"Đề nghị Chính phủ dành 3000 tỷ để căn bản hoàn thành việc cấp sổ đổ”

04/03/2013 06:50
HCQ
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Minh Quang, nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do nguồn gốc đất rất phức tạp, về hồ sơ địa chính, cơ sở cấp giấy, thủ tục quy định cũng rất phức tạp, một bộ phận cán bộ làm việc này còn nhũng nhiễu. 
Nghị quyết 30/2012/QHXII của Quốc hội và Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang

Trả lời về tiến độ công việc, ông Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu đến 31/12/2013 sẽ căn bản hoàn thành (tức là đạt trên 85% diện tích đắt được cấp giấy chứng nhận).

Cho đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 18 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các loại đất chính. Hiện nay số lượng tỉnh còn khó khăn trong việc hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 45 tỉnh trong đó có 11 tỉnh nói là rất khó khăn, đạt chỉ tiêu rất thấp”.

Về trách nhiệm nếu không hoàn thành, ông Quang nói: “Luật Đất đai quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và huyện. Trong chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến vấn đề này.

Cho nên khi 2013 không hoàn thành thì Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm trước nhất là của lãnh đạo cấp tỉnh của địa phương đó, của Sở TN&MT của địa phương đó. Đồng thời trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan là không nhỏ trong đó có Bộ TN&MT, Bộ Tài Chính và các bộ ngành khác”.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do nguồn gốc đất rất phức tạp, về hồ sơ địa chính, cơ sở cấp giấy, thủ tục quy định cũng rất phức tạp, một bộ phận cán bộ làm việc này còn nhũng nhiễu. 

“Còn một nguyên nhân tôi cho không phải là trực tiếp nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đó là vấn đề kinh phí”, ông Quang nói. 

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhũng nhiễu người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người đứng đầu Bộ Tài Nguyên & Môi trường nói: “Đúng là như phóng viên nói người được cấp giấy có nhiều lợi ích đặc biệt với những đất ở đô thị trong khi đó công việc là hết sức phức tạp và khó khăn nhất là trong công tác thẩm định.

Trong khi đó chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thực hiện cũng còn rất hạn chế và hầu như là không có gì. Cho nên điều này cũng ít nhiều tác động đến tư tưởng của một số cán bộ làm công việc này. Tôi nói như vậy không phải là để bào chữa nhưng rõ ràng là có chuyện như vậy và việc này thì cần phải sớm khắc phục. Nên chăng có một cơ chế cho phép sử dụng tiền thu được từ lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phục vụ văn phòng đăng ký cấp giấy chứng nhận. Đối với những cán bộ nhũng nhiễu, “ngâm hồ sơ”, về phía tỉnh cần phải có biện pháp phải xử lý kiên quyết”.

Về giải pháp, theo ông Nguyễn Minh Quang, năm 2013, nhiệm vụ còn rất nặng nề vì còn phải cấp khoảng 6 triệu giấy nữa. 

Ông Quang nói tiếp: “Để hoàn thành việc này, chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các UBND các tỉnh phải coi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo địa phương rà soát diện tích còn tồn đọng và giao chỉ tiêu đến cấp huyện, xã. Kinh phí ở đây là kinh phí từ nguồn thu của ngân sách địa phương.

Về phía Bộ sẽ cùng các địa phương tháo gỡ những vướng mắc. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thu tiền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy chứng nhận để làm thế nào cho việc sử dụng là phù hợp. Chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ dành một lượng kinh phí thoả đáng (khoảng 3000 tỷ đồng) để năm 2013 tập trung cao độ lực lượng đo, vẽ hồ sơ địa chính để căn bản hoàn thành cấp giấy năm 2013”.

Đối với việc xử lý các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng đất hoang hoá, ông Quang cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn địa phương kiểm tra và tổ chức những đoàn để kiểm tra. Kết quả là năm 2012, trên một số địa bàn như HN, TP. HCM, Long An, Tây Ninh và một số tỉnh nữa đã tập trung thu hồi 25000 ha đất chậm đưa vầo sử dụng của khoảng 500 tổ chức. Con số này chỉ là kết quả bước đầu vì nếu so với diện tích đất chậm đưa vào sử dụng thì còn rất nhỏ. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ vẫn phải chỉ đạo quyết liệt các địa phương xử lý”.
HCQ