Người Việt nên là rùa hay là nhím?

18/02/2014 13:31
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Người Việt không thể là rùa, phải là nhím hiền lành nhưng luôn đầy lông nhọn.

Có một câu hỏi thường trực mà cánh phóng viên luôn dành cho du khách nước ngoài là: “Ông/bà cảm nhận thế nào về đất nước và con người Việt Nam?”. Thật ngạc nhiên là số đông du khách đều có nhận xét là “người Việt thân thiện và hay cười”.

Vì sao người Việt hay cười, thật là khó trả lời nếu xét trên khía cạnh tâm, sinh lý. Tuy nhiên nếu xét trên bình diện xã hội học thì câu trả lời lại rất dễ, người Việt hay cười vì rất “nhạy cảm”, vì nhạy cảm nên hễ động vào là cười, mặc dù có khi chỉ là “cười buồn”.

Người Việt có nhiều kiểu cười hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, chẳng hạn: cười mỉm, cười ruồi, cười nụ, cười duyên, cười trừ, cười thầm, cười buồn, cười đểu, cười hô hố, cười hềnh hệch, cười nham hiểm… Có lẽ mỗi kiểu cười đều gắn với một điểm nhạy cảm nào đó và nghĩa là có rất nhiều điểm nhạy cảm cần được khám phá.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận xét: “Lãnh đạo của chúng ta cũng rất nhạy cảm, năm 1975 đang đánh trong đất liền để giải phóng đất nước, nhưng đã cho quân ra lấy lại Trường Sa. Nếu giống như năm 1974, thì tình hình Trường Sa cực kỳ phức tạp. [1]

Theo TS Dương Xuân Thành, tiếc rằng bao nhiêu năm nay chẳng mấy khi chúng ta dám nói thẳng “Tưởng niệm cuộc chiến 1979" vì nhiều người cho rằng nó thuộc vào phạm trù “nhạy cảm”. Ảnh tư liệu.
Theo TS Dương Xuân Thành, tiếc rằng bao nhiêu năm nay chẳng mấy khi chúng ta dám nói thẳng “Tưởng niệm cuộc chiến 1979" vì nhiều người cho rằng nó thuộc vào phạm trù “nhạy cảm”. Ảnh tư liệu.

“Tưởng niệm cuộc chiến 1979: Không có gì nhạy cảm”, [2] đây là một tiêu đề trong bài viết trên Vietnamnet ngày 17/2/2014. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an cho rằng: “Cuộc kháng chiến năm 1979, với khoảng thời gian hơn 17 ngày (tính từ 17/2 khi TQ tràn qua biên giới VN đến 5/3/1979 khi TQ bắt đầu rút quân – PV), ta đã đuổi được 60 vạn quân TQ ra khỏi bờ cõi. Một cuộc kháng chiến chống xâm lược như vậy rất oanh liệt, vĩ đại”.

Không phải chỉ trong lĩnh vực đối ngoại, đối nội cũng đầy rẫy “nhạy cảm”. Xin trích dẫn một vài ý kiến:

PSG. TS. Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới phát biểu: “Các nhóm lợi ích vẫn chi phối rất mạnh quá trình tái cơ cấu và cản trở quá trình đổi mới”. Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề này, ông từ chối và cho rằng đây là vấn đề "nhạy cảm". [3]

Nhìn lại nội dung luật Đất đai 2003 và quá trình 10 năm thi hành, có thể thấy còn tồn đọng một số điểm cần tiếp tục đổi mới nhưng đều thuộc phạm vi “nhạy cảm”. [4]

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ cho quảng cáo trên... các vị trí “nhạy cảm”. [5]

Nhắc đến Trung Quốc, chuyện thành... “nhạy cảm”. [6]

Có thể trích dẫn hàng trăm, hàng nghìn, tài liệu liên quan đến “nhạy cảm” nhưng 6 ví dụ trên đã là quá nhiều và câu hỏi đặt ra là người Việt có cần “nhạy cảm” mọi nơi, mọi lúc như vậy không?

Biểu đồ chỉ số thông minh (intelligence quotient -IQ) [7] cho thấy cư dân châu Á, trong đó có người Việt thuộc vào hàng có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Tuy nhiên một nghiên cứu vào năm 2002 cho thấy chủng tộc, của cải, học vấn mới có những vai trò chủ chốt trong việc quyết định tình trạng kinh tế tương lai của đất nước, còn IQ chỉ là một yếu tố nhỏ“. [8]

Ba yếu tố “chủng tộc, của cải, học vấn” giống như chiếc kiềng ba chân, thiếu một trong ba yếu tố đó tương lai của đất nước sẽ bị đe dọa, quốc gia mãi mãi hèn kém. Đất nước ta đã hội được hai yếu tố là “chủng tộc” và “của cải tự nhiên”, còn “học vấn”? Với tất cả lòng tự hào là người Việt vẫn phải nói rằng “học vấn” của người Việt hiện đại chỉ ở mức trung bình, thậm chí một số tiêu chí còn dưới trung bình.

