Cựu binh Gạc Ma: Chúng tôi đã nhẫn nhịn nhưng kiên cường nổ súng chiến đấu

14/03/2015 10:44
Xuân Hòa
(GDVN) - “Khi đó quân địch vừa đông hơn, hỏa lực mạnh gấp quân mình cả trăm lần nhưng chúng tôi cũng đã kiên cường chiến đấu để giữ vững lá cờ Tổ quốc thiêng liêng”.

Chuyến thực hiện nhiệm vụ định mệnh

Kỷ niệm 27 năm trận hải chiến Gạc Ma ( 14/3/1988 – 14/3/2015) sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Trận chiến 27 năm trước, 64 chiến sỹ Hải Quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng con gái liệt sĩ Gạc Ma, Thiếu úy Trần Văn Phương tại buổi đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)
Trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng con gái liệt sĩ Gạc Ma, Thiếu úy Trần Văn Phương tại buổi đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)

Trong những ngày kỷ niệm sự kiện bi hùng này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với trung sỹ Lê Hữu Thảo (SN 1965, quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là cựu binh lính Gạc Ma may mắn trở về trong trận hải chiến năm xưa. Trong ký ức trung sĩ Thảo vẫn chưa quên được ngày mà anh đã mất đi 64 đồng đội đó:

Cuối năm 1987, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Sau Tết Nguyên đán năm 1988, các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa theo chiến dịch CQ-88.

Trung sĩ Gạc Ma Lê Hữu Thảo trong buổi lễ "Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma" (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)
Trung sĩ Gạc Ma Lê Hữu Thảo trong buổi lễ "Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma" (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)

20 giờ ngày 11/3/1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

2 giờ sáng ngày 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Sau hai ngày đêm, HQ 604 và HQ 605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định là Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.

Kẻ thù hung bạo

Theo Trung sĩ Lê Hữu Thảo nhớ lại: Rạng sáng 14/3, ông cùng trung úy Nguyễn Mậu Phong, thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc mang theo 2 khẩu AK xuống bãi đá ngầm san hô Gạc Ma cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ. Đến khoảng 6 giờ 30 tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính lên đảo Gạc Ma. 

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu)
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu)

“Lúc đó tôi đếm thì tốp lính Trung Quốc có khoảng 50 người đều được trang bị súng AK. Riêng tên chỉ huy thân người cao to cầm khẩu súng ngắn chỉ đạo quân lính bao vây chúng tôi theo thế vòng cung. Rồi chúng siết chặt lại vòng vây cách nơi chúng tôi đứng canh gác chưa đầy 1m. Mặc dù, quân địch đông, áp đảo hẳn nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ lại thành một vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc”, trung sĩ Thảo nhớ lại.

Các chiến sỹ Hải Quân và Công Binh của chúng ta kiên quyết giữ vững ngọn cờ nên đã giằng co với lính Trung Quốc. “Lúc đó hai bên không nổ sung nhưng quân Trung Quốc thì đông, anh em chúng tôi ít người nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lá cờ. Khi đó mọi người đang dựng cờ nên chỉ dùng cuốc, xẻng làm vật chống cự với quân địch lăm lăm lê trong tay. Sau một hồi giằng co quân Trung Quốc bị quật lại nên tên chỉ huy đã nổ súng chỉ thiên”, Trung sĩ Thảo hồi ức lại giây phút đó.

Tàu HQ 931 đưa các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma về đất liền (Ảnh tư liệu)
Tàu HQ 931 đưa các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma về đất liền (Ảnh tư liệu)

Sau tiếng súng chỉ thiên, viên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc đã chĩa súng bắn vào bụng trung úy Phương. Chưa dừng lại khi thấy anh Phương quỵ xuống nhưng tay vẫn giữ chặt lá cờ tổ quốc một tên lính khác đã xông lên nhả thẳng đạn vào chiến sĩ này. Sự uy hiếp như vậy nhưng vì biển, đảo của tổ quốc binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính Trung Quốc gần đó đã không ngần ngại cầm lưỡi lê đm vào anh Lanh.  Anh Lanh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ.

Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km. Vì ở gần, HQ 604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7.

Bị tấn công bất ngờ với hỏa lực mạnh gấp trăm lần nhưng thuyền tưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy chiến sĩ xuống các xuồng dùng súng chiến đấu tự vệ, vừa băng bó cho đồng đội bị thương. Thuyền trưởng Trừ đứng ở mũi tàu dùng AK và B40 đánh trả kẻ địch.

“Lúc đó cả quân số, cả hỏa lực quân Trung Quốc đều gấp trăm lần chúng tôi. Lúc đầu hai bên giao tranh bằng lê và cuốc, xẻng nhưng khi quân Trung Quốc nổ súng, chúng tôi cũng đã nổ súng chống trả. Trên tàu các chiến sĩ trong tư thế chiến đấu cũng đã nổ súng. Mặc cho quân Trung Quốc đông, hỏa lực mạnh, tàu lớn gấp nhiều lần nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn đã kiên cường bắn chống trả. Trước đó làm gì có lệnh nào cấm chúng tôi không được nổ súng. Ai đụng đến tính mạng đồng đội mình mà lại không phải chống trả hả anh. Nhưng hỏa lực mạnh, tàu lớn nên trong chốc lát tàu của chúng tôi đã bị hỏa lực quân Trung Quốc đánh chìm”, trung sĩ Thảo nhớ lại.

Tất cả diễn ra trong tích tắc nhưng với quân số và hỏa lực mạnh quân Trung Quốc đã thể hiện sự ngông cuồng của mình. Khi trời sáng rõ quân Trung Quốc mới rút khỏi đảo Gạc Ma. Lúc này Trung sĩ Thảo bơi ngược lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương. Chiếc xuồng vận tải bị đạn địch bắn thủng nên trung sĩ Thảo phải xé áo nhét lại để chèo chở thi thể trung úy Phương và thương binh Lanh về hướng tàu HQ 505.

Đến trưa 14/3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma. Anh Thảo vừa chèo xuồng nhích từng mét nước, vừa cứu thêm những đồng đội đang đuối sức trên biển. Đầu giờ chiều, xuồng của HQ 505 đến nơi ứng cứu đưa các chiến sĩ về tàu. Khi tàu về đến đảo Sinh Tồn, Binh nhất Lanh được chuyển bằng trực thăng vào đất liền cấp cứu và may mắn giữ được tính mạng.

Trận Hải chiến rạng sáng ngày 14/3 tại đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma, quân ta đã giữ vững được Cô Lin, Len Đao. Nỗi lòng của những người lính Gạc Ma năm xưa như trung sĩ Thảo vẫn chưa thể nào quên chuyến làm nhiệm vụ định mệnh và nỗi uất ức trước hành động ngang tang của quân Trung Quốc. 27 năm trung sĩ Thảo vẫn còn day dứt bởi nhiều đồng đội anh hy sinh trong trận hải chiến đó vẫn chưa tìm thấy thi hài.

Các anh vẫn nằm đâu đó giữa lòng biển khơi lạnh lẽo!

Xuân Hòa