PGS.TS Tống Trung Tín:

"Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bốn lần 'nói oan' cho Đàn Xã Tắc"

29/04/2013 07:10
Nguyễn Nguyễn
(GDVN) - "Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã liên tục “đăng đàn” tuần qua và có nhiều phát biểu sai hoàn toàn về di tích đàn Xã Tắc...".

Trong những ngày gần đây, dư luận Hà Nội cũng như cả nước đang chú ý vào câu chuyện có nên hay không để quyết định xây cầu vượt qua Đàn Xã Tăc, và chuyện về những chứng cứ cho rằng ở bên dưới là một công trình, dấu vết của lịch sử là Đàn Xã Tắc vẫn còn của chế độ cũ.

Sau những phát biểu của ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt nam về bốn điều sai.

"GS Trần Quốc Vượng đã nhắc nhở rằng, ở khu vực này có di tích Đàn Xã Tắc"


Cái sai thứ nhất: Vào ngày 26/4, ông Bùi Danh Liên phát biểu rằng “Liên quan tới vấn đề bảo tồn di tích này, tôi cho rằng các nhà sử học phải cảm ơn ngành giao thông vận tải vì khi họ làm con đường đó thì tình cờ phát hiện ra các dấu tích được cho rằng đó là đàn Xã Tắc”.

Về vấn đề này, PGS.TS Tống Trung Tín cho hay: Năm 2006, khi triển khai dự án làm đường qua khu vực đó thì chính quyền địa phương và các cơ quan làm công tác văn hóa, bảo tồn di tích đã lên tiếng yêu cầu tạm dừng lại để xem xét có ảnh hưởng tới di tích hay không? Những thông tin về di tích Đàn Xã Tắc có tại khu vực này được ghi vào tài liệu từ nhiều năm trước, nhưng chưa có điều kiện khai quật, chứ không phải là do ngành giao thông phát hiện ra.

PGS.TS Tống Trung Tín cũng cho biết thêm: “Thời điểm ấy, những nhà nghiên cứu như chúng tôi không biết họ làm con đường đó, nhưng cách đây mấy chục năm GS Trần Quốc Vượng cũng đã có nhắc nhở rằng, ở khu vực này có di tích đàn Xã Tắc. Và rất may trong hồ sơ của các cơ quan chuyên môn văn hóa, lịch sử của Hà Nội đã có hồ sơ về di tích này rồi, chỉ có điều là chưa có đủ điều kiện để khai quật, nghiên cứu chuyên sâu hơn thôi.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Từ tháng 10-12/2006, cuộc thám sát và khai quật được tiến hành, đã tìm thấy một số dấu tích kiến trúc, di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ XI-XVIII nằm bên trên các lớp văn hóa có niên đại khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên và lớp văn hóa Phùng Nguyên có niên đại khoảng 3500 năm so với thời điểm hiện tại. Mỗi loại hình di tích ở đây đều có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là di tích đàn Xã Tắc.

UBND TP Hà Nội khi ấy đã tổ chức hai cuộc hội thảo về kết quả khai quật. Tại cuộc hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Quốc Triệu (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) thì GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS. Anh hùng lao động Vũ Khiêu – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và GS.TS Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã nhất trí kết luận: “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long có niên đại kéo dài suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Kết luận này cũng đã được UBND TP đưa vào báo cáo số 07/BC-UBND ngày 27/1/2007 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cái sai thứ hai: Ông Bùi Danh Liên phát biểu: “Đàn chỉ là bàn thờ vua của một triều đại của dòng họ nhà Lê, chứ không phải là của dân tộc. Đền thờ của dân tộc phải là đền Hùng, hoặc là nơi linh thiêng của cố đô Thăng Long, của đất nước nó phải nằm ở Hoàng Thành chứ không phải là đàn này. Tôi cho rằng có thể triều đại cuối cùng của nhà Lê thối nát, "cõng rắn cắn gà nhà" nên mới bị phá bỏ từ bao giờ”.

