Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sẵn sàng hầu tòa đến hơi thở cuối cùng

21/08/2014 08:01
Hoàng Anh
(GDVN) - 'Vì vấn đề bảo vệ sự tôn nghiêm nơi thờ cúng, vì anh linh tổ tiên tôi, tôi sẵn sàng hầu tòa đến hơi thở cuối cùng, đến chút danh dự và tài sản cuối cùng'.

Trả lời tiếp những thắc mắc của độc giả về bài viết 'Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm', nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc tại sao thành viên trong gia tộc anh lại đồng ý cho quay phim, diễn kịch trong nhà mình. Và việc bảo vệ làng cổ Đường Lâm không cho các đoàn làm phim đến quay có sợ thiệt hại về quảng bá du lịch hay không...đều được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phân tích cặn kẽ và sâu sắc.

Bên cạnh đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng khẳng định, sau bài báo này, anh muốn được 'im lặng' và 'im lặng'. Tuy nhiên nếu có ai đó muốn 'kiện' cáo anh vì đã bảo vệ làng quê mình thì anh sẵn sàng theo kiện tới cùng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh nhân vật cung cấp

 "Không lẽ phải treo cổ tự tử cho bõ uất"

- Sau khi bài báo 'Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm' của anh được đăng tải, thì được biết, một số người trong gia tộc anh lại lên tiếng khẳng định rằng, họ đồng ý cho đóng phim và họ không thấy kịch bản hay diễn viên có hành động gì phản cảm, anh nghĩ sao?

Như tôi đã nói, người quản lý nhà cổ của chúng tôi chỉ là một nông dân học hành rất có… giới hạn, bên tổ chức sản xuất đem tiền đến thuê chỗ ăn, ở, đóng phim thì họ ham lợi và đồng ý. Gia tộc chúng tôi không muốn điều đó, nhưng người quản lý trực tiếp thì họ muốn. Họ muốn và họ đã làm, thì họ phải bảo vệ cái “trót dại nhiều lần” của họ chứ. Nếu họ đồng ý sai với nguyên tắc và đạo lý vì họ thiếu hiểu biết, thì ngần ấy người hiểu biết và nổi tiếng còn lại cũng nương theo đó mà sai được ư?.

Bản thân tôi sống và làm việc ở Hà Nội đã 20 năm rồi, nên tôi không thể ngồi gác 24/24 để ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa kia. Không lẽ tôi phải treo cổ tự tử cho bõ uất? Không lẽ tôi vác dao chém những người làm vấy bẩn không gian linh thiêng của ông bà tổ tiên mình? Nếu bạn là tôi, bạn sẽ hành động kiểu thứ nhất hay kiểu thứ hai? Chắc chắn không phải là cả hai kiểu đó đúng không!

"Sẵn sàng theo kiện đến cùng"

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sẵn sàng hầu tòa đến hơi thở cuối cùng ảnh 2

NSƯT Kim Oanh bức xúc vì bị chỉ trích "mất dạy" khi đóng cảnh sàm sỡ

(GDVN) - 'Nếu cảm thấy thô tục, bẩn thỉu, chim chuột, họ có quyền đuổi đoàn làm phim ra...', NSƯT Kim Oanh chia sẻ.

- Sau khi ý kiến của NSƯT Kim Oanh được đăng tải trên Báo Giáo dục Việt Nam, có rất nhiều độc giả đồng tình rằng, những lời thoại trong phim, diễn viên chỉ diễn theo kịch bản, không phải là những câu chuyện ngoài lề tếu táo. Tuy nhiên trong bài viết của mình, anh lại phê phán các diễn viên là “mất dạy", việc chỉ trích như vậy bị cho là quá lời, anh có ý kiến gì không?

Tôi nghĩ rằng người phát ngôn câu đó lại một lần nữa đã lại đánh tráo khái niệm. Tôi xin trích nguyên văn những gì tôi đã viết trước khi báo Giáo dục Việt Nam phỏng vấn tôi như sau: “Làm ơn đọc lại những gì mà tôi viết: Các bộ phim ấy quý báu với ai thì tôi không biết, nhưng khi lôm lổm diễn cảnh chợ búa ở trước bàn thờ nhà tôi, nó là một thứ mất dạy” (Bài “Xin hãy tử tế với người đã chết ở Đường Lâm” đã đăng báo Lao Động). Nay tôi phân tích rõ ràng nhé: “Các bộ phim ấy” là chủ ngữ của câu; tiếp theo tôi nhấn mạnh hai yếu tố “điều kiện” để tôi cho là “các bộ phim ấy” là thứ mất dạy:

Thứ nhấtkhi lôm lổm diễn cảnh chợ búa". Thứ 2ở trước bàn thờ nhà tôi. Đó, toàn bộ từ ngữ và bối cảnh nguyên văn, tôi không đánh tráo khái niệm hay đánh lận không gian gì nhé. Thử hỏi: có cảnh lôm lổm chợ búa nào diễn ra trước bàn thờ nhà bạn mà không là thứ…mất dạy không nhỉ?