Không thể lý giải vì sao trong 5 năm gần đây chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam giảm từ vị trí 65/153 quốc gia (2008) xuống 76/141 (2012). So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng ví trí thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Brunei. [9]

Sự giảm sút trình độ học vấn của người Việt không tách rời những chuyện “nhạy cảm” trong  tư duy quản lý và tư duy giáo dục. “Thế giới ngày xưa không có đường, do người đi mà thành đường”, Lỗ Tấn nói như vậy, chỉ tiếc rằng con đường mà chúng ta đang đi vẫn chưa thực sự trở thành đại lộ để có thể chạy nhanh hơn, xa hơn.  

Hãy đừng nhìn vào mấy chiếc huy chương vàng của học sinh phổ thông đi thi quốc tế, hãy nhìn vào cảnh cướp hoa ở Thủ đô Hà Nội, cảnh hỗn loạn khi phát ấn ở đền Trần, cảnh đi thi hoa hậu không cần quan tâm đến tên nước và cờ tổ quốc… đấy là nói về những người, xin lỗi tạm gọi là “chân đất”. Cao hơn một chút, hãy nhìn tấm gương các giáo sư, tiến sĩ, hãy nhìn vào những ngành được gọi là “hàn lâm” như Văn hóa, Giáo dục. Một đất nước đầy rẫy giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà phải đóng cửa 207 ngành đào tạo đại học chỉ vì không có thầy cô trình độ tiến sĩ, xem ra khóc thì không thể nên chỉ còn cách “cười buồn”.

Nếu được phép gợi ý cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, người viết đề nghị Bộ trưởng xin Thủ tướng ban hành một nghị định, quy định sẽ thu hồi hàm giáo sư, phó giáo sư của những người không biên chế và không  tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Chỉ cần một nghị định như thế, các trường sẽ đầy ắp GS, PGS, TS, có điều người viết rất sợ, rằng không ít các “nhà khoa học” ấy sẽ không dạy nổi một giáo trình  chuyên ngành cho sinh viên. Nói thế nhưng người viết cũng đoán, rằng Bộ trưởng sẽ không thể làm vì chuyện này quá… “nhạy cảm”.

Sự tiến triển của xã hội không chỉ tạo ra một thế hệ người Việt “nhạy cảm” mà còn tạo ra khá nhiều phương tiện truyền thông “nhạy cảm”. Để tránh nhạy cảm nhiều trang báo, kể cả một vài báo có uy tín cũng đành thêm thắt “cướp, hiếp, sex…” nhằm lôi kéo độc giả. Tuy vậy vẫn có tín hiệu đáng mừng khi một bài viết  liên quan đến Thanh tra Bộ GD&ĐT trên Vietnamnet lại được người đọc đánh giá 5 sao.

Căn bệnh “nhạy cảm” của người Việt liệu có thuốc chữa? Thuốc chắc không thiếu, người bệnh chắc cũng muốn uống, vấn đề là cần chờ “bác sĩ” kê đơn. Một bài viết khá sâu sắc trên Tuần Việt Nam có tiêu đề: “Người Việt hạnh phúc do... biết thân, biết phận?”. [10] Các triết gia đã nêu nhiều định nghĩa về hạnh phúc và thực tế chẳng có định nghĩa nào trọn vẹn kể cả định nghĩa nổi tiếng của C.Mác: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Hạnh phúc tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, tuy nhiên khi mà người ta quá nhạy cảm, hể động vào không “cười trừ”, “cười buồn” thì “cười nịnh” sẽ chẳng bao giờ mang lại hạnh phúc.  

Có hai con vật rất hiền lành là rùa và nhím, rùa giữ mạng sống bằng cách rụt cổ vào trong mai kệ cho kẻ ăn thịt vầy vò, nhím giữ mạng sồng bằng cách xù lông nhọn khiến kẻ thù không dám động đến. Người Việt không thể là rùa, phải là nhím hiền lành nhưng luôn đầy lông nhọn.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140106/trung-tuong-nguyen-quoc-thuoc-can-ton-vinh-nhung-quan-nhan-vnch-chong-ngoai-xam.aspx

[2]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/161648/chien-tranh-bien-gioi-1979--khong-the-quen-lang.html

[3]http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/mot-nam-nhay-cam-chuyen-loi-ich-nhom-trong-tai-co-cau-3000154/

[4] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120301/ton-dong-nhung-diem-nhay-cam.aspx

[5] http://dantri.com.vn/bo-phan-co-the-nhay-cam.tag

[6] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/

[7] http://vi.wikipedia.org/wiki/IQ

[8] http://www.umass.edu/preferen/gintis/intergen.pdf

[9] http://giaoduc.net.vn/Vi-khat-vong-Viet/Viet-Nam-dung-o-dau-tren-ban-do-tri-tue-the-gioi-post135321.gd

[10]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/158783/nguoi-viet-hanh-phuc-do----biet-than--biet-phan-.html

TS. Dương Xuân Thành