Nguyên Phó thủ tướng chỉ rõ chìa khóa giúp nâng tầm nền nông nghiệp VN

20/12/2013 07:18
Hoàng Lực
(GDVN) - "Vũ khí để nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh và vươn tầm thế giới đó chính là thực hiện tái cơ cấu và đầu tư khoa học công nghệ", nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn khẳng định.

Việt Nam đang trên đường đi lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, về cơ bản Việt Nam hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp. Bằng chứng là dân số sống bằng nghề nông chiếm 70% dân số cả nước, 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp.

Tuy chiếm số lượng lớn lao động trong cơ cấu ngành nghề tuy nhiên nông nghiệp chỉ đóng góp chưa đầy 20% GDP cả nước trong năm nay, dẫn đến đời sống nông dân càng gặp khó khăn, chênh lệch mức sống giữa thành thị nông thôn ngày một lớn. Vậy đâu là điểm mạnh, lợi thế để nông nghiệp Việt Nam phát triển? Nút thắt nào cần được tháo bỏ để đưa nông nghiệp phát triển với đúng tầm vóc, điều kiện thuận lợi đó, đưa đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày một nâng lên?.

Trong nông nghiệp lúa gạo không còn là thế mạnh của Việt Nam nữa
Trong nông nghiệp lúa gạo không còn là thế mạnh của Việt Nam nữa

Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Công Tạn, người vẫn dõi theo thông tin sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Thế mạnh quan trọng của ngành nông nghiệp

Đánh giá về bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện nay, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: “Nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng có sẵn, đặc biệt trong những năm gần đây nông nghiệp có dấu hiệu chững lại”.

Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên rất lớn: như nguồn đất đai, tài nguyên khí hậu, vị trí địa lý và đặc biệt là lực lượng lao động trong nông nghiệp.

“Tài nguyên lớn về nguồn đất, đa dạng khí hậu, vị trí địa lý khiến nông nghiệp Việt Nam có đặc thù riêng với thế mạnh từng vùng miền khác nhau.

Nhưng thế mạnh quan trọng của nông nghiệp Việt Nam vẫn là lực lượng lao động đông đảo với ưu điểm thông minh, cần cù. Nếu biết phát huy đội ngũ lao động này thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp, có thể làm nên bất cứ kỳ tích nào trong nông nghiệp”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Công Tạn
Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Công Tạn

Với thế mạnh đó, những năm vừa qua nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ từ chỗ tự cung tự cấp, Việt Nam đã có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, trong đó có những hàng hóa lớn, xuất khẩu như gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, chè, hoa quả…

“Hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu nông nghiệp đạt 25 tỉ USD chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Cùng với nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn cũng được thay đổi, nông dân từ chỗ thiếu ăn nay đã đủ ăn có điều kiện sinh hoạt tốt hơn”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận định.

Tuy nhiên hai ba năm trở lại đây nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, thể hiện: năng suất một số nông sản thấp, sức cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp cũng thấp, chất lượng hàng hóa nông sản bao gồm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì mẫu mã đều kém xuất khẩu gái trị không cao, hiệu quả kinh tế nông nghiệp thấp gây thiệt thòi cho nông dân và đất nước.

Nguyên Phó Thủ tướng chỉ ra, nhiều mặt hàng lỗ, ảnh hưởng thu nhập nông dân: Gạo xuất khẩu lỗ, cà phê bán lỗ, cao su hiện cũng đang lỗ do giá xuống, chăn nuôi cũng lỗ… Nguyên nhân dẫn đến ngành ngành trong nông nghiệp lỗ do giá đầu vào tăng trong khi giá đầu ra giảm xuống.

Từ thực trạng đó nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, phải tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp trên tinh thần chọn mặt hàng mũi nhọn phát huy hết tiềm lực của Việt Nam để có hiệu quả cao. Kèm theo đó là áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nâng cao sức cạnh tranh để chủ động đối phó với hội nhập kinh tế quốc tế nông nghiệp có thể đứng vững được nhất là sang năm tới 2015 khi kinh tế Việt Nam mở toang cánh cửa thì nông nghiệp Việt Nam không thua thiệt. Để hàng nông sản Việt Nam không những không thua trên “sân nhà” mà còn có thể vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Nông nghiệp VN nên đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa

Giải bài toán tái cơ cấu trong nông nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng lúa gạo hiện nay không còn là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nữa do giá thế giới xuống, nhu cầu lương thực bớt đi, trong khi đầu vào sản xuất lúa gạo cao mà đầu ra lại thấp sản xuất. “Chúng ta không nên chạy theo cái nhất nhì thế giới gây thiệt thòi cho nông dân, nên quy hoạch lúa gạo chỉ vùng Nam bộ vì ở đó lúa gạo sản xuất có lãi còn các vùng khác nên xem lại”, ông nhấn mạnh.

Những ngành hàng hóa trong nông nghiệp cần quy hoạch, đầu tư chuyên sâu để phát triển. Trong đó gồm có cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, chè… vẫn phát triển nhưng những ngày qua đang chững lại, phát triển ở nghĩa là duy trì chứ không mở rộng, khâu chế biến sâu nâng cao chất lượng tăng giá.

Tiếp theo ngành sản xuất rau hoa quả nên trở thành ngành mũi nhọn vì thế giới cần rất nhiều Việt Nam có quả nhiệt đới, á nhiệt đới rất nổi tiếng có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Theo nguyên Phó Thủ tướng, chăn nuôi cũng cần đẩy lên, chăn nuôi Việt Nam đang yếu. Việt Nam nên hướng đến chăn nuôi bò sữa, nhu cầu trong nước còn rất nhiều Việt Nam hiện nay đang nhập triệu tấn sữa mỗi năm (trong nước chỉ đáp ứng 500.000 tấn sữa) Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi bò sữa, chỉ cần giống bò tốt, chăn nuôi công  nghiệp chế biến sữa theo công nghệ hiện đại chủ động thức ăn. Cùng với đó nhu cầu sữa Việt Nam và thế giới rất lớn. Có thể trong vòng nhiều năm tới bò sữa sẽ trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam.

“Bên cạnh bò sữa là bò thịt, đưa đàn bò thịt chất lượng cao vào chăn nuôi phục vụ nhu cầu và chiếm lĩnh thị trường trước khi bò thịt Úc, Mỹ tràn vào Việt Nam sao khi mở cửa hội nhập. Khi đó chúng ta sẽ thua ngay tại thị trường nội địa” nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhấn mạnh .

Vũ khí để nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh và vươn tầm thế giới đó chính là thực hiện tái cơ cấu và đầu tư khoa học công nghệ. Trước đến nay khoa học công nghệ chỉ đóng góp 30% giá trị gia tăng của nông nghiệp. Đó là con số rất ít nhưng đồng thời cũng nói lên trì trệ của khoa học công nghệ thời gian qua do chính là cơ chế chính sách, sắp tới muốn đi nhanh khoa học công nghệ phải đi tắt đón đầu để đẩy nhanh, cái gì Việt Nam không sáng tạo được phải nhập về Việt hóa để phục vụ phát triển nông nghiệp. 

Hoàng Lực