Tôi cũng xin nói thêm hai điều với các quý độc giả của Báo Giáo dục Việt Nam và những người quan tâm khác:

Điều thứ nhất: Tôi đã đạt được mục đích trong việc bảo vệ không gian linh thiêng của ông bà tổ tiên mình. Tôi hơi mệt mỏi với câu chuyện bảo vệ không gian linh thiêng và cổ kính của quê mình trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, tôi cũng rất hài lòng vì sau loạt bài vừa rồi của mình, cơ quan chức năng địa phương, các nhà quản lý văn hóa đã và đang tiến hành cấm các hoạt động tham quan hay đóng phim phản cảm ở nhà thờ nhà tôi cũng như các nhà thờ và di tích tôn kính cần “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” khác. Cảm ơn cơ quan hữu trách đã và sẽ sớm ra tay sau ít nhất 5 năm mọi thứ đi đến độ quá trớn, phản cảm.

Điều thứ 2: Tôi rất vinh hạnh nếu được ra trước một phiên tòa chỉ vì tôi đã… làm đúng. Tôi từ lâu đã dám nghĩ: cái gì tôi sợ thì tôi đã không làm, cái gì làm thì tôi không sợ.

Tin chính thức là có người đến gặp Tổng Biên tập của tôi “kể tội” tôi. Tôi rất lấy làm vinh hạnh vì sự sòng phẳng đó.

Quý vị kiện tôi xúc phạm quý vị, kiện tôi quá quắt chua ngoa. Nhưng làm ơn đọc lại bài các nghệ sỹ “kể tội” tôi (đã đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam) xem, xem họ đã xúc phạm tôi đến cỡ nào. Nhưng tôi không hề nổi nóng với cô nàng ấy, vì cô là phụ nữ, lại là phụ nữ đẹp, là đồng nghiệp của tôi, với một sự nghiệp không tì vết. Tôi hiểu, và dường như cô cũng hiểu tôi ít nhiều (chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện riêng rất dài, cuộc nói chuyện cho thấy như vậy).

NSƯT Phạm Bằng và NSƯT Kim Oanh trong bộ phim hài Tết Chôn Nhời với bối cảnh diễn ra ở tòa nhà thờ ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh Đỗ Doãn Hoàng.
NSƯT Phạm Bằng và NSƯT Kim Oanh trong bộ phim hài Tết Chôn Nhời với bối cảnh diễn ra ở tòa nhà thờ ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh Đỗ Doãn Hoàng. 

Trở lại vấn đề: tôi chỉ lên án các bộ phim, các đạo diễn, các nhà tổ chức sản xuất, các nhà quản lý di tích ứng xử chưa đúng với không gian thờ tự linh thiêng của gia tộc chúng tôi.

Còn với các diễn viên, tôi chỉ tường thuật tương đối chi tiết các hành động trong vai diễn họ làm trước ban thờ nhà tôi. “Thời lượng” tôi nói về các diễn viên cũng không dài (chỉ vài trăm chữ trong bài bốn năm nghìn chữ), họ chỉ là những chi tiết để tôi nói một vấn đề to hơn, là tầm vóc của di tích quốc gia, của di sản quý và linh thiêng, là thái độ tri ân thành kính với tổ tiên, là những gì mà các nhà quản lý cần phải làm để chấn chỉnh phong trào “khai thác du lịch” hiện nay...

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sẵn sàng hầu tòa đến hơi thở cuối cùng ảnh 5

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đừng vu oan cho tôi hỗn với NSƯT Phạm Bằng...

(GDVN) - "Có thể nói cái chiêu vu oan cho tôi bất kính với nghệ sĩ Phạm Bằng là một chiêu độc và hèn" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Giọng tôi chua ngoa, trời sinh ra thế. Một diễn viên đến cơ quan tôi “thưa kiện”, cũng chua ngoa có kém gì đâu, cô “chửi” tôi trên báo, cũng có “kém miếng” tẹo nào đâu. Tôi xin hứa, nếu bạn thích, tôi sẽ đến gặp Tổng giám đốc của bạn và cũng “kêu kiện” bạn y như như bạn đã ‘tố” tôi, vì bạn xúc phạm tôi và nhà thờ, gia tộc của tôi còn to tát gấp 1.000 lần vài cái “tính từ” hơi “đanh đá cá cày” của tôi trên báo.

Tôi xin nhắc lại: tôi có nghe nói ai đó lên facebook bảo định kiện tôi ra tòa, dư luận cũng xôn xao lắm, dù tôi cả đời chưa đọc face lần nào (tôi không “chơi” facebook). Xin thưa, vì vấn đề bảo vệ sự tôn nghiêm nơi thờ cúng, vì anh linh tổ tiên tôi, tôi sẵn sàng hầu tòa đến hơi thở cuối cùng, đến chút danh dự và tài sản cuối cùng.

