Hà Nội đã "vồ trượt" Đàn Xã Tắc?

14/05/2013 13:22
Diệu Linh
(GDVN) - "Cuộc khai quật 900m2 cách đây mấy năm có thể nói là chúng ta đã vồ trượt đàn Xã Tắc. Những dấu tích phát lộ trong các hố khai quật không có một dấu tích nào là của đàn Xã Tắc thời Lý, thời Lê. Vì vậy, theo tôi cho đến nay, đàn Xã Tắc thời Lý vẫn còn là một ẩn tích, mà không biết đến bao giờ mới tìm ra được, còn nếu tìm ra được thì có lẽ hình hài của nó đã bị hủy hoại khá nặng nề”, ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.

Cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Hảo, việc bảo tồn di tích đàn Xã Tắc thời Lý trên đất nước ta nói chung và tại Hà Nội nói riêng đang gặp khó khăn. Di tích cổ phân bố khá dày đặc, đất nước lại đang ở trong thời kỳ xây dựng phát triển, do vậy mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn luôn đặt ra với chúng ta hàng ngày.

“Cũng như phát triển, bảo tồn đều cùng vì con người đang sống, mâu thuẫn này không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn trong quá trình vận động đi lên của một xã hội. Chúng ta phải cân nhắc giải quyết một cách hài hòa, không để bảo tồn cản trở phát triển. Ngược lại không để phát triển làm tổn hại đến đối tượng cần được bảo tồn”, ông Hảo nói.

Ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học: "Chúng ta đã vồ trượt đàn Xã Tắc".
Ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học: "Chúng ta đã vồ trượt đàn Xã Tắc".

Nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học cũng nêu thí dụ, trong thực tế chúng ta đã giải quyết tốt một số vụ việc như: xây dựng nhà máy ắc quy ở Phú Thọ, vụ di chỉ Làng Vạc ở Nghệ An, vụ di chỉ Lung Leng thuộc vùng xây dựng nhà máy thủy điện Yali.

Mặt khác việc bảo tồn di tích không chỉ là một biện pháp, một hình thức mà có nhiều biện pháp, nhiều hình thức khác nhau. Điều đó tùy thuộc vào từng loại di tích và thực trạng của di tích… mà chúng ta có những biện pháp thích hợp. Có di tích cần giữ nguyên tại chỗ, có di tích phải khai quật, tư liệu hóa một cách đầy đủ, chính xác, khoa học và có hệ thống để chuyển vào bảo tàng, vào các cơ quan nghiên cứu, phục vụ cho mọi tầng lớp.

Để phục vụ nhân dân và các nhà nghiên cứu có di tích đã bị phá hủy nghiêm trọng, qua thời gian không thể giữ nguyên tại chỗ, càng không có gì để khai quật nhưng lại cần được bảo tồn. Chúng ta có thể sử dụng những biện pháp bảo tồn như bảo tồn địa danh hoặc dựng bia đá để bảo tồn vĩnh cửu.

Trước thông tin về việc Không gian Sáng tạo Trung Nguyên và tạp chí Tia Sáng tổ chức buổi tọa đàm “Đàn Xã Tắc Thăng Long có đáng được bảo tồn hay không" với phần trình bày của TS Nguyễn Hồng Kiên (người trực tiếp khai quật di tích đàn Xã Tắc), ông Hảo nêu quan điểm phản biện: “Với di tích đàn Xã Tắc thời Lý, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề là nó có đáng được bảo tồn hay không? Đặt vấn đề như vậy theo tôi là không thỏa đáng.

Ở đây, chúng ta cần có thái độ thực sự cầu thị, đối mặt với thực trạng di tích đàn Xã Tắc thời Lý. Với di tích đàn Xã Tắc thời Lý đã có một số sử sách, tư liệu nói về nó, mà chủ yếu là nói về vị trí dựng đàn, nhưng lại rất chung chung, ít cụ thể. Thêm vào đó các công trình xây dựng nhà cửa, đường xá đã phủ kín khu vực khiến chúng ta rất khó tìm ra được đàn Xã Tắc xưa.

Cuộc khai quật 900m2 cách đây mấy năm có thể nói là chúng ta đã "vồ trượt" đàn Xã Tắc. Những dấu tích phát lộ trong các hố khai quật không có một dấu tích nào là của đàn Xã Tắc thời Lý, thời Lê. Vì vậy, theo tôi cho đến nay, đàn Xã Tắc thời Lý vẫn còn là một ẩn tích, mà không biết đến bao giờ mới tìm ra được, còn nếu tìm ra được thì có lẽ hình hài của nó đã bị hủy hoại khá nặng nề”.

Trước sau, ông Hảo vẫn giữ nguyên quan điểm, cuộc khai quật năm 2007 tại khu vực được cho là có đàn Xã Tắc có hai vết tích xây dựng, một của thời Lý, một của thời Lê. Dấu tích của hai lớp này lại hoàn toàn giống nhau về hình dáng kiến trúc, về vật liệu kiến trúc, nhưng điều quan trọng là đều không phải là bề mặt của Đàn Xã Tắc.

UBND TP.HN cũng có công văn phúc đáp Hội khoa học lịch sử Việt Nam do Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo ký. Theo đó, chủ tịch thành phố cũng chỉ đạo BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội phải tiếp tục hoàn thiện và lựa chọn phương án tối ưu nhất đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di tích với quy hoạch phát triển của thành phố. Đồng thời, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó UBND thành phố tiến hành phê duyệt và công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng theo quy định.

Chủ tịch thành phố cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những ý kiến đóng góp và mong muốn Hội khoa học lịch sử Việt Nam tham gia những ý kiến cụ thể vào phương án thiết kế nhằm chọn giải pháp tối ưu nhất.