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng: Ông Liên đã từng phát biểu trên báo chí, nhận mình là cựu sinh viên Khoa Văn-Sử ĐH Sư phạm Hà Nội và tự tin với phát biểu của mình. Nhưng, ông lại mắc vào cái sai cơ bản, hoặc “quên mất” rằng “Đàn không phải là bàn thờ”.

Đàn được xây dựng lộ thiên như một cái đài, để cầu mùa. Gắn với đất, lúa thì thành ra là biểu trưng của đất nước, nên gọi là xã tắc. Mục tiêu lập đàn là như vậy đấy, nó là đề cầu cho “Mưa thuận gió hòa/Quốc thái dân an”. Cho nên, Đàn không phải là bàn thờ vua của một triều đại.

Chẳng những cầu mưa, đàn Xã Tắc Thăng Long còn có thêm một chức năng nữa là trừ nạn hoàng trùng (loại sâu phá lúa).

Nếu muôn “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến” chúng ta sẽ phải dẹp bỏ cả khu di tích cố đô Huế


Cái sai thứ ba: Ông Bùi Danh Liên nhiều lần nhắc đàn Xã Tắc của thời Lê và hậu Lê, mà không biết rằng đàn Xã Tắc này xây dựng lần đầu tiên là vào thời Lý. Cứ như cách nói của ông Liên trong sự việc liên quan tới đàn Xã Tắc thì 1000 năm lịch sử đã bị cắt phéng.

PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh: Cần phải biết rằng, đàn Xã Tắc đầu tiên được xây dựng vào thời Lý. Việt sử vắn tắt từ thời Trần cho biết: “Năm mậu Tý, hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 5 (1048)… Tháng 3, lập Xã Tắc (nền Xã Tắc) ở ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi bốn mùa cùng tế, cầu được mùa”.

Và trong Đại Việt sử ký toàn thư, chính sử thời Lê cũng chép: “Mậu Tý (Thiên Cảm Thánh Vũ) năm thứ 5 (1048)… lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn cũng chép: “Mậu Tý, năm thứ 5 (1048)… Tháng 9, mùa thu… lập đàn Xã và đàn Tắc. Lập đàn ở ngoài cửa Trường Quảng bốn mùa cầu đảo cho được mùa”.

Thời Trần, đàn Xã Tắc được Lý Tế Xuyên mô tả hết sức trang trọng và rõ ràng trong Việt điện u linh năm 1329 trong chuyện thứ 3: Thiên tổ địa chủ Xã Tắc đế quân: “Đế quân tức là Hậu Tắc dạy dân nghề trồng lúa, từ đời Chu đến nay thời làm Xã thần. Nước ta, thờ Đế quân tại phía nam La Thành bên cửa Quốc Bình, miếu điện rất tôn nghiêm, tục gọi là Xã Đàn tư thần, linh thiêng có tiếng. Các triều mua trước thường làm lễ tế ‘giao’ cùng với trời đất. Khi có đại hạn hoặc nạn hoàng trùng, làm lễ cầu mưa hay trừ sâu tất được linh ứng”.

Cái sai thứ tư: Gọi đàn Xã Tắc là “phế tích” thời phong kiến. Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân.

Về vấn đề này PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra quan điểm: Nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về văn bản của Hiệp hội Vận tải do ông Bùi Danh Liên ký có đoạn: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ”... Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.

Ông Tín cho biết thêm: Cái hay của Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải là ông rất nhiệt tình với tình hình giao thông của Thủ đô. Như ông đã nói, ngày nào đi qua nút giao thông Ô chợ Dừa, thấy cảnh ùn tắc cũng rất buồn. Nhưng, có lẽ vì quá sốt ruột nên ông đã phát biểu “liều”. Vì xin thưa, nếu nói như ông thì “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến” chúng ta sẽ phải dẹp bỏ cả khu di tích cố đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long, di tích cố đô Hoa Lư… Nghĩ theo hướng tiêu cực ấy có nghĩa là chúng ta phải dẹp hết một phần bề dày lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó có nhiều thành tựu đáng tự hào mà chúng ta đã được quốc tế công nhận.

Nguyễn Nguyễn