Dự thảo Luật trưng cầu ý dân: Rất mơ màng, mênh mang

25/02/2015 20:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật trưng cầu ý dân chiều nay.

Nghiêm cấm lợi dụng trưng cầu ý dân

Dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo đó, Phương án 1 gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Đề nghị trưng cầu ý dân phải bao gồm 6 nội dung sau: Sự cần thiết của vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; Nội dung, mục đích, quan điểm trưng cầu ý dân; Đánh giá tác động của việc tổ chức trưng cầu ý dân; Đưa ra các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân; Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức trưng cầu ý dân và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân; Dự kiến thời gian tổ chức trưng cầu ý dân.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội. Luật tổ chức Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã xác định rõ: “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”.

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1 của dự thảo Luật. 

Trưng cầu ý dân là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. ảnh minh họa, nguồn internet.
Trưng cầu ý dân là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. ảnh minh họa, nguồn internet.

Tại Điều 6, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng.

Phương án 2, có 4 nhóm vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: Những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng; Xây dựng các công trình, dự án kinh tế - kỹ thuật đặc biệt quan trọng.

Dự thảo luật nghiêm cấm lợi dụng việc Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 10): Tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật; xuyên tạc làm sai lệch nội dung, ý nghĩa của vấn đề trưng cầu ý dân; Xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép làm trở ngại việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân của cử tri; Giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; Các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Dự thảo luật chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải chuẩn bị kỹ thêm trước khi đưa dự án luật này ra trình Quốc hội, còn dự án luật như hiện nay thì chưa thể đưa ra trình Quốc hội để xin ý kiến được.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải quy định rõ những điều trong luật chứ dự án luật còn nêu rất mơ màng, mênh mang. Ví dụ quy định trưng cầu ý dân trong việc xây dựng và tổ quốc là như thế nào. Cũng cần phải quy định việc gì sẽ được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, việc gì trưng cầu ý dân, việc gì trưng cầu ý dân ở khu vực, việc gì trưng cầu ý dân ở phạm vi toàn quốc. Rồi cơ quan nào đứng ra giúp cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức việc thực hiện trưng cầu ý dân cũng phải nêu rõ trong dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, dự thảo Luật trưng cầu ý dân chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, dự thảo Luật trưng cầu ý dân chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đặt ra một loạt các câu hỏi cần phải làm rõ về đánh giá tác động, đánh giá mức độ người dân mong chờ có luật này, có luật đáp ứng được gì, mặt thuận lọi cũng như khó khăn trong thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, không nên lấy kinh nghiệm các nước mà áp theo vì mỗi nước có thể chế khác nhau. Dự án luật quy định phóng viên báo chí được chứng kiến kiểm phiếu, tôi thắc mắc vậy báo chí được tham gia lúc kiểm phiếu, hay thế nào dự án luật cũng phải làm rõ.

"Luật trưng cầu ý dân của các nước khác nhau, dự án luật này đã phù hợp với nhà nước ta hay chưa? Chúng ta đã học được kinh nghiệm gì? Điều kiện gì đưa ra quyết định trưng cầu ý dân, phải khác với lấy kiến Hiến pháp, hay bộ luật dân sự, bộ luật hình sự. Điều kiện gì để các cơ quan trình? Không đáp ứng yêu cầu thì không được đưa ra để xem xét.

Các nước họ quy định khi có xung đột không quyết định được hay an ninh quốc gia, chủ quyền mới trưng cầu ý dân. Ở Pháp họ không trưng cầu ý dân đến ngân sách, quyền lực nhà nước. Vậy chúng ta phải có phạm vi chứ không thể cái gì cũng trưng cầu ý dân được", bà Mai bày tỏ.

Cùng chung tâm trạng lo lắng này, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, luật quan trọng, không thể mơ mơ màng màng. Nếu xử lý không khéo đây lại là bẫy. Nó thể hiện quyền dân chủ của dân nhưng nếu không rõ ràng sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta. Nhiều vấn đề cần lắng nghe ý kiến nhân dân từ quyết sách của nhà nước, quan trọng ở mức độ nào cần trưng cầu ý dân và cần toàn dân tham gia thì làm cho rõ.

“Phải thêm một điều vào luật đó là nghiêm cấm đề nghị đưa nội dung trưng cầu ý dân trái với Hiến pháp và pháp luật”, ông Phước đề nghị.

Ngọc Quang