Đại biểu QH: "Thủ tướng đã kết luận đầy trách nhiệm về tai nạn giao thông"

26/02/2015 06:58
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng tai nạn giao thông đang trở thành thảm họa, nguy hiểm hơn cả đại dịch, đe dọa dân tộc ta.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chiều ngày 24/2, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015.

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 9 ngày nghỉ Tết đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với Tết năm 2014, giảm 40 vụ, tăng 35 người chết, giảm 82 người bị thương.

Sau khi nghe các Bộ, ngành, địa phương báo cáo rằng tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người bị thương nhưng số người chết tăng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.

Ông có bình luận gì về phát biểu trên của Thủ tướng?

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. ảnh: VGP.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. ảnh: VGP.

Đó là kết luận đầy trách nhiệm của Thủ tướng xuất phát từ thực tế. Rõ ràng phát biểu trên cho thấy sự băn khoăn, lo lắng của Thủ tướng trước tình trạng giao thông hiện nay. Trung bình mỗi ngày có 30 người ra khỏi nhà mà không trở về gia đình, chưa nói đến số người bị thương để lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, cho xã hội và cho chính gia đình họ cũng như thiệt hại về mặt tài sản do tai nạn giao thông gây ra.

Đây không phải lần đầu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam lên tiếng về an toàn giao thông. Trước đó, Quốc hội, Chính phủ đã cảnh báo và có nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông cũng như hậu quả của chúng.

Ban an toàn giao thông của quốc gia, của các tỉnh cũng đã vào cuộc hết sức tích cực, pháp luật về an toàn giao thông cũng đã có những điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhưng tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện. 

Khi so sánh tình trạng tai nạn giao thông với các nước khác, chúng ta khác biệt thế nào thưa ông?

Sự khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới đó là ở các nước bạn, tai nạn giao thông cũng có xảy ra, nhưng mức độ thiệt hại về tài sản và con người ít hơn ta. Có thể cho rằng tai nạn giao thông đang là thảm họa ở mức đáng báo động với một quốc gia như Việt Nam.

Theo ông hơn 30 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông gây hậu quả như thế nào với xã hội?

Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)
Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)

Mỗi ngày hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) tức là TNGT đang nguy hiểm hơn cả một đại dịch. Và nếu chúng ta cứ thiếu trách nhiệm, thiếu sự can thiệp, thiếu phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân cũng như các cơ quan chức năng thì có thể xem đây là một thảm họa với cả dân tộc.

Về hậu quả, báo chí cũng đã nêu nhiều, nhưng theo tôi nó đọng lại ở mấy vấn đề cơ bản. Trước hết, cuộc sống của gia đình các nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông sẽ bị đảo lộn. Họ bị mất đi người thân, tâm lý chắc chắn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, thu nhập, cuộc sống của gia đình họ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình sẽ rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Điều đó trở thành gánh nặng cho xã hội.

Đại biểu QH: "Thủ tướng đã kết luận đầy trách nhiệm về tai nạn giao thông" ảnh 3

Mỗi ngày hơn 30 người chết vì tai nạn thì không thể coi là bình thường

(GDVN) - Chính phủ yêu cầu các địa phương để tai nạn giao thông gia tăng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Vậy theo ông nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng trên là gì? Liệu xe máy có phải là thủ phạm chính?

Thứ nhất là do ý thức của người dân. Thói quen không tuân thủ pháp luật và đơn giản hóa mọi vấn đề của họ gây ra tai nạn giao thông. Chẳng hạn thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, vượt đèn đỏ…

Thứ hai, điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay chưa đồng bộ đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai xây dựng, sửa chữa nhiều tuyến đường bao gồm cả đường bộ lẫn đường sắt.

Thứ ba, trong dịp tết Nguyên Đán, việc thực thi pháp luật chưa được làm đến nơi đến chốn. Trong xử lý cũng có những lúc chưa thực sự nghiêm do một số cán bộ “kiêng” phạt người dân vi phạm luật giao thông dịp tết.

Cuối cùng, phải kể đến do dịp tết, lượng người ra đường nhiều hơn. Không ít người trong số họ do uống quá nhiều rượu bia gây tai nạn.

Ông có đề xuất mới nào giúp cải thiện thực trạng trên trong thời gian tới?

Phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân về các thói quen tốt khi tham gia giao thông. Muốn vậy phải xây dựng một hệ ý thức về an toàn giao thông trong toàn dân ngay từ bây giờ một cách bài bản từ tuổi mẫu giáo trở lên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN