng, nếu không làm được thì người dân sẽ phải chịu đựng nhiều nỗi khổ vì sự thất thoát công quỹ và công sản.

Muốn đấu tranh cho được thì trước tiên phải nhận thức sâu sắc trong nội bộ Đảng. Tiếp theo là phải tìm thấy lực lượng chống tham nhũng trong toàn xã hội; đồng thời phải có phương pháp, có tổ chức, có lộ trình, nhưng không thể kéo dài mãi tình trạng này.

Chống tham nhũng là mặt trận quan trọng của Đảng.
Chống tham nhũng là mặt trận quan trọng của Đảng.

Nói trung thực, làm thực, sống trung thực

Và như ông thấy, có một điều rất đáng buồn là 3 năm liền Tổ chức minh bạch thế giới xếp Việt Nam ở nửa cuối của bảng xếp hạng...

Ông Dương Trung Quốc: Điều đấy không phải là đáng buồn nữa mà là đáng xấu hổ chứ. Một quốc gia muốn sánh vai cùng cường quốc năm châu mà lại cứ ở cái vị trí thấp như thế thì làm sao bứt lên được. Nhìn vào đó tôi cho rằng đầu tiên các nhà lãnh đạo phải tự thấy xấu hổ, vì họ là những người có trách nhiệm và cũng là những người dễ "nhiễm bệnh" nhất. Tôi nói như vậy là hoàn toàn khách quan, chứ không hề có ám chỉ gì hết, vì nếu phân tích thẳng như thế thì ta sẽ thấy được vấn đề.

Tại sao ngày xưa các cụ coi gương mẫu và liêm sỉ là hai nhân tố cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị quốc gia? Phải đặt ra câu hỏi hiện nay các nhà lãnh đạo đã thực sự gương mẫu chưa? Và ngay cả cái liêm sỉ thì hình như chúng ta cũng chưa quan tâm lắm.

Mỗi người đứng ở một vị trí xã hội khác nhau đều phải tự ý thức được rằng, chính anh cũng là một phần của liêm sỉ quốc gia. Thí dụ như hối lộ chẳng hạn thì có phần lỗi của cả người đưa, chứ đâu phải chỉ có người nhận.

Tất cả những chuyện ấy nói cho cùng thì cũng không có gì mới mẻ với thế giới và đã được tổng kết là phải làm sao có một cơ chế, một hệ thống pháp luật, một hệ thống đạo đức, giá trị xã hội... khiến cho người ta không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không thiết tham nhũng. Tham nhũng để làm gì nếu như người ta có một đời sống tốt đẹp về vật chất và tinh thần? Còn về mức sống thì vô cùng, tính tham lam của con người cũng là vô cùng thì chúng ta điều tiết bằng cách khác, thí dụ từ dư luận xã hội và kể cả bằng tôn giáo, tín ngưỡng. Tôi lấy thí dụ như ở Hải Phòng có một ngôi làng nhiều năm nay cứ vào đầu năm có một lễ hội và những người đứng đầu làng thề trước dân là không tham nhũng, nếu ai vi phạm thì bị thần linh xử phạt.

Người ta biết rằng chống tham nhũng là rất khó cho nên phải vận cả lời thề, vận cả thần linh, và phải lấy cả tiếng nói từ công chúng để xử lý, còn nếu chúng ta chỉ nói trên nghị quyết thôi, hay chỉ là vài lời tuyên bố có cánh thôi thì không giải quyết được.

Nhìn từ góc độ của một nhà nghiên cứu, ông thấy điều gì đáng lo ngại nhất trong đời sống xã hội hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi thấy rằng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta phải sống trong một thế giới ảo, tức là rất thiếu sự trung thực. Ở Quốc hội, tôi cũng đã từng phát biểu rằng, chúng ta nói đến tham nhũng là một căn bệnh có người nặng, người nhẹ, nhưng thử hỏi tất cả chúng ta ngồi ở đây hắt hơi, xổ mũi có chưa, khi mà chúng ta phải ký hai chữ ký để lấy thù lao cho một hoạt động nào đó. Ai cũng thấy điều đó là vô lý, là không thể như thế được, nhưng cơ chế hiện nay buộc người ta vẫn phải làm như vậy. Hàng ngày, chúng ta làm những điều đó trong đời sống xã hội, vậy thì con cái học hỏi ở cha mẹ, ở thầy cô, và sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề hạt nhân quan trọng của xã hội ta bây giờ phải đấu tranh là "sống cho trung thực, làm trung thực, nói cho thực". Đó là những gì rất bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng sẽ là môi trường cực kỳ quan trọng để chúng ta đi đến sự đòi hỏi gương mẫu, minh bạch. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)