Kì 3:Phút định mệnh của thượng tá trong hang ổ trùm Cu Nên

30/09/2011 06:06
Thảo Lăng
(GDVN) -Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình an ninh trật tự ở Hải Phòng chuyển sang một giai đoạn rối ren...
Chống tội phạm vốn là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Và nó càng gian nan hơn ở một nơi mà tội phạm nổi tiếng là liều lĩnh, manh động bậc nhất cả nước. Đã khi nào trong cuộc chiến cam go này, các chiến sĩ trinh sát của đội H88 cảm thấy sợ hãi trước sự tàn ác của kẻ thù?
Thật bất ngờ, khi trả lời tôi, thượng tá Trường Tam, (Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), công an thành phố Hải Phòng) đáp: “Có”. Thế rồi ông bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện vây bắt trùm giang hồ Phạm Đình Nên (Cu Nên):
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình an ninh trật tự ở Hải Phòng chuyển sang một giai đoạn rối ren. Bởi vì, sau một thời gian dài áp dụng Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép xử tử vắng mặt những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm (còn gọi là án tiêu diệt), tình hình cướp bóc trên địa bàn có vẻ lắng xuống. 

Phạm Đình Nên và đồng bọn
Phạm Đình Nên và đồng bọn

Nhưng thực chất, lúc này, giang hồ đất Cảng đã bắt đầu chuyển sang một thời kì mới với thủ đoạn hoạt động không những tinh vi hơn mà còn kết hợp đa dạng nhiều hình thức phạm tội cùng một lúc, được che chắn rất bài bản, cẩn thận. 
Lúc này, giang hồ đất Cảng ít hoạt động riêng lẻ mà chuyển sang hoạt động nhóm, băng đảng. Tiêu biểu nhất là 3 băng đảng của Phạm Đình Nên (Cu Nên), Ngô Thế Lâm (Lâm Già) và Vũ Thị Hoàng Dung (Dung Hà). 
Do cùng nhau hoạt động trên 1 địa bàn, nên chúng tạo thành thế kiềng 3 chân, chia nhau địa bàn và lĩnh vực hoạt động. Vì thế, cuộc chiến với tội phạm hình sự để bảo vệ cuộc sống bình yên của công an thành phố diễn ra vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Chuyên án Cu Nên là màn mở đầu để công an Hải Phòng phá tan 2 băng nhóm còn lại. Hơn nữa, Cu Nên nổi tiếng là một kẻ táo tợn, liều lĩnh. Do đó, việc vây bắt đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. 
Đúng 3h sáng 15/3/1995, mọi mũi bao vây nhà Nên đã được lắp ghép hoàn chỉnh. Nhận định trong nhà Nên có rất nhiều đàn em ong ve, cộng thêm số lượng lớn lựu đạn, súng quân dụng và kiếm lê,…Với bản tính liều lĩnh, máu lạnh, thì hội này sẵn sàng xả súng và lựu đạn nếu thấy công an xông vào nhà. 
Do vậy, phần lớn đội hình tiếp cận nhà Nên là đội hình bí mật trà trộn vào dòng người tham dự lễ tổng kết của ngành Hải quan tại cung Văn hóa Hữu nghị Việt- Tiệp, đối diện nhà Nên, số 112a, đường Lạch Tray. Một phần nhỏ tiếp cận công khai trong trang phục cảnh sát. Riêng đội H88 có nhiệm vụ ẩn nấp trên các mái nhà xung quanh nhà Nên theo dõi tình hình.

Thượng tá Trường Tam người trực tiếp bắt Cu Nên
Thượng tá Trường Tam người trực tiếp bắt Cu Nên

