Xung quanh việc tranh luận về xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc:

"Lễ tế ở Đàn Xã Tắc quan trọng bậc nhất tại kinh đô Thăng Long"

02/05/2013 06:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Tính nhân dân rộng rãi nhất cùng việc đặt đàn Xã Tắc vào hàng quốc lễ đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của đàn Xã Tắc Thăng Long trong hệ thống lễ tế của các vương triều quân chủ ở Thăng Long trong suốt thời kỳ Lý – Trần – Lê.
Ở bài viết trước, PGS.TS Tống Trung Tín đã chia sẻ với độc giả của Báo Giáo dục Việt Nam về sự linh thiêng của đàn Xã Tắc. Tiếp tục cuộc trò chuyện, PGS Tín cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho thấy vị trí và vai trò của đàn Xã Tắc trong các triều đại Lý – Trần – Lê.

Thời nhà Lê: Đàn Xã Tắc có ý nghĩa tượng trưng cho quốc gia

Theo các tài liệu cổ, thì vào thời Trần, ảnh hưởng của Nho Giáo trong xã hội ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, về căn bản hệ thống nghi lễ Thăng Long dưới thời Trần vẫn tiếp tục truyền thống thời Lý. Trong hệ thống nghi lễ đó, đàn Xã Tắc được ghi chép trang trọng trong Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên: “Miếu điện rất tôn nghiêm linh thiêng có tiếng”.
Đặc biệt, Việt điện u linh còn ghi được 3 lần trước đó nhà Trần gia phong cho thần Xã và thần Tắc ở đàn Xã Tắc. Cụ thể, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) phong Hậu Tắc tư Đế quân; Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) đổi phong Thiên Tổ Xã Tắc Đế Quân; Năm Hưng Long thứ 21 (1294) gia phong Thiên Tổ địa chủ Xã Tắc Đế quân.

PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Ảnh: Ngọc Quang
PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Ảnh: Ngọc Quang
PGS Tống Trung Tín dẫn chứng: “Việc sử thần Lê Văn Hưu thời Trần phê phán Lý Thái Tổ chỉ chú ý đến chùa, quán mà không chú ý đến đàn Xã Tắc và Tông Miếu cũng phần nào cho thấy nhà Trần rất coi trọng đàn Xã Tắc”.
PGS.TS Tống Trung Tín: “Ngoài việc vua, chúa hành lễ ở đàn Xã Tắc, đàn Xã Tắc thời Lê còn được bảo vệ theo Luật pháp của nhà nước. Quốc triều hình luật của nhà Lê quy định rõ: Phá hủy những đàn tế lớn như đàn tế Giao, tế Xã thì xử tội đồ làm khao đinh; phá tường và cửa đàn thì giảm đi một bậc”.
Tới thời nhà Lê, Nho Giáo được đẩy lên vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ tư tưởng trị nước an dân của nhà nước. Phật Giáo, Đạo giáo vẫn được duy trì và phát triển. Nhưng việc thờ cúng ở đàn Nam Giao, hệ thống thờ tự Nho giáo, thi cử theo Nho giáo được đặc biệt chú trọng. Đương nhiên, vị trí và vai trò của đàn Xã Tắc với ý nghĩa tượng trưng cho quốc gia cũng được đặc biệt coi trọng.
Năm 1435, vua Lê Thái Tông cũng đã từng tế ở đàn Xã Tắc. Cho tới thời Lê Trung Hưng (năm 1727), chúa An đô vương Trịnh Căn đã đích thân tế thần Tiên Nông ở Xã Đàn. “Ngoài việc vua, chúa hành lễ ở đàn Xã Tắc, đàn Xã Tắc thời Lê còn được bảo vệ theo Luật pháp của nhà nước. Quốc triều hình luật của nhà Lê quy định rõ: Phá hủy những đàn tế lớn như đàn tế Giao, tế Xã thì xử tội đồ làm khao đinh; phá tường và cửa đàn thì giảm đi một bậc”, PGS Tín cho hay.
Đến thời Nguyễn, việc tế lễ đàn Xã Tắc Huế được nhà Nguyễn xếp vào hành Đại tự. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị vào các năm có khánh tiết đều thân hành làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.
Sở dĩ lễ tế đàn Xã Tắc Thăng Long nói riêng và đàn Xã Tắc ở Việt Nam nói chung là thiêng liêng và quan trọng như vậy, vì đàn lễ này được xây dựng để tế thần Đất và thần Ngũ Cốc, hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ khăng khít với nhau quyết định sự sống còn của con người. Nội dung thờ cúng và tế lễ ở đàn Xã Tắc được Quốc sử quan triều Nguyễn ghi rõ: “Xã là thần Đất hay nền tế thần Đất. Tắc là thần Ngũ Cốc hay nền tế thần Ngũ Cốc”.
Tất cả các nguồn sử cũ đều ghi rõ việc lập đàn Xã Tắc là để “bốn mùa cúng tế, cầu được mùa” hay “Bốn mùa cầu đảo cho mùa màng” hoặc “Để cầu cho quanh năm được mùa”.
Cũng theo Viện trưởng Viện Khảo cổ học, lễ cầu mùa vốn là nghi lễ quan trọng hàng đầu của tất cả các cư dân nông nghiệp phương Đông vốn sống bằng nghề nông là chủ yếu. Đối với nước ta, nông nghiệp trồng lúa nước cổ truyền xuất hiện từ sớm và luôn chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống nhân dân. Do đó, các nghi lễ cầu mùa xuất hiện từ rất sớm và ngày càng trở nên quan trọng. Các hình ảnh hội mùa, các nghi lễ liên quan đến việc cầu mùa, cầu mưa đã được ghi lại trên trống đồng, thạp đồng Đông Sơn từ thời các vua Hùng như hình ảnh nam nữ giao duyên, đoàn người rước múa, đua thuyền, tượng cóc… Các lễ hội cầu mùa, các nghi lễ liên quan tới nông nghiệp đó tồn tại lâu dài trong dân gian.
“Đến thời Lý, nhà nước quân chủ độc lập đã đưa nghi lễ này thành nghi lễ quốc gia dưới hình thức tế thần Đất và thần Ngũ Cốc ở đàn Xã Tắc. Về mặt hình thức thì đàn Xã Tắc chịu ảnh hưởng phần nào từ Trung Quốc, nhưng thực chất nội dung cầu mùa, cầu mưa ở đàn chính là bắt nguồn trực tiếp từ trong đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt cổ vốn hình thành qua hàng nghìn năm trước Công nguyên”, ông Tín chia sẻ.

