Chuyển hồ sơ sang công an điều tra vụ sếp công ích nhận “lương khủng"

16/10/2013 13:40
Ngọc Luân
(GDVN) - Trước những dấu hiệu sai phạm tại 4 doanh nghiệp công ích có sếp lĩnh “lương khủng” trực thuộc, UBND TP.HCM đã quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang cho cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM để làm điều tra theo quy định pháp luật.

Theo tin từ UBND TP.HCM, sáng nay (16/10/2013), ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ về các doanh nghiệp dịch vụ công ích có vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự các cá nhân và tập thể theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm để làm gương        

Trao đổi với PV Báo Giáo Dục Việt Nam vào trưa nay, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Trước những sai phạm rất nghiêm trọng về pháp luật lao động, tiền lương của các lãnh đạo tại 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn, gây bất bình trong dư luận thời gian qua, Thường vụ Thành ủy, UBND xác định sẽ xử lý nghiêm, nhằm lập lại kỷ cương trong khối doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, cũng như trả lại sự công bằng cho người lao động".

Xử lý nghiêm các sếp "lương khủng" để lập lại công bằng cho người lao động. Ảnh minh họa.
Xử lý nghiêm các sếp "lương khủng" để lập lại công bằng cho người lao động. Ảnh minh họa.

Như Báo Giáo Dục Việt Nam đã thông tin, ngày 4/9/2013, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín đã đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác của 8 lãnh đạo các công ty nhà nước hoạt động công ích hưởng lương sai qui định để tiến hành kiểm điểm.

Trước đó, Thường vụ Thành ủy cũng đã có cuộc họp thông báo kết luận về những sai phạm của ban lãnh đạo tại các công ty công ích này. Theo nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy, tại các đơn vị công ích  này đã có những sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng như: ký hợp đồng sai quy định của Luật lao động để tước đoạt quyền lợi của người lao động; chia tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp cao bất thường, bất bình đẳng; số lao động thấp hơn nhiều so với thực tế.

Mặc khác, các cá nhân này cũng có những vi phạm tại điểm C, mục 5, điều 5, Quy định 181 của Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đó là vi phạm làm mất uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác; mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm mất niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng  hoặc gây lãng phí, thất thoát về tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, việc tiến hành kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong vụ việc này là để xử nghiêm minh đúng pháp luật, đúng người đúng tội, trả lại sự công bằng cho người lao động.

Sẽ truy tố hình sự tội danh tham nhũng?

Vụ việc sai phạm nghiêm trọng của các sếp công ích đã gây bất bình sâu sắc trong dư luận xã hội, đặc biệt là trong tập thể lao động tại 4 đơn vị trên. Đã có rất nhiều ý kiến đề nghị cần phải xem xét lại trách nhiệm hình sự của các cá nhân này cũng như trách nhiệm của đơn vị chủ quản có trách nhiệm quản lý về nhà nước.

Theo tham vấn với các chuyên gia về pháp luật, trong vụ việc sai phạm này, các sếp công ích đều có dấu hiệu của tội “Báo cáo sai trong quản lý kinh tế” được quy định tại Điều 167 Bộ Luật hình sự.

Dân khổ cho sếp công ích làm giàu.
Dân khổ cho sếp công ích làm giàu.

Luật sư Nguyễn Văn Trường – Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, tại Khoản 1 Bộ Luật hình sự quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước. Hoặc đã bị xử lý kỷ luật/ xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Riêng về hành vi vi phạm ký hợp đồng sai với người lao động, Bộ luật hình sự hiện chưa có quy định về tội phạm liên quan nên hành vi này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.

“Tuy vậy, đây sẽ là yếu tố để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, đánh giá tổng thể toàn bộ các sai phạm để có hướng xử lý thích hợp” – Luật sự Trường tham vấn.

Còn theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa: Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định rất cụ thể hệ thống thang bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước.

Đồng thời, Thông tư số 27/2010/TT-LĐTBXH ngày 14/9/2010 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong những Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu vốn.

Thế nhưng, lãnh đạo của các công ty công ích trên đã bỏ qua các quy định tại những chính sách trên để tư lợi tiền Nhà nước bằng việc chi lương “khủng” cho những cán bộ lãnh đạo trong công ty. Hành vi sai phạm này có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Theo quy định của điều luật này, hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, có thể bị phạt tù từ 3 - 12 năm. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên, có thể bị phạt tù từ 10 – 20 năm.

"Có thể thấy, tội “tham ô” của các ông sếp trong vụ việc này là rất rõ ràng, vì vậy, quá đủ căn cứ để khởi tố về tội tham ô vì họ sử dụng quyền hạn do Nhà nước giao phó, lấy tiền bạc của Nhà nước, của doanh nghiệp trái pháp luật để hưởng lợi cho cá nhân." - vị luật sư này nhận định.

Danh sách 8 lãnh đạo các đơn vị công ích sai phạm trong vụ việc này đã bị Ban thường vụ Thành ủy kỷ luật:

1. Ông Nguyễn Trọng Luyện - Đảng ủy viên Đảng ủy Sở Giao thông Vận tải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP. HCM. 

2. Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP. HCM. 

3. Ông Trần Trọng Huệ - Đảng ủy viên Đảng ủy Sở Giao thông Vận Tải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM. 

4. Ông Trần Minh Hùng - Giám đốc công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM. 

5. Ông Nguyễn Nhật Tấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn. 

6. Ông Phạm Văn Vĩnh - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn. 

7. Ông Phạm Văn Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh. 

8. Ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh.

Ngọc Luân