Tin đồn Táo quân thôi diễn: 10 năm một kiểu, nếu dừng cũng chả oan gì?

09/01/2015 12:23
Quốc Khánh
(GDVN) - Việc Táo quân 2015 bị đồn sẽ "dừng" cho thấy chương trình cần có sự điều chỉnh để có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem truyền hình.

Gặp nhau cuối năm hay Táo quân - chương trình hài khá hấp dẫn đã tồn tại hơn 10 năm nay. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi một chương trình hài với diễn viên, mô tuýp nhân vật không đổi sau hơn 10 năm vẫn được đón nhận. Điều gì đem đến sức hút cho Gặp nhau cuối năm (Táo quân) mỗi dịp Tết đến xuân về?

Vì sao khán giả “sốt” vì tin đồn “dừng” Táo quân

Tiễn Táo quân lên trời là một tín ngưỡng đã tồn tại hàng ngàn năm nay của người Việt. Theo đó, Táo quân sẽ lên Thiên đình để báo cáo những công việc đã làm được của gia chủ trong năm qua. Dựa vào tín ngưỡng này, Gặp nhau cuối năm là một vở diễn nhằm “tổng kết” lại 1 năm hoạt động của đất nước. Bản thân việc dựa vào câu chuyện Táo quân đã đem đến cho Gặp nhau cuối năm một sức hút khó cưỡng.

Điều khiến người xem cảm thấy thích thú chính là sự “tổng kết” các vấn đề nóng của xã hội trong năm bằng cái nhìn hài hước, châm biếm. Đây cũng là một trong số các chương trình đề cập đến những vấn đề “gai góc” của xã hội một cách trực diện và quyết liệt. Việc dám nhìn thẳng vào những tồn tại của xã hội chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho Gặp nhau cuối năm. Khán giả chờ đợi Táo quân không chỉ để cười mà còn để chiêm nghiệm, để đánh giá những gì đã hoặc chưa đạt được của đất nước sau 1 năm.

Chương trình Táo quân đã trở thành 1 phần trong ngày Tết của người xem truyền hình
Chương trình Táo quân đã trở thành 1 phần trong ngày Tết của người xem truyền hình

Tuy nhiên, việc khán giả thấy hụt hẫng khi tin đồn Táo quân bị cấm diễn những ngày qua dường như xuất phát một phần từ nguyên nhân khác. Táo quân gợi lên trong lòng khán giả không khí Tết, đem lại cảm giác ấm áp và chờ đợi. Hơn 10 năm tồn tại, việc quây quần bên những người thân trong gia đình để theo dõi Táo quân đã trở thành một thói quen của khá nhiều gia đình Việt. Để thay đổi một thói quen không hề dễ dàng. Chính vì vậy, khán giả mới cảm thấy lo lắng khi thông tin Táo quân bị cấm diễn lan tràn trên mạng xã hội.

Nhưng tại sao việc “dừng” Táo quân đã được đề cập đến trong khoảng 3 năm nay? Phải chăng đây chỉ đơn thuần là chiêu PR, là cách nhà sản xuất đo tình cảm của khán giả? Với một chương trình lớn và được chờ đợi như Táo quân, có lẽ VTV cũng không quá cần thiết phải thực hiện quá nhiều chiêu trò để PR cho sản phẩm của mình. Vậy, điều gì tạo nên những tin đồn về chuyện “dừng” Táo quân?

Táo quân ngày càng… nhạt

Trong khoảng ba, bốn năm nay, khán giả xem truyền hình bắt đầu có cảm giác Táo quân ngày càng nhàm, nhảm và nhạt. Với lượng diễn viên ít ỏi và hầu như không thay đổi, khán giả đã quen với cách gây cười, quen với cách nói của từng nhân vật. Với một vở hài kịch, việc tồn tại quá nhiều điều quen thuộc sẽ dẫn đến nhàm chán cho người xem.

Dàn diễn viên 10 năm gần như không đổi khiến Gặp nhau cuối năm bị nhàm chán
Dàn diễn viên 10 năm gần như không đổi khiến Gặp nhau cuối năm bị nhàm chán

Thực chất, các yếu tố gây cười trong Táo quân cũng chỉ quanh quẩn với các ca khúc “chế lời”. Diễn viên Tự Long năm nào cũng thể hiện “sở trường” hát các thể loại nhạc của mình. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng các ca khúc nhạc chế tạo cảm giác khó chịu cho người xem. Đó là chưa kể đến việc một số diễn viên như Công Lý, Xuân Bắc... hát không được hay và việc chế lời đôi khi quá khiên cưỡng. Mặc dù vẫn tạo được tiếng cười nhưng có lẽ đó chỉ là cười… gượng.

Thêm vào đó, không ít các yếu tố dung tục được các nhà sản xuất tận dụng để tạo tiếng cười cho khán giả. Việc lạm dụng yếu tố dung tục khiến cho Gặp nhau cuối năm không khác nhiều so với các chương trình hài kịch khác. Đây chính là điểm khiến Táo quân gây mất cảm tình của khán giả trong vài năm trở lại đây.

Những màn cãi vã, cãi cùn của các nhân vật khiến người xem khó chịu
Những màn cãi vã, cãi cùn của các nhân vật khiến người xem khó chịu

Không chỉ vậy, nhiều người cũng cảm thấy khó chịu với những màn “cãi cùn” của các nhân vật trên sóng truyền hình. Năm nào người xem cũng gặp cảnh cãi vã của các Táo với Nam Tào, Bắc Đẩu. Những màn cãi vã ấy na ná giống nhau qua các năm. Thậm chí, nếu “cắt ghép” các phần đối thoại của Nam Tào, Bắc Đẩu của 10 năm lại với nhau, khán giả cũng khó có thể tìm ra được sự khác biệt. Đây chính là “điểm chết” khiến Táo quân ngày càng nhàm chán.

Không phải ngẫu nhiên mà việc “dừng” Táo quân được đề cập đến. Nó đánh dấu thời điểm Táo quân (Gặp nhau cuối năm) cần có sự điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế cũng như lịch sử hơn 10 năm tồn tại của mình.

Quốc Khánh