(Thành ủy TP. Hà Nội)

“Bề mặt của Đàn Xã Tắc phải là gò đất cao, bên trên là đất 5 màu, nhưng trong khi tìm thấy 4 nền gạch, diện tích của mỗi cái nền quá nhỏ so với Đàn Xã Tắc. Cuộc khai quật thời đó tìm ra những dấu tích của bề mặt xây dựng thời Lê, lộ ra 3 cái nền ở gần nhau: 1 nền hình vuông rộng gần 7m2, 1 nền rộng gần 5m2, 1 nền rộng trên 15m2. Tại một mặt bằng xây dựng của thời Lê thì không thể có tới ba cái đàn Xã Tắc”, ông Hảo cho hay.

Ngoài ra, ông Hảo cũng đặt ra một vấn đề cần thiết giải quyết tình trạng hiện tại, vì sự an toàn của đàn Xã Tắc và cũng vì sự phát triển thì nên tiến hành đào một số thăm dò, mỗi hố 2m2 chứ không phải 900m2, trải dài theo thân cầu mà chủ yếu là các chân trụ cầu, với mục đích là để xác định trụ cầu có dính vào chỗ đã được cho là thuộc di tích đàn Xã Tắc.

“Chúng ta cũng cần duy trì biện pháp bảo tồn địa danh như ở nhiều nơi đã làm và dựng một tấm bia đá đặt ở một nơi thích hợi như tấm bia đàn Nam Giao mà nhà Nguyễn đã làm. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục các thế hệ trẻ và để mọi người có điều kiện đến tìm hiểu di tích này. Đó là mục tiêu của việc bảo tồn cần phải làm”, ông Hảo bày tỏ.


Hà Nội không có sự cầu thị!

Tờ báo Đất Việt dẫn tin về vụ việc: Dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc được thành phố phê duyệt đã gây nhiều tranh cãi. Theo lý giải dự án vành đai 1 là không thể không có, trong khi vấn đề bảo tồn, bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc lại chưa nhận được sự đồng thuận từ dư luận và các nhà khoa học.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tờ báo này cũng dẫn lời bày tỏ quan điểm, ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam thẳng thắn: "Giải pháp xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông chỉ là giải quyết tình thế, không mang tính chiến lược. Nếu không cẩn thận sẽ xảy ra hiện tượng “Hội chứng cầu vượt”".

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ e ngại, nếu Hà Nội coi cầu vượt là cứu cánh thì sẽ không bao giờ triệt tiêu được nữa và nó sẽ dẫn đến một phản ứng dây chuyền, cầu vượt ngã tư này thông thoáng thì ngã tư khác sẽ bị tắc. Lại làm cầu vượt, lại tắc. Một đô thị không chỉ là cầu vượt, một đô thị là một quy hoạch hoàn thiện. Phải có không gian cho giao thông động, tĩnh, mật độ dân số điều hòa thích hợp.

Qua việc này, ông Dương Trung Quốc cho rằng lãnh đạo Hà nội cũng phải xem lại cách làm, cách điều hành trong công việc.

Trong khi việc xây dựng quy hoạch khảo cổ là trách nhiệm thuộc lãnh đạo, người đứng đầu của từng địa phương, dựa trên cơ sở đó thì các nhà khoa học mới tham gia vào. Nhưng đối với Hà Nội, thay vì tôn trọng luật, làm theo đúng luật thì lại làm ngược lại, quay lại trách cứ nhà khoa học.

Thậm chí, các nhà khoa học đã có ý kiến, có bản quy hoạch khảo cổ được trình lên thành phố từ năm 2002 nhưng cũng không được thông qua, mà cũng không triển khai.

Riêng đối với dự án Đàn Xã Tắc chúng tôi cũng chỉ muốn công khai, chính vì vậy Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, thành phố Hà Nội xem xét. 

Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng, đáp lại công văn của Hội sử thì cùng lúc Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra cả hai công văn vẫn quyết định cho xây dự án cầu vượt, đồng thời lại bày tỏ tiếp tục lấy ý kiến của giới chuyên môn. Như vậy để làm gì?

Nếu Hà Nội thực sự muốn lấy ý kiến thì hãy thể hiện thiện chí của mình, chứ không phải kiểu nước đôi theo kiểu "có ý kiến hay không dự án vẫn được thực hiện".

Báo Đất Việt cũng dẫn lời ông Dương Trung Quốc thẳng thắn phê bình Bộ văn hóa, bầu ra Hội khoa học lịch sử nhưng một dự án đi qua khu có di tích lịch sử quan trọng mà lại được thực hiện suốt hai năm qua nhưng Hội sử không hề biết tới.

Đó là cách làm việc hoàn toàn không thể chấp nhận được. Không có sự cầu thị, ông Quốc nói.

Trước đó, ngày 26/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ký công văn số 1146-CV/VPTU trả lời Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về kiến nghị, đóng góp xây dựng dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Công văn viết: "Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về sự quan tâm, đóng góp ý kiến đối với dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

... Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhận được các ý kiến đóng góp hết sức phong phú, nhiều chiều từ các tập thể, cá nhân và báo chí.

Ủy ban nhân dân thành phố đã trao đổi, xin ý kiến và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải; đồng thời giao các sở, ban, ngành chức năng tiếp thu ý kiến đóng góp để cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu xây dựng cầu vượt phù hợp quy hoạch, bảo đảm yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, giao thông, bảo tồn di tích tại khu vực Xã Đàn.

Để có thể lựa chọn phương án kết hợp tối ưu và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Hội Khoa học lịch sử và cộng đồng dân cư khu vực này. Sau khi có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, thành phố sẽ phê duyệt phương án xây dựng theo đúng quy định hiện hành.

(Nguồn: Thành ủy Hà Nội)
Diệu Linh