Liên Hợp Quốc và IPU sẽ tăng cường hợp tác

29/03/2015 18:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Amina J.Mohammed - Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã chuyển thông điệp này tới Đại hội đồng liên minh nghị viện (IPU - 132).

Bà Amina J.Mohammed đã chuyển lời của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tới Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132; hoan nghênh chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" của Đại hội đồng, cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được thảo luận. Tất cả nhằm bổ sung và đóng góp nỗ lực cho chính chúng ta tại Liên Hợp Quốc.

Các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc hiện đang tiến hành đàm phán liên chính phủ về ch ương trình nghị sự phát triển giai đoạn sau 2015. Như đã nhất trí tại thành phố Rio năm 2012, chương trình nghị sự phát triển giai đoạn sau năm 2015 sẽ được thực hiện ở tất cả các nước trên cả ba khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà Amina J.Mohammed - Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại IPU - 132. ảnh: ipu việt nam.
Bà Amina J.Mohammed - Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại IPU - 132. ảnh: ipu việt nam.

Mục tiêu của chúng ta là đạt được một chương trình nghị sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và của hành tinh này. Tiến trình xác định 17 mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 là chưa từng có.

Tiến trình này đã khích lệ cộng đồng quốc tế và khơi dậy sự nghiệp mới, sự hào hứng và lạc quan cho Liên hợp quốc. Tiến trình này cũng đang được giám sát một cách sát sao bên ngoài Liên Hợp Quốc. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ diễn ra vào tháng 9/2015 sẽ thông qua chương trình phát triển giai đoạn sau 2015.

Các nghị sỹ có vai trò trong tiến trình này thông qua Hội nghị thế giới lần thứ tư của những người đứng đầu Nghị viện sẽ diễn ra tại Trụ sở của Liên hợp quốc ở New York. Sự kiện này nằm trong hàng loạt các hội nghị, diễn đàn cấp cao hướng tới Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Chúng ta đã có trong tay một đề xuất đầy tham vọng, đó là việc thành lập Nhóm công tác mở về các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong vòng18 tháng qua, các quốc gia thành viên đã cùng phấn đấu xây dựng một đề xuất chuyển đổi bao gồm 17 Mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu.

Các nước thành viên đã tham khảo ý kiến của Liên hợp quốc, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các nghị sỹ, giới học giả và nhiều nhóm khác. Hơn 60 quốc gia đã tiến hành thảo luận ý kiến ở trong nước ở cấp trung ương và địa phương.

Dự án thế giới của tôi đã thu hút ý kiến của người dân trên khắp thế giới. Với sức mạnh tập hợp toàn cầu, Liên hợp quốc đã ủng hộ quá trình thảo luận bằng việc tập hợp các bên tham gia và đóng góp những ý kiến thực chất bất cứ khi nào được yêu cầu. Các mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất kết hợp đầy đủ cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Các mục tiêu này đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo làm trọng tâm, bao gồm những mục tiêu riêng rẽ về kinh tế, năng lực sản xuất, biến đổi khí hậu, y tế và sức khỏe, sự hạnh phúc và thịnh vượng, trao quyền cho phụ nữ và bất bình đẳng, đề ra những cách thức xây dựng các xã hội hòa bình và toàn diện. Các mục tiêu này quy định cách thức triển khai tài chính và phi tài chính dưới dạng các chỉ tiêu xuyên suốt các mục tiêu và dưới dạng các mục tiêu riêng biệt.

Quan trọng hơn cả, các mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất dựa trên quan điểm không để một ai bị bỏ lại phía sau. Rõ ràng là công việc như thường lệ sẽ không còn là một sự lựa chọn nữa. Điều này không chỉ được thể hiện qua trọng tâm cụ thể của chương trình nghị sự mà còn qua cách tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giải pháp và vai trò có thể nhìn thấy trước của các chủ thể này trong việc thực hiện giải pháp đó. Đây là lý do vì sao vai trò của Nghị viện có tính then chốt. Các nghị viện đóng vai trò là cầu nối giữa người dân với chính phủ của họ.

Các nghị viện có thể và cần phải là người dẫn dắt, khuyến khích hành động, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thực thi.

Mục tiêu phát triển bền vững số 16 nhấn mạnh vai trò của các thể chế và sự cần thiết để các thể chế này phải mang tính đại diện, minh bạch và tham gia.

Các nghị viện có trọng trách lớn lao trong khía cạnh này. Vai trò đầu tiên của các Nghị viện là tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai chương trình nghị sự phát triển giai đoạn sau 2015 thông qua lập pháp và các sáng kiến.

Thứ hai, các Nghị viện có thể đảm bảo rằng ngân sách của các chính phủ trung ương phản ánh cam kết của chính phủ nhằm đạt được một chương trình nghị sự phù hợp với ưu tiên phát triển của quốc gia.

Nhiều nghị sỹ bất ngờ vì nước chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị quá tốt cho IPU - 132. ảnh: TTXVN.
Nhiều nghị sỹ bất ngờ vì nước chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị quá tốt cho IPU - 132. ảnh: TTXVN.

