Không quy định quá chi tiết tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội

25/02/2015 15:03
Ngọc Quang
(GDVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử vô hình trung sẽ cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

Sáng nay (25/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, dự kiến trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa 13.

Không tách biệt tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, hiện có hai loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo Luật, theo đó chỉ dẫn chiếu các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu.

Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo: Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội và dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 cùng với dự án Luật bầu cử). Việc quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử vô hình trung sẽ cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đã được Hiến pháp quy định.

Để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu, thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, chủ động sàng lọc, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình.

Quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử vô hình trung sẽ cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử?
Quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử vô hình trung sẽ cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử?

Các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn lựa chọn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử Hội đồng nhân dân từng cấp cũng như tiêu chuẩn riêng đối với người ứng cử để làm đại biểu hoạt động chuyên trách tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân để các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào đó phát hiện, giới thiệu được những ứng cử viên có chất lượng, kết hợp hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn với yêu cầu về cơ cấu thành phần đại biểu trong mỗi kỳ bầu cử. Các nội dung này hoàn toàn không trái với quy định về quyền ứng cử trong Hiến pháp và không cần quy định trong Luật bầu cử.

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân với tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Việc phân biệt rõ tiêu chuẩn ứng cử của hai đối tượng này là không có cơ sở và không cần thiết. Do đó, xin không bổ sung vấn đề này vào dự thảo Luật.

Có cần Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập?

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến vấn đề Hội đồng bầu cử quốc gia, hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế mới và đã được quy định trong Hiến pháp. Với điều kiện của nước ta hiện nay, cần quy định để Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong Hiến pháp là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cũng như Hội đồng bầu cử ở trung ương – là cơ quan phụ trách bầu cử đã được quy định trong văn bản luật về bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và hoạt động gắn với từng cuộc bầu cử của từng nhiệm kỳ cụ thể. 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, bầu cử là quyền quan trọng của công dân. Quyền đó được thực hiện không chỉ ở cuộc bầu cử chính thức đầu mỗi nhiệm kỳ mà còn được thực hiện thông qua việc bầu cử bổ sung đại biểu bị khuyết trong thời gian giữa nhiệm kỳ. Các luật bầu cử hiện hành, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đều quy định những trường hợp cần bầu cử bổ sung giữa nhiệm kỳ do khuyết đại biểu.

Việc dự thảo Luật đã trình Quốc hội quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như Hội đồng bầu cử quốc gia trong các lần bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp thì Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội bao gồm cả bầu cử chính thức ở đầu mỗi nhiệm kỳ và cả bầu cử lại, bầu cử thêm cũng như bầu cử bổ sung giữa nhiệm kỳ.

Do vậy, cần xem xét, quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan hoạt động theo nhiệm kỳ, có bộ phận thường trực để tăng cường tính chuyên nghiệp cho cơ quan này, nhằm thực hiện chức năng chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn công tác bầu cử ngay khi có yêu cầu, bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử - các quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. 

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình 2 phương án quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia để Quốc hội xem xét, quyết định như sau:

Phương án 1: Cơ bản giữ các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia về cơ bản vẫn giữ như Hội đồng bầu cử ở trung ương theo quy định của Luật bầu cử hiện hành.

Ưu điểm của phương án này là bảo đảm được tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử trung ương; không làm phát sinh thêm bộ máy. Tuy nhiên, phương án này chưa thể hiện được nhiều điểm mới trong việc tổ chức bầu cử, chưa tạo lập được bộ máy chuyên nghiệp, độc lập để thực hiện công tác bầu cử, khó ứng phó khi có công việc phát sinh như bầu bổ sung đại biểu giữa nhiệm kỳ.

Phương án 2: Quy định thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm để có thể chủ động thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bầu cử khi có yêu cầu. Bên cạnh các nhiệm vụ mà Hiến pháp đã quy định, đề nghị bổ sung cho cơ quan này một số thẩm quyền như tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết đại biểu; chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp thành lập mới, chia, tách, sáp nhập địa giới hành chính; tổ chức để cử tri thực hiện bỏ phiếu bãi nhiễm đại biểu Quốc hội; tuyên truyền, giáo dục về bầu cử hoặc tổ chức để cử tri bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân…

Theo phương án này, Hội đồng bầu cử quốc gia vừa có các thành viên hoạt động thường xuyên, vừa có các thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Các thành viên chuyên trách sẽ làm đầu mối đảm nhiệm những công việc của Hội đồng, giữ mối liên hệ với các thành viên khác và thực hiện mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Quy định như vậy sẽ thể hiện rõ hơn các điểm mới của Hiến pháp, bổ sung thêm cơ chế để bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của người dân, giúp cho công tác bầu cử được tiến hành một cách khách quan, dân chủ mà vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với công tác bầu cử.

Hội đồng bầu cử quốc gia có thể có bộ phận giúp việc riêng hoặc sử dụng bộ máy giúp việc hiện có trong cơ cấu của Văn phòng Quốc hội hoặc Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó, về cơ bản phương án này cũng không làm phát sinh đáng kể về biên chế, bộ máy. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên thực hiện theo phương án 2: "Đất nước chỉ một Đảng thì làm gì có Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập?" Trên thực tế không có chuyện bầu lại Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng không (chỉ trừ trường hợp tách, nhập tỉnh) nên không cần phải bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia. Do vậy phương án 1 sẽ thuyết phục hơn. “Chúng ta chỉ có 1 Đảng, không có đa Đảng, không có tranh cử giữa Đảng này Đảng kia nên chỉ bầu 1 Hội đồng".

Ngọc Quang