Theo kế hoạch, ban đầu, một tổ công tác là công an phường Lê Chân vào nhà Nên nhằm vận động tên này ra đầu thú. Nhưng với bản chất ngoan cố, Nên đã trốn mất, chỉ có mẹ và vợ y ở nhà. Sau 1 tiếng đồng hồ vận động thuyết phục, gia đình Nên quả quyết Nên không có nhà, tổ công tác của phường rút lui. 
Ngay sau đó, từ trên mái nhà, một số đối tượng từ nhà Nên trốn ra ngoài theo lỗ thoát hiểm nhằm bỏ chạy. Nhưng cứ đáp xuống mặt đất thì lập tức bị H88 hoặc công an mặc thường phục tóm gọn. Bọn đàn em ong ve bị bắt gần hết, nhưng không có Nên.
11h trưa, những cánh quân khác vẫn nằm yên ở vị trí, nhưng Nên vẫn không ra. Dù không nói ra, nhưng dường như mọi người đều nhận định có thể Nên không có nhà và đã nắm được động tĩnh nên không về. Nếu đúng như thế, chuyên án coi như thất bại. 
Đại tá Trần Đồn, khi ấy là Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng trực tiếp đứng chỉ huy nóng ruột cởi chiếc áo quân phục thu đông, miệng rít thuốc lá liên tục. Một hồi sau, ông quả quyết: “Dù Nên không có nhà, cũng phải dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để tóm nó trong ngày hôm nay”.
Thượng tá Trường Tam (khi đó là trung úy) nói với hai đồng đội: “Tình hình này, chắc nó không có nhà rồi, anh em mình lên trên sân thượng xem binh tình thế nào”. Ngày đó, những nhà trên đường Lạch Tray cùng có một kiểu kiến trúc, mái nhà nối tiếp nhau, có thể đi lại rất tự do từ mái nhà này sáng mái nhà khác. Nhà nào cũng có bể chứa nước và những giao thông hào, những gian nhà nhỏ để chứa đồ. 
Mặc dù không có động tĩnh gì, nhưng trinh sát Nguyễn Trường Tam vẫn quyết định cùng các đồng đội tìm kiếm. Hai đồng chí kia được phân công tìm trong các bể nước và các giao thông hào. Còn đội trưởng của Trường Tam đi tìm trong các gian chứa đồ. Đi đến sân thượng nhà hàng xóm của Nên, ông nhìn thấy một gian chứa đồ có vẻ kỳ quặc, khác thường. Cửa đóng, nhưng bên ngoài không có tay nắm để mở cửa.
Ông cho tay xuống khe cửa sát mặt đất để kéo cánh cửa ra, nhưng không mở được, mặc dù không có dấu hiệu gì là cửa bị đóng ở phía trong. Ông sờ tay qua khe của tìm chốt, nhưng vẫn không mở được cửa. 
Đoán trong này nhất định có người nên ông lùi lại, rút súng ra, tháo ổ đạn ra ngoài và bắt đầu sặc sia súng, nhàm tạo tiếng động giống tiếng lên đạn, rồi quát lớn: “Thằng nào ở trong nhà này, ra mau, nếu không tao bắn xuyên qua cánh cửa thì chỉ có chết”. Lúc đó, đạn mới bắt đầu được cho vào ổ, 1 viên được lên nòng, ông bắt đầu ngắm bắn. 
Không có động tĩnh gì, ông tiếp tục đi về phía cảnh cửa, lần này cửa mở, kéo cánh cửa ra. Nhưng trong nhà tối sát. Không nhìn thấy gì, nhưng chắc chắn trong nhà có người. Ông nói tiếp: “Nên, tao Trường Tam đây! Ra ngoài ngay, không tao bắn, mày biết tao rồi đấy”.
Thật bất ngờ, Cu Nên bước ra trong tâm trạng sợ sệt, trong tay không có vũ khí, ngay lập tức bị đội trưởng H88 khống chế. Ông nói với Cu Nên: “Chúng tao cho xe con tới mời mày về đồn để hỏi chuyện Lâm Gìa cho người bắn vào nhà mày, mày không lên lại rúc ở đây như chó thế này à?”
Bình thường Cu Nên liều lĩnh là thế, nhưng không hiểu sao lúc ở trong phòng chứa đồ, có cơ hội hạ gục trinh sát Nguyễn Trường Tam mà hắn không xả đạn. Càng không hiểu được khi mà trong thời khắc bị “tóm” , hắn dường như mất tinh thần, không còn sức lực chống cự.
Đang mải khống chế Cu Nên, bỗng dưng từ trong căn nhà chứa đồ, Linh Cu bước ra giằng co. Ngay lập tức Linh Cu bị vả một cái chuyếnh choáng, “tóe son”.  Cuối cùng hắn cũng bị khống chế. Hai tay giữ chặt 2 tên tội phạm nguy hiểm, trung úy Trường Tam các đối tượng vào tường.
Lúc này hai đồng đội kia chạy đến, tiếp tục Dũng Sẹo, đệ tử của Cu Nên từ trong nhà bước ra và ngay lập tức bị hai trinh sát này tóm gọn bắt. Khám xét trong phòng có một khẩu súng đã lên đạn sẵn.

Linh "Cu", một đàn em thân tín của Cu Nên
Linh "Cu", một đàn em thân tín của Cu Nên

Cu Nên và Linh Cu là những tên giang hồ giết người không ghê tay, cũng không biết phân vân khi quyết định giết người. Nhưng dường như lần này, họ không có ý định, hay nói đúng hơn là đủ can đảm dí súng vào người trung úy nổi tiếng dũng cảm, mưu trí của đội H88. 
Về điều lạ lùng này, đến giờ thượng tá Trường Tam vẫn chưa lý giải được. Có chăng uy danh của đội H88 anh hùng và tên tuổi của Nguyễn Trường Tam đã khiến bọn này khiếp vía đến mất tình thần?
Riêng về phần thượng tá, ông nói rằng: “Bất kì lúc nào nghĩ lại chuyện vây bắt Cu Nên, ông vẫn thấy sợ hãi đến lạnh sống lưng. Không sợ hi sinh, mà vì sợ hi sinh vô ích và làm liên lụy tới đồng đội của mình”.
Mời độc giả tiếp tục theo dõi kì 4 của loạt phóng sự để giải đáp câu hỏi “Vì sao giang hồ đất Cảng liều lĩnh, manh động, hung bạo?”

(Còn nữa)
Thảo Lăng