Vai trò thứ ba của các Nghị viện là thực hiện chức năng giám sát thông qua việc kiểm tra, đánh giá và quy trách nhiệm cho Chính phủ.

Vì vậy, điều quan trọng là cần phải củng cố khả năng của Nghị viện trong việc tham gia vào quá trình đánh giá các chương trình phát triển. Ngoài những vai trò nêu trên, các Nghị viện có thể nâng cao nhận thức về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua những mạng lưới như IPU. Các nghị viện có vai trò đặc biệt trong việc tuyên truyền các chương trình nghị sự phát triển đến người dân và làm cho chương trình này trở thành khuôn khổ hữu hình đối với người dân ở tất cả các nước.

Các nghị viện có thể hỗ trợ và tạo thuận lợi cho quá trình thảo luận ở cấp quốc gia về việc mỗi nước nhìn nhận như thế nào về tương lai phát triển bền vững của mình. Diễn ra đồng thời với hội nghị IPU lần này là hội nghị tham vấn các nghị sỹ về việc cập nhật chiến lược toàn cầu về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phù hợp với các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Vai trò của các nghị sỹ rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng chúng ta có thể chấm dứt hoàn toàn những trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa được ở bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ vị thành niên trong vòng một thế hệ. Các nghị viện sẽ thực sự ở tuyến đầu trong việc biến tất cả những mục tiêu đầy tham vọng trên trở thành hiện thực và đưa những mục tiêu đó đến với người dân.

Tôi tin tưởng vào sự tham gia của quý vị và hy vọng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên hợp quốc và IPU sẽ được tăng cường với việc hai tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới và sẽ tiếp tục trong suốt quãng thời gian đầy hứng khởi này.

Việt Nam gửi tới thế giới thông điệp hòa bình, hợp tác, cùng phát triển

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức IPU 132 cho biết, Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP) là cơ quan tham vấn của IPU. Mục tiêu hoạt động của ASGP nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ban Thư ký nghị viện và tăng cường quan hệ công tác giữa các Tổng Thư ký nghị viện, kể cả các nghị viện không phải là thành viên của IPU. Hệ thống thành viên của ASGP độc lập với IPU, bao gồm Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của các nghị viện quốc gia, kể cả các nghị viện không phải là thành viên của IPU.

Họp báo về Hội nghị hiệp hội các tổng thứ ký nghị viện (ASGP). Ảnh: Xuân Hải
Họp báo về Hội nghị hiệp hội các tổng thứ ký nghị viện (ASGP). Ảnh: Xuân Hải

ASGP có chức năng nghiên cứu các văn bản pháp luật, quy trình, thực tiễn và phương thức hoạt động của các nghị viện và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động của các nghị viện; đồng thời duy trì quan hệ hợp tác giữa các cơ quan giúp việc nghị viện của các nước. Khi có yêu cầu, Hiệp hội cũng tham mưu giúp IPU về những nội dung trong phạm vi chuyên môn của mình. Hiệp hội hoạt động trên cơ sở quy chế và phương thức hoạt động riêng. Các cơ quan của Hiệp hội bao gồm Ban chấp hành và Thường trực Hiệp hội.

Tại Hội nghị lần này, ASGP sẽ tiếp tục tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động nghị viện của các cơ quan giúp việc nghị viện. Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề về mối quan hệ giữa công chúng với truyền thông; hoạt động chính trị tại nghị viện và tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả.

Theo thông lệ của ASGP, Tổng thư ký nghị viện nước chủ nhà sẽ có phần giới thiệu tổng quan về nghị viện nước chủ nhà tại phiên họp thứ nhất của Hội nghị ASGP. Chủ đề được đưa ra lần này là: “Quốc hội Việt Nam với tiến trình đổi mới” nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về quá trình phát tiển đổi mới và hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam cùng với tiến trình đổi mới chung của đất nước.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ: "Chúng tôi coi đây là cơ hội để Văn phòng Quốc hội Việt Nam học hỏi nhiều trên diễn đàn ASGP. Ngoài các chuyên đề chung, chúng tôi còn nhiều nội dung chung cần trao với các thành viên ASGP. Qua hội nghị Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện lần này chúng tôi muốn gửi tới các bạn bè trên thế giới một thông điệp về hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển".

Theo ông Phúc, phiên họp của Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP) lần này sẽ thảo luận về các chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả” do Văn phòng Quốc hội Việt Nam đề xuất; “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: Một khía cạnh khác của quy trình lập pháp” do Philippines đề xuất, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn công tác phục vụ nghị viện, điều kiện đảm bảo để triển khai nghị quyết của IPU tại các nghị viện thành viên.

Trên thế giới mô hình giúp việc của nghị viện rất khác nhau. Trên thế giới hiện có 2 mô hình, một là mô hình kiêm nhiệm, hai là mô hình chung, đặc biệt là mô hình ban thư ký. Phải chăng nên chuyển từ mô hình ban thư ký kỳ họp sang mô hình ban thư ký. Vì vậy, rất cần sự tham vấn của các tổng thư ký trên thế giới để tìm mô hình phù hợp với Việt Nam, mong rằng vấn đề về mô hình ban thư ký, tổng thư ký sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tới đây.

Ngọc Quang