Bè tre Việt Nam và chuyến băng qua Thái Bình Dương sang châu Mỹ

24/02/2015 06:09
LÊ PHƯƠNG - XUÂN QUANG
(GDVN) - Hơn 20 năm về trước, chiếc bè luồng Việt Nam cùng đoàn thám hiểm đã vượt chặng đường 5.500 hải lý, băng qua Thái Bình Dương sang châu Mỹ.

Đóng bè mảng 

Cách đây hơn 20 năm về trước, ông Lường Viết Lợi (Sinh năm 1959, trú tại Sầm Sơn, Thanh Hóa) cùng 4 nhà thám hiểm khác đã dùng bè luồng để thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương sang Châu Mỹ. 

Ông Lợi cũng là Việt Nam duy nhất có mặt trên chiếc bè mảng vượt đại dương với hành trình dài 5.500 hải lý trong khoảng thời gian hơn 6 tháng. Đoàn thám hiểm lúc đó do ông Tim Severin, người Iceland là thuyền trưởng và ông Lợi là thuyền phó.

Để hoàn thành chiếc bè, 40 người dân Sầm Sơn đã làm cật lực cả ngày lẫn đêm trong nửa năm trời (ảnh tư liệu)
 Để hoàn thành chiếc bè, 40 người dân Sầm Sơn đã làm cật lực cả ngày lẫn đêm trong nửa năm trời (ảnh tư liệu)

Ông Lợi cho biết, năm 1991, được phép của Bộ Văn hóa, một nhóm các nhà thám hiểm đứng đầu là Tim Severin (sinh năm 1940), đã cho đóng bè mảng ngay tại Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Mục đích chuyến đi của bè mảng Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương chứng minh học thuyết cho rằng nền văn minh Trung Mỹ có xuất xứ từ Châu Á - họ đã vượt Thái Bình Dương sang đây từ hàng nghìn năm trước.

Được biết, chiếc bè Sầm Sơn được đóng chủ yếu bằng phương pháp thủ công, với sự lắp ghép của hơn 500 cây luồng. Chiều dài mảng là 18,3 m, rộng 4,6 m, buồm 75 m2, đáy có 3 lớp luồng và được buộc bằng hàng ngàn mối lạt mây. Phần cánh buồm của bè  được đưa ra Quảng Ninh để lắp ráp.

Bè được làm bằng tre luồng, buộc bằng nguyên liệu dây mây (ảnh tư liệu)
Bè được làm bằng tre luồng, buộc bằng nguyên liệu dây mây (ảnh tư liệu)

Cũng theo ông Lợi, để đóng được chiếc bè luồng vượt Thái Bình Dương, 40 người dân Sầm Sơn đã làm cật lực cả ngày lẫn đêm: “Để đảm bảo sức bền cho bè luồng, chúng tôi phải chọn những cây luồng to, chắc. Số luồng này được bào sạch lớp vỏ lụa bên ngoài, dùng vôi pha với lá xoan giã nhỏ lấy nước để ngâm luồng với mục đích chống mọt. Sau đó, dùng sơn quét lên cây luồng để chống rêu, chống thấm khi vượt biển”.

Ngày 10/4/1993, chiếc bè được đưa sang Hồng Kông thông qua tàu vận tải biển Việt Nam, bắt đầu thực hiện chuyến hành trình xuyên Thái Bình Dương (từ Sầm Sơn, qua Hồng Kông, Đài Loan, dọc bờ biển Nhật Bản, băng ngang Thái Bình Dương, đến vùng biển San Francisco miền Tây nước Mỹ).

“Đi từ Hồng Kông sang Mỹ phù hợp nhất với sức chịu đựng theo thời gian của chiếc bè. Nếu chọn Việt Nam làm điểm xuất phát sẽ khiến hành trình xa hơn và gặp nhiều rủi ro hơn”, ông Lợi cho hay.

Cuộc sống sinh hoạt của các nhà thám hiểm trên bè (ảnh tư liệu)
Cuộc sống sinh hoạt của các nhà thám hiểm trên bè (ảnh tư liệu)

Trong chuyến hành trình này, ông Lường Viết Lợi được coi là thành viên cốt cán trong đoàn thám hiểm. Người đàn ông Việt Nam này trở thành người thầy, người huấn luyện tận tâm truyền thụ cho đoàn kỹ năng cách đi bè, dùng buồm cánh dơi của ngư dân...

Chinh phục đại dương

Hơn 6 tháng thực hiện hành trình trên trên biển, đoàn thám hiểm đã đối diện với hàng loạt thử thách cam go, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các thành viên.

“Có lúc chúng tôi bị dòng hải lưu trên biển cuốn trôi. Các thuyền viên nhiều lần gặp cướp biển đe dọa. Có lúc thì gặp bão biển và nguy cơ va chạm với các tàu lớn…Chỉ có may mắn chúng tôi mới có thể sống sót trở về” Ông Lợi nhớ lại.

Hình ảnh bè Việt Nam hành trình vượt Đại dương (ảnh tư liệu)
Hình ảnh bè Việt Nam hành trình vượt Đại dương (ảnh tư liệu)

Tháng 11/1993, khi bè mảng chỉ còn cách bờ biển bang California khoảng 1.000 hải lý thì nhận được tin có cơn bão lớn. Đoàn thám hiểm quyết định dừng chuyến đi để bảo toàn tính mạng sau khi đã vượt khoảng 5.500 hải lý. 

“Khi chiếc bè chỉ còn cách bờ biển bang California khoảng 1.000 hải lý thì một số thanh luồng bên hông bè bị bong ra. Tim hỏi tôi, theo kinh nghiệm thì bè có đi tiếp được không? Tôi bảo: “Nếu chỉ còn 1.000 dặm nữa thì bè có thể đi tốt, nhưng lúc này nghe tin sắp có bão lớn nên ông Tim đã quyết định cho dừng chuyến hành trình, khép lại cuộc hành trình hơn 6 tháng” ông Lợi cho biết.

Ngày 16/11/1993 đoàn thám hiểm đã lên một chiếc tàu Nhật Bản đi ngang qua, trở về Tokyo.

Toàn bộ chuyến hành trình này đã được Tim Severin ghi chép cẩn thận và viết nên cuốn sách ''Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương.'' Cuốn sách này cũng đã được Nhà xuất bản trẻ dịch sang tiếng Việt và được in ấn, phát hành.

Ông Lường Viết Lợi - người Việt Nam duy nhất trên chiếc bè vượt Đại dương (ảnh: Lê Phương)
Ông Lường Viết Lợi - người Việt Nam duy nhất trên chiếc bè vượt Đại dương (ảnh: Lê Phương)

Trong cuốn sách, Tim Severin ghi lại chi tiết cuộc thám hiểm, trong đó có các kinh nghiệm tồn tại trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu. 

“Thực phẩm chuẩn bị cho nhóm thám hiểm ngoài đồ hộp, anh em trong nhóm thám hiểm thường dùng cung để bắn cá, săn cá mập, cá voi... bè được trang bị các thiết bị cứu sinh và liên lạc hiện đại, hệ thống điện năng lượng mặt trời và pin…”, ông Lợi kể.

Với ông Lợi, chuyến thám hiểm, đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân mà của người dân Sầm Sơn nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung, bởi ông là người Việt Nam duy nhất đi cùng đoàn trong chuyến thám hiểm chinh phục đại dương.

LÊ PHƯƠNG - XUÂN QUANG