Muốn chống bức cung nhục hình cần loại bỏ thủ tục phiền hà

Chống nhục hình, hỏi cung bắt buộc phải có luật sư

04/03/2015 06:09
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của Cơ quan điều tra, không thuộc nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

LTS: Thảo luận về “dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam” (lần đầu) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – ông Đinh Trung Tụng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bỏ giấy chứng nhận bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng cơ quan điều tra ký, cấp cho luật sư (chỉ cần có thẻ luật sư, nhằm tránh sự phiền hà thủ tục hành chính).

Đây là vấn đề có liên quan tới các quyền của công dân, vì vậy Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận quan điểm của Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội).

Bảo vệ triệt để quyền con người

Bỏ giấy chứng nhận người bào chữa cho người bị tạm giữ do Thủ trưởng cơ quan điều tra ký cấp cho luật sư là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật Việt Nam được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật tố tụng hình sự hiện hành bởi: Tạm giữ người chỉ áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Trong số những người đó có thể có những người bị oan nhưng tất cả những người đó họ đều được pháp luật quy định cho họ có quyền được mời luật sư hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội để họ được hưởng quyền trợ giúp pháp lý. Hiến pháp và Luật đã quy định cho họ được hưởng quyền đó ngay từ khi họ bị tạm giữ và họ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư.

Vì vậy, không có lý do gì để họ phải đợi chờ đến khi Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận cho Luật sư rồi mới được hưởng quyền đó. Nếu luật quy định tất cả các buổi hỏi cung bị can hoặc người bị tạm giữ mà không có luật sư đều không có giá trị pháp lý thì việc chờ đợi Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận cho luật sư còn có thể chấp nhận được.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang ủng hộ việc bỏ cấp giấy chứng nhận cho luật sư bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam. ảnh: Ngọc Quang.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang ủng hộ việc bỏ cấp giấy chứng nhận cho luật sư bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam. ảnh: Ngọc Quang.

Đã có nhiều diễn đàn tranh luận về vấn đề này, một số người đại diện cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thường cho rằng: Khi tạm giữ người phạm tội phải lấy lời khai ngay để kịp phá án, nếu không lấy lời khai ngay thì ảnh hưởng đến việc phá án nên không thể chờ đợi có luật sư. Nhưng họ quên mất một điều rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm là của Cơ quan điều tra, không thuộc nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ, khi tiến hành bắt người phạm tội điều tra viên phải nói rõ với người bị tạm giữ rằng: Anh có quyền im lặng cho đến khi có luật sư, bởi những lời nói của anh có thể là bằng chứng chống lại anh tại tòa.

Luật hình sự nước ta cũng quy định: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy khi một người bị tạm giữ là họ đã bị hạn chế quyền tự do được pháp luật bảo vệ thì ngay lúc đó họ có quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan điều tra phải tôn trọng quyền hiến định đó.

Luật cũng quy định khi tạm giữ người cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và người thân của họ, thông báo ngay cho họ rằng họ có quyền mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Theo đó, gia đình họ mời luật sư ngay bằng văn bản. Luật sư chỉ cần mang giấy mời đó và thẻ luật sư cùng giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đó tham gia đến cơ quan điều tra gặp điều tra viên. Điều tra viên thấy giấy tờ của luật sư đầy đủ tư cách tham gia tố tụng thì giải quyết ngay bằng cách viết giấy biên nhận hồ sơ luật sư và để luật sư tham ngay khi điều tra viên tiến hành hoạt động điều tra. Có như vậy mới bảo vệ triệt để quyền con người và quyền trợ giúp pháp lý, tránh được tình trạng ép cung, nhục hình khi người đó không có tội.

Ngăn chặn hành vi không chuẩn mực

Nếu tiếp tục duy trì việc cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành thì vẫn có thể xảy ra nhiều hệ lụy như một số vụ việc đã từng xảy ra trước đây, đó là người bị tạm giữ, tạm giam chết tại nơi tạm giữ, tạm giam do công an quản lý, với nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ.

Còn nhục hình, bức cung dẫn đến oan sai thì có nhiều vụ nổi tiếng như: ngoài bắc có vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén… Nếu các vụ bị tạm giữ có sự trợ giúp pháp lý kịp thời của luật sư thì việc bức cung, nhục hình dẫn đến chết người sẽ không xảy ra, đồng thời cũng hạn chế được việc người bị tạm giữ tự sát do bị đối xử tàn bạo, bởi những người bị oan thật sự sẽ yên tâm rằng có người đang theo dõi, bảo vệ họ. Họ sẽ không có những suy nghĩ cực đoan dẫn đến hành động tiêu cực hoặc bất hợp tác vì những hành vi không chuẩn mực của cán bộ điều tra.

Ông Nguyễn Thanh Chấn là một trong những trường hợp điển hình bị bức cung, ngồi tù oan. ảnh: internet.
Ông Nguyễn Thanh Chấn là một trong những trường hợp điển hình bị bức cung, ngồi tù oan. ảnh: internet.

Trở lại việc phải chờ Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận, bản thân tôi cũng từng đối diện với rất nhiều vụ việc các gia đình mời bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam, nhưng khi luật sư làm thủ tục thì ít ngày sau nhận được câu trả lời bằng miệng từ điều tra viên rằng bị can từ chối mời luật sư và trả lại thủ tục giấy tờ cho luật sư.

Gần đây nhất ngày 2/10/2014 tôi được anh Nguyễn Mạnh Phương ở Nho Quan, Ninh Bình ký hợp đồng mời luật sư bảo vệ cho anh trai là Nguyễn Mạnh Linh.  Trước khi anh Linh đến cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đầu thú, anh Linh đã qua văn phòng luật sư của tôi cùng nói lời mời luật sư, tôi có nói với anh Linh: Anh cứ yên tâm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng, ngày mai tôi sẽ đến cơ quan cảnh sát điều tra làm thủ tục luật sư.

Ngay ngày hôm sau (3/10/2014), tôi đến cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an (C45-P8) nộp giấy tờ: giấy mời luật sư, bản sao thẻ luật sư, giấy giới thiệu đã được cơ quan điều tra nhận và chờ cấp giấy chứng nhận. Sau nhiều lần đi lại chưa được cấp thì đến ngày 10/11/2014, tôi nhận được thông báo số 183/C45-P8 của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo về việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bởi lý do bị can Nguyễn Mạnh Linh có ý kiến không thuê luật sư bào chữa.

Có một điều rất lạ rằng, trước khi ra đầu thú, bản thân bị can Linh còn đến văn phòng luật sư tha thiết mời luật sư bào chữa cho mình từ giai đoạn điều tra, ấy vậy mà không hiểu vì lý do gì sau khi điều tra viên làm việc thì bị can Linh lại không mời luật sư nữa?

Để đảm bảo quyền con người, quyền được trợ giúp pháp lý trong tố tụng đã được hiến định cần bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng và các giai đoạn tố tụng nói chung, có như vậy quyền con người mới được bảo đảm, các vụ án hình sự đỡ bị oan sai, đảm bảo sự công bằng, văn minh, dân chủ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngọc Quang (ghi)