Những giải pháp cai nghiện ma túy “chắt ra từ cuộc đời”

17/07/2013 15:10
Theo ĐƯỜNG LOAN/Sài Gòn giải phóng
(GDVN) - Làm gì để vượt qua cơn thèm nhớ ma túy? Làm sao để cai nghiện thành công, lấy lại niềm tin của mọi người khi đã trót lầm đường? Đó là lo lắng của gần 550 học viên và người sau cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (gọi tắt là trung tâm), được bộc lộ trong buổi giao lưu kinh nghiệm với những người cai nghiện thành công, vừa diễn ra.
Câu trả lời được mỗi bạn trẻ lầm lỡ chắt ra từ chính hành trình của những “người trong cuộc”, những người từng vấp ngã song giờ đây đã biết yêu thương bản thân mình, yêu thương mọi người.

Nấc thang đến thành công

Anh H.N.S. (59 tuổi, ngụ quận 1 TPHCM), người từng 14 lần ra vào các cơ sở chữa bệnh, chia sẻ, chính tình yêu thương của gia đình và cộng đồng đã cứu vớt anh. Anh nghĩ: “Mình là cặn bã rồi, sao người ta lại đưa mình vào trung tâm, nuôi ăn, nuôi học, tổ chức dạy nghề cho mình làm chi?”. Sau gần 20 năm nghiện hút, sống lang thang không giấy tờ ở khu vực nhà ga, anh S. được Công an quận 1 làm lại giấy tờ tùy thân. Được can thiệp kịp thời giúp anh có thêm niềm tin hòa nhập cộng đồng, anh càng thấm thía thực tế mọi người không hề từ bỏ mình. “Đúng là chúng ta hay rơi vào cảnh thèm nhớ ma túy. Nhưng thử hỏi, nhớ ma túy có bằng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ vợ ở nhà không?”. Anh S. đã có câu trả lời, vì anh không muốn xa gia đình nữa. “Má tôi đã già, nhiều bệnh. Năm 2007, khi nghe tôi cai được, má tôi mừng quá, kêu sẽ ráng sống thêm mấy năm nữa. Má vui vậy, càng thôi thúc tôi giữ mình”, anh S. kể.

 
Học viên và người sau cai nghiện trao đổi với anh P.L.T. về kinh nghiệm vượt qua cơn thèm nhớ ma túy.
Học viên và người sau cai nghiện trao đổi với anh P.L.T. về kinh nghiệm vượt qua cơn thèm nhớ ma túy.

Ví những bạn trẻ ở trung tâm như “cái bóng” của mình ở thời điểm hơn 35 năm về trước, chị Đ.M.T.Th. (54 tuổi), trải lòng: “Lúc đó, tôi cũng như các bạn bây giờ. Tôi phải “chơi” để mọi người nể phục. Cha, mẹ nhắc nhở chỉ làm tôi bực bội. Khi tôi đang ngồi chích, hay tin cha mẹ bị mất tích ở nước ngoài, tôi cũng tỉnh bơ”. Rồi chị nói tiếp: “Ma túy biến con người ta thành kẻ lạnh lùng, tàn nhẫn. Tôi chỉ sống cho bản thân mình. Thậm chí, tàn nhẫn với bản thân, tàn nhẫn với gia đình và mọi người.

Chơi ma túy từ lúc 17 tuổi, khi bỏ được thì đầu tôi đã bạc và mất tất cả” – chị Th. xúc động. Gần 20 năm sa lầy, đến khi chỉ còn một mình nuôi con trai vừa chào đời, chị mới cảm thấy cái “ác” trong con người mình. Tình yêu thương đối với con thơ dạt dào bao nhiêu thì nỗi day dứt với cha mẹ của chị Th. càng lớn bấy nhiêu. Và chị đã “dừng cuộc chơi”, cố gắng bù đắp cho con. Giờ đây, chị Th. làm cán bộ quản lý học viên Trung tâm cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm với thu nhập 5 triệu đồng/tháng và con chị đang học cao đẳng.

Luôn canh cánh niềm ân hận không còn cha mẹ, muốn đáp đền mà không đặng, chị Th. nhắn nhủ: “Các bạn còn những cây tùng, còn những lá chắn, hãy cố gắng trân trọng cái mình đang có. Câu cửa miệng - 1 mũi, không sao cả - chỉ là cảm xúc đánh lừa. Có mũi này, sẽ có mũi nữa, mũi giữa, mũi bìa… rồi trượt luôn. Vì thế, không là không, cần kiên định”. Theo chị Th., muốn từ bỏ ma túy cần một chút yêu thương, một chút kiên định, một chút cố gắng, một chút can đảm… Tất cả tạo thành nấc thang giúp bạn trẻ vượt qua cám dỗ chết người của ma túy.

Cùng thắt sợi dây liên kết

Trước câu hỏi: “Làm sao vượt qua cơn thèm nhớ khi địa bàn vẫn còn ma túy” của học viên P.M.T. (quận 8), anh P.L.T. (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Các bạn vào cơ sở chữa bệnh là đã thành công 50%. Ngay từ lúc này, các bạn hãy lên một kế hoạch hồi gia với quyết tâm không chơi nữa. Ma túy đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Nếu mình không quên thì dù ngồi nhà, ma túy vẫn tìm đến, vẫn cứ “đề trô” (quay lại với ma túy). Quan trọng là niềm tin của bản thân. Các bạn cứ dửng dưng, trong lòng không có nó, không nhớ nó thì sẽ tỉnh bơ nếu đối diện với ma túy”. Với anh S., để lấy lại niềm tin của mọi người, vợ chồng anh cùng cố gắng làm lụng. Vợ hàng ngày bán xôi kiếm thêm thu nhập, còn anh S. làm giáo dục viên đồng đẳng tại quận 1, tìm cách giúp đỡ những người như mình trước kia. 

Cùng với lời nhắn nhủ của chị Th. - “khi gặp bế tắc, nếu bạn không nói được với gia đình thì hãy gặp chúng tôi, cùng chia sẻ để vượt qua” - bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ chuyên trách UBND phường 1, quận 8 cũng kêu gọi: “Chúng tôi rất muốn giúp đỡ các bạn. Các bạn đừng né tránh chúng tôi thì chúng tôi mới biết bạn cần gì, muốn gì. Hãy đến với chúng tôi, chúng ta cùng thắt sợi dây liên kết, giúp đỡ”. 

Luôn e ngại khi hồi gia sẽ đối mặt với mọi người như thế nào, giờ đây, học viên L.Q.L. (quận Thủ Đức), phấn chấn: “Chứng kiến cộng đồng luôn chào đón mình, lại được chứng kiến những tấm gương đã bước qua lỗi lầm, em sẽ cố gắng. Dù khó khăn nhưng không phải là không thể!”.

Nhằm tiếp thêm niềm tin cho người lầm lỡ, tại các cơ sở chữa bệnh, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tổ chức buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các học viên và người sau cai nghiện với người đã cai nghiện thành công và đại diện chính quyền địa phương. Thời gian tới, chương trình sẽ được nhân rộng, tổ chức tại các địa phương có đông người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, người sau cai nghiện được quản lý tại nơi cư trú.

Theo ĐƯỜNG LOAN/Sài Gòn giải phóng