5 chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 4

01/04/2015 06:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Quy định phong tặng "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; nâng trợ cấp người có công cách mạng; 7 đối tượng được miễn giảm vé tàu...

Quy định phong tặng "Nhà giáo Nhân dân", Nhà giáo Ưu tú"

Theo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Đối tượng áp dụng là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bao gồm:

Giáo viên, giảng viên (nhà giáo) trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi dạy, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; viên chức làm nhiệm vụ quản lý tại các phòng, ban, viện, trung tâm (không có chức năng đào tạo), văn phòng thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 

Cán bộ, công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; công chức chuyên trách làm công tác quản lý dạy nghề Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 

Cán bộ, công chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ); nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ công đoàn giáo dục (cán bộ quản lý giáo dục).

Nhà giáo Lưu Xuân Giới, người xung phong lên xã vùng cao Minh Cầm, huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014. ảnh: vnn.
Nhà giáo Lưu Xuân Giới, người xung phong lên xã vùng cao Minh Cầm, huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014. ảnh: vnn.

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng.

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý cơ hữu tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Nghị định nêu rõ, việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo là nữ; nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định có hiệu lực từ 25/4/2015.

6 bản chính giấy tờ, văn bản không được chứng thực bản sao

Người chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao.
Người chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao.

Theo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có 6 bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao gồm:

1- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

2- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

3- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

4- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

5- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

6- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2015.

7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu

Theo Nghị định số 14/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4/2015, 7 đối tượng chính sách xã hội được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; Trẻ em dưới 6 tuổi.

Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được giảm 90% giá vé.

Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được giảm 30% giá vé.

Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng.

Nghị định quy định rõ miễn vé áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 2 đối tượng miễn vé đi cùng.

Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất.

Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.

Nâng mức trợ cấp người có công với cách mạng

Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 4/9/2013 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng của Chính phủ đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng tăng nên đã ảnh hưởng đến đời sống của người có công và thân nhân trong gia đình.

Vì vậy, để góp phần cải thiện đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ, Chính phủ đã ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức trợ cấp, phụ cấp. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và tặng quà ông Huỳnh Xuân Quang, lão thành cách mạng ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ vào năm 2013. ảnh: THTG.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và tặng quà ông Huỳnh Xuân Quang, lão thành cách mạng ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ vào năm 2013. ảnh: THTG.

Cụ thể, mức phụ cấp, trợ cấp của một số đối tượng người có công như sau: Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.318.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.636.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 3.954.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.318.000 đồng/tháng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên và hưởng phụ cấp 1.105.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.318.000 đồng/tháng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.105.000đồng/tháng.

Cũng theo Nghị định mới, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng 500.000 đồng/năm.

Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non là 200.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 250.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, phổ thông dân tộc nội trú là 300.000 đồng/năm.

Tăng lương cho cán bộ công chức có hệ số 2,34 trở xuống

Nghị định có hiệu lực từ 6/4 quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở), cụ thể: Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng x 8%.

Ngọc Quang