Lễ tế ở đàn Xã Tắc quan trọng bậc nhất tại kinh đô Thăng Long

Trong nghi lễ cầu mùa, mối quan hệ giữa hai yếu tố Xã và Tắc hết sức khăng khít, chặt chẽ. Mối quan hệ đó đã được Quốc triều chính biên toát yếu triều Nguyễn (năm 1927) ghi chép như sau: “Xã là thần lớn nhất trong 5 thổ thần, 5 thổ thần không thể tế hết, cho nên tế thần Xã. Tắc là quý nhất trong ngũ cố, ngũ cốc không thể tế hết, co nên tế thần Tắc. Tắc mà không có Xã thì không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc thì không thành hiệu gì hết, cho nên hiệp tế Xã, Tắc vì công lợi ngang nhau”.

Thời nhà Lê, đã có luật bảo vệ đàn Xã Tắc.
Thời nhà Lê, đã có luật bảo vệ đàn Xã Tắc.

Theo PGS Tín, đến tận thời Nguyễn, đàn Xã Tắc không chỉ tổ chức ở kinh đô mà còn được cho xây dựng ở khắp các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng thờ cúng của toàn dân. Tính nhân dân rộng rãi nhất cùng việc đặt đàn Xã Tắc vào hàng quốc lễ đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của đàn Xã Tắc Thăng Long trong hệ thống lễ tế của các vương triều quân chủ ở Thăng Long trong suốt thời kỳ Lý – Trần – Lê.
Việc nhấn mạnh đàn Xã Tắc (hay Xã Đàn) có mục đích tối thượng là Cầu Mùa cũng chính là muốn nói đến tầm quan trọng sống còn của đất đai, lúa gạo và nghề nông đối với một quốc gia. Ngược lại, điều đó cũng làm rõ vị trí thiêng liêng và quan trọng của đàn Xã Tắc. Việc thư tịch cổ ghi “bốn mùa cầu đảo” ở đàn đã nói lên điều đó.
Cũng vì vậy, ở Thăng Long, mặc dù còn có nhiều nghi lễ khác cũng liên quan tới nông nghiệp, nhưng nghi lễ quan trọng vào bậc nhất vẫn là tế lễ ở đàn Xã Tắc. Chẳng hạn, mưa là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nông nghiệp, nhưng nghi lễ quan trọng vào bậc nhất vẫn là tế lễ ở đàn Xã Tắc. Chẳng hạn, mưa là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nghề nông, trồng lúa nước ở Việt Nam.

Cho nên, mỗi khi đại hạn, Nhà nước đã tiến hành hàng loạt hoạt động cầu mưa ở nhiều nơi như đàn Nam Giao, tháp Báo Thiên, cung Cảnh Linh, điện Kính Thiên… Nhưng dường như thường xuyên hơn là cầu mưa ở đàn Xã Tắc như Việt điện u linh đã phản ánh: ‘Mỗi khi có đại hạn hoặc nạn hoàng trùng, làm lễ cầu mưa hay trừ sâu tất được linh ứng”.
“Ghi chép của Việt điện u linh dường như cho thấy bất cứ hiện tượng gì liên quan tới mùa màng, nhà nước quân chủ đều viện tới đàn Xã Tắc để hỗ trợ cho người dân. Việc thời vua Lê Trung Hưng (1927) đã có đàn thờ thần Tiên Nông (đàn Tịch Điền) cũng là vị thần liên quan tới nông nghiệp ở Hoàng Mai. Chúa Trịnh còn tế lễ vị thần này ở đàn Xã Tắc (năm 1707). Thêm một chi tiết nữa cho thấy vai trò to lớn của đàn Xã Tắc trong hệ thống nghi lễ ở kinh đô Thăng Long dưới thời Lý – Trần – Lê”, PGS Tín cho biết.
Ngọc Quang