“Doạ” CSGT có thể sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng

03/03/2013 14:39
Tùng Nguyễn/vnmedia
Từ 1/7, người tham gia giao thông có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Vài năm trở lại đây tại các thành phố lớn ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM liên tục xảy ra các trường hợp người tham gia giao thông sau khi bị lực lượng thi hành công vụ, chủ yếu là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dừng xe kiểm tra hành chính không những không chấp hành mà còn có lời nói, hành động đe doạ, thậm chí hành hung lực lượng làm nhiệm vụ.
 

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Tùng Nguyễn
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Tùng Nguyễn


Theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành đang lấy ý kiến các bộ, ngành, từ 1/7, người tham gia giao thông có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Cụ thể, Điều 35 của Nghị định về việc xử phạt người có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ, nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: Các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện;

Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đưa hối lộ cho lực lượng làm nhiệm vụ; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, mô tô, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô, các loại xe tương tự mô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng.

Tùng Nguyễn/vnmedia