“Hùm xám đường số 4” nói về tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

07/10/2013 10:36
Hoàng Lực
(GDVN) - “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có tài quân sự bẩm sinh, mặc dù Đại tướng không được đào tạo ở một trường quân sự nào. Sự linh hoạt trong tác chiến, chiến thuật là điểm nổi bật trong chỉ đạo tác chiến của Đại tướng” – Trung tá Đặng Văn Việt, nguyên Chỉ huy trưởng các trận đánh trên đường số 4 (thuộc 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) trước năm 1950 nhận định.
Trung tá Đặng Văn Việt sinh năm 1920, ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.. Ông cũng là 1 trong những Trung đoàn trưởng đầu tiên của QĐNDVN (1947).

Ở cái tuổi 93 nói về tuổi đời, cụ Đặng Văn Việt (nguyên Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174- một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) chỉ kém Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 10 tuổi nhưng tận sâu trong tâm khảm người lính già ấy luôn coi Đại tướng là người thầy người anh mà ông hết mực kính yêu.


"Hùm xám đường số 4": Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy của tôi
"Hùm xám đường số 4": Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy của tôi

Sáng 5/10, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với cụ Đặng Văn Việt. Khi nhắc đến những chiến công trong chiến dịch Biên Giới (1950), cụ Đặng Văn Việt khẳng định “công đầu phải là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi theo kế hoạch tác chiến ban đầu chúng tôi chọn đánh Cao Bằng nhưng thương vong nhiều vì vậy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển kế hoạch tác chiến từ đánh Cao Bằng chuyển sang đánh Đông Khê”.

Cụ Đặng Văn Việt cho biết khoảng đâu tháng 6/1950, giặc Pháp bắt đầu củng cố và tăng cường cả về binh lực, hỏa lực và công sự trên toàn phòng tuyến Đường số 4. Bộ chỉ huy chiến dịch đã xác định phương châm tác chiến là đánh điểm - diệt viện, lấy tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự là chủ yếu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là tổn thất lớn với cách mạng và dân tộc Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là tổn thất lớn với cách mạng và dân tộc Việt Nam


Nhưng đâu là “điểm đột phá” để khơi mào, tạo điều kiện để đánh viện binh địch? Ban đầu Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn Cao Bằng, nhưng qua báo cáo của các đơn vị và thực địa chiến trường sau nhiều trăn trở, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi lấy Đông Khê là điểm đột phá đầu tiên. Đại tướng giao Trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy làm quân tiên phong tấn công cứ điểm Đông Khê từ hướng bắc vào sáng 16/9/1950.

Sau khi tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vi, ba lần mở cửa đột phá tiến công vào mục tiêu chính (mà quân ta quen gọi là Đồn To) đều bị bật ra do mục tiêu này của địch quá mạnh, trong khi Trung đoàn 209 do Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng (từ phía nam đánh lên) chưa có điều kiện phối hợp để cùng “nhổ” mục tiêu quan trọng số 1 này. 

Để bảo đảm thắng lợi và hạn chế thương vong, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng tấn công để chấn chỉnh lực lượng, động viên bộ đội. Sau khi đã rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân để có hướng khắc phục về kỹ thuật, chiến thuật, theo đề nghị của Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, mũi đột phá chuyển về hướng đông bắc, cuộc tiến công lại tiếp tục mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chiều hôm sau, tuy địch có sự yểm trợ của không quân, cứ điểm Đông Khê vẫn bị ta tiêu diệt.

“Không có những quyết định kịp thời sáng suốt, tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn sự tổn thất về lực lượng sẽ lớn hơn rất nhiều và cũng không có những chiến thắng vang dội như vậy”, cụ Đặng Văn Việt chia sẻ. Sau chiến dịch Biên giới 1950, theo cụ Đặng Văn Việt chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục là minh chứng rõ nét nhất về tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Hòa bình lặp lại cụ Đặng Văn Việt nhiều lần đến thăm nhà riêng và đươc Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành thời gian trò chuyện ôn lại những trận đánh năm xưa. Chính lúc đó cụ Đặng Văn Việt càng khâm phục tài năng quân sự của Đại tướng. “Đại tướng không chỉ là người anh, người thấy mà còn là người chỉ huy, người tư lệnh mẫu mực nhất của quân đội nhân dân Việt Nam, tôi tự hào được là người lính dưới sự chỉ huy của Đại tướng”, cụ Việt khẳng định.

“Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tổn thất vô cùng lớn với cách mạng với quân đội và nhân dân Việt Nam. Tôi còn nhớ nhiều lần được chụp ảnh chung cùng Đại tướng, Đại tướng vẫn giữ cung cách bình dị của người lính gọi tôi: “Việt chú lại đứng gần tôi” giờ Đại tướng đi xa mất mát này thật to lớn” – Cụ Đặng Văn Việt nghẹn ngào nói.

Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa có thông báo: Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Trong hai ngày tổ chức Quốc tang (12 và 13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.

Theo đó trong thông báo ghi rõ: "Linh cữu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.

Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình).


Hoàng Lực