Anh em lại “tâm tư” vì giảng đường trong mơ

07/02/2015 07:04
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Khánh khẳng định muốn có đại học tử tế thì vấn đề cơ sở vật chất rất quan trọng.

Từ nhiều năm nay, sinh viên các trường đại học xôn xao về chuyện chuyển trường lên khu Hòa Lạc (Hà Tây cũ). Nhiều người đã kịp mơ ước chỉ trong một thời gian ngắn nữa, tại Việt Nam sẽ có một “Thành phố đại học” quy mô và đẹp không kém gì những ngôi trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Được khởi công vào cuối năm 2003, Dự án Xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ hình thành một đô thị đại học tại Hòa Lạc hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Đông Nam Á, tạo dấu ấn mới trong tiến trình giãn các cơ sở giáo dục đại học từ nội thành ra ngoại thành.  

Với diện tích khoảng 1.000 ha, dự án gồm 13 dự án thành phần. Theo dự tính ban đầu, dự án sẽ kéo dài trong vòng 13 năm (2003-2015), tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính khoảng 7.230,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách do nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo đúng như tiến độ công trình, đến đầu năm 2010, sẽ có 3 trường tiến quân lên đó đầu tiên: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa sư phạm (tiền thân của Trường Đại học Giáo dục trong tương lai) và Trường ĐH Công nghệ. Và dự tính đến năm 2015, toàn bộ ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ chuyển lên khu mới.

Thế nhưng đến nay, tiến độ Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đang chậm so với dự kiến ban đầu.

Tâm tư, bức xúc vì không biết bao giờ mới xong

Phối cảnh quy hoạch chung dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc (Ảnh: VNU)
Phối cảnh quy hoạch chung dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc (Ảnh: VNU)

Phát biểu tại một sự kiện lớn mới đây, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Nguyễn Văn Khánh cho rằng, muốn có đại học tử tế thì vấn đề cơ sở vật chất rất quan trọng.

“Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm để có giải pháp xây dựng nhanh hơn nữa cơ sở Hòa Lạc cho ĐHQGHN. Phải coi việc xây dựng cơ sở này như một công trình trọng điểm quốc gia. Từ chủ đầu tư là ĐHQGHN chuyển sang cho Bộ Xây dựng, 4 – 5 năm nay chuyển biến vẫn rất chậm. Cả diện tích rộng gần 1.000 ha như thế không biết đến bao giờ sẽ xây dựng xong nếu Chính phủ không có một quyết tâm chiến lược? Điều này đang gây tâm tư, thậm chí bức xúc cho không chỉ riêng các cán bộ trong trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN)”, ông Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên Nguyễn Văn Nội chia sẻ: “Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản.

Trường rất mong sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành để sớm hoàn thành công trình trọng điểm ở Hòa Lạc, tạo điều kiện để các thầy cô, các nhà khoa học của trường có sức bật mạnh mẽ hơn”.

Các trường cứ nở như hoa thì sao có chất lượng cao?

TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: VNU)
TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: VNU)

Không chỉ “tâm tư” vì cơ sở tại Hòa Lạc, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Nguyễn Văn Khánh còn trăn trở vì các trường cao đẳng, đại học đang như trăm hoa đua nở.

Ông Khánh cho biết: “ Việt Nam hiện đang có tới trên 400 trường đại học, cao đẳng. Một số nhà quản lý đại học, nhà khoa học ở nước ngoài nói với tôi rằng số lượng trường đại học như thế tương đối lớn, thậm chí lớn hơn nhiều số lượng trường ở Hàn Quốc.

Nhưng theo tôi vấn đề không nằm ở chỗ “nhiều” hay “quá nhiều” mà nằm ở chỗ với số lượng trường lớn như vậy, Nhà nước phải có chính sách đầu tư như thế nào cho hợp lý. Đảng đã xác định khoa học công  nghệ là quốc sách hàng đầu, nhưng từ chủ trương đó đến chính sách thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách”.

Cũng theo ông Khánh, Chính phủ đã cho thành lập các trường đại học quốc tế để tiếp cận với trình độ khoa học quốc tế như đại học Việt Đức, đại học Việt Pháp…, nhưng việc đầu tư lại chưa đáng kể.

Từ đó, ông Khánh đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần phải có sự đầu tư thích đáng hơn nữa cho các trường đại học.

“Là nhà quản lý ở lĩnh vực giáo dục lâu năm, tôi nhận thấy trong 10 năm qua, sự đầu tư của Nhà nước cho sinh viên hầu như không có. Mỗi năm, một sinh viên được đầu tư khoảng 600 – 700 USD thì làm sao có thể đòi hỏi chất lượng quốc tế được?

Tôi nghĩ đã đến lúc cần có sự tập trung đầu tư cho các trường đại học trọng điểm. Giờ cứ mỗi tỉnh có 1 trường đại học, các trường cao đẳng nở như hoa thì sao có thể có chất lượng phát triển?”, ông Khánh nói thêm.

“Cầu cứu” các tập đoàn kinh tế

ĐHQGHN và Bộ Xây dựng từng có nhiều buổi làm việc về một số vấn đề liên quan đến Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. (Ảnh: VNU)
ĐHQGHN và Bộ Xây dựng từng có nhiều buổi làm việc về một số vấn đề liên quan đến Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. (Ảnh: VNU)

Trước kỳ vọng và yêu cầu phát triển ngày càng cao đối với ĐHQGHN thì cơ sở vật chất hiện tại của ĐHQGHN thực sự là một rào cản lớn. Lãnh đạo ĐHQGHN đã ý thức rất rõ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, việc đầu tư ngay để xây dựng khu ĐHQGHN tại Hoà Lạc bằng nguồn vốn ngân sách là thiếu khả thi.

Do vậy, ĐHQGHN đã chủ động đề nghị với Chính phủ cho phép thực hiện chủ trương kêu gọi xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất cho ĐHQGHN.

Ngoài ra, trong một sự kiện mới đây, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng đã kêu gọi Tập đoàn Sunwah (Trung Quốc) cũng như các tập đoàn kinh tế khác trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác với ĐHQGHN để đầu tư các công trình và dự án thành phần trong khu ĐHQGHN tại Hoà Lạc, giúp ĐHQGHN sớm chuyển lên được cơ sở mới tại Hoà Lạc.

PHONG NGUYÊN