Mà có thể tôi sẽ kiện các bạn và những người liên quan vì tội báng bổ những người đã khuất của gia tộc tôi trước khi bạn kiện tôi ấy chứ. Bởi vì, các cụ bảo: sống vì mồ vì mả, ai sống vì cả bát cơm. Tôi thật sự không muốn mình là cái thứ vô đạo. Dân tộc ta hầu hết bà con từ nghìn đời vẫn theo cái thứ đạo lớn nhất, ấy là thờ cúng tổ tiên, bạn xin nhớ lấy điều đó nhé.

Tôi xin lỗi độc giả vì đã nói nhiều và nói chua ngoa đến thế, tôi xin hứa sẽ nỗ lực im lặng trước vấn đề kể trên kể từ sau bài trả lời phỏng vấn này. Bởi, cũng như quý vị đáng kính, sau khi bảo vệ được không gian thờ cúng tổ tiên, tôi vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

"Sống vì mồ vì mả, ai sống vì cả bát cơm"

- Quyết định lên tiếng vì làng cổ Đường Lâm đang bị các đoàn làm phim can thiệp thô bạo bởi những cảnh quay dung tục nhưng theo ý kiến nhiều người, nếu giờ cấm đóng phim ở Đường Lâm sẽ thiệt thòi cho ngành du lịch, anh có nghĩ đến điều này không?

Ý kiến của tôi nằm trong câu hỏi của bạn. Chúng ta không thể làm du lịch, dịch vụ theo kiểu sấp mặt nhận lấy những đồng tiền lẻ từ những kẻ dung tục, vô văn hóa được. Nó cũng như cái cơ thể bạn ấy, thà ăn ít đi một tí còn hơn ăn dính rau phun thuốc trừ sâu, thịt thối ướp hóa chất giả làm thịt thơm, đúng không nào?

Đấy là chưa kể đến những sự tổn hại tâm linh của cả một miền đất. Những bi kịch kiểu này đã hơn một lần làm nên sự kiện chưa từng có ở Việt Nam đấy, bạn còn nhớ không? Cách đây vài tháng, dân làng tôi thi nhau viết đơn, ký đơn xin trả lại di tích quốc gia cho nhà nước; trả lại cái danh hiệu và lối làm du lịch ăn xổi đó, để trở về với miền quê yên ấm, cổ kính, tuyệt đẹp, giàu truyền thống, con người hiền hòa yêu thương nhau, tôn trọng liệt tổ liệt tông…

Sau sự kiện đó, cả nước đã phải công nhận đang có rất nhiều những sai lầm trong quản lý di sản ở Đường Lâm. Cơ quan chức năng địa phương đang dần sửa sai, chấn chỉnh để du lịch và bảo tồn ở Đường Lâm đi đúng hướng hơn. Sự kiện đó là câu trả lời khổng lồ và đích đáng nhất rồi.

Và đó là lúc, ta cần nghĩ đến việc làm du lịch gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa một cách lành mạnh, tôn trọng quyền và lợi ích của người dân trong di sản sống đó. Đường Lâm nhà tôi là cái xã duy nhất ở Việt Nam đã sinh ra cho lịch sử dân tộc 2 ông vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Miền đất của chúng tôi là miền đất khoa bảng, các thế hệ con dân nơi này đều hiểu rằng “đói cho sạch, rách cho thơm”. Sống vì mồ vì mả, ai sống vì cả bát cơm.

'Tôi muốn im lặng và im lặng'

'Tôi đã ngăn chặn được các hành vi thiếu văn hóa với không gian linh thiêng ấy của gia tộc. Tôi chỉ cần có thế thôi, không gì nữa cả. Đó là thứ quan trọng nhất với tôi.

Vì thế, tôi rất mong được kết thúc mọi việc ở đây, kẻo tôi và nhiều người đã và đang “tranh luận” chệch hoàn toàn khỏi vấn đề mà loạt bài của tôi hướng đến: Vấn đề bảo tồn và ứng xử với không gian linh thiêng của di sản văn hóa. Vả lại, càng nói lại càng thêm “xấu chàng hổ ai”. Bởi tôi có cảm giác tôi với mọi người bị tôi chỉ trích (và họ chỉ trích tôi nặng không kém) cứ như Tôn Ngộ Không thật và Tôn Ngộ Không giả trong Tây Du Ký ấy: xách nhau đến gặp ông Phật Tổ để hỏi ai đúng ai sai; rồi lại xách nhau đến gặp Bồ Tát, lại lên Thiên Đình để chờ phán xử, ai cũng “miệng (không) cười mắt liếc chua ngoa” cả. Thương lắm!.Càng nói thì càng hiểu rằng im lặng thì tốt hơn. Càng chua ngoa với người thì càng lộ ra là mình chả ra cái gì. Tôi hiểu điều đó. Và tôi hy vọng mình sẽ không phải nói gì, viết gì thêm về chuyện này nữa” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.


Hoàng Anh