Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đừng vu oan cho tôi hỗn với NSƯT Phạm Bằng...

20/08/2014 06:24
Hoàng Anh
(GDVN) - "Có thể nói cái chiêu vu oan cho tôi bất kính với nghệ sĩ Phạm Bằng là một chiêu độc và hèn" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Xung quanh bài báo "Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm" của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, đặc biệt là sau khi các nghệ sĩ bị chỉ trích trong bài báo như NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Kim Oanh lên tiếng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến cả đồng cảm, lên án lẫn thắc mắc tới tòa soạn. Trước những phản hồi của bạn đọc, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tác giả bài báo, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để làm rõ những thắc mắc, nghi ngại của bạn đọc.

"Tôi đã chịu đựng đến 5 năm rồi"

Lý do vì sao mà anh quyết định lên tiếng về việc các nghệ sĩ hài diễn những cảnh “chim chuột”, “sờ soạng”... trước bàn thờ những người đã khuất của dòng họ mình sau khi sự việc diễn ra đã hơn nửa năm?

Quý vị làm ơn đọc lại bài viết đầu tiên của tôi: “Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm” (đã đăng báo Lao Động ngày 9/8/2014). Ở đó tôi nói rõ: Bao năm qua, biết bao phim hài ở dạng hễ con tôi xem là ông nó (bố tôi) tắt bỏ màn hình. Bố tôi ngồi buồn như một pho tượng, bởi phim ấy được đóng ở nhà thờ nhà tôi.

Các chú, các bác tôi không “dám nói” như tôi, nên cũng chỉ ngậm ngùi chửi đổng cho bõ tức. Tôi bận việc, lúc tôi vô tình xem thấy những bộ phim ấy, thì đã là lúc trẻ hàng xóm ầm ĩ bắt chước phim mất rồi, cả gia tộc nhà tôi buồn bã. Nhưng sự đã rồi, tôi ngậm ngùi bỏ qua. Tôi đã chịu đựng đến 5 năm rồi, vạch áo cho người xem lưng có hay ho gì, một đời “kiện” chín đời thù, thôi thì nhịn tí cho nó lành.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Nhưng, đến hôm 6/8/2014 vừa rồi, tôi về quê, thì thấy ầm ĩ như có đám nổi loạn, hóa ra chuyện bắt “ăn ba bát cứt chó cấm được ọe” đang được nghệ sỹ Quốc Anh và rất rất đông người diễn.

Dòng chữ Nho “Hanh Lợi” trong sách của Khổng Tử được đắp trang trọng trên cổng nhà thờ, trang trọng đến mức ông tôi có 2 vợ và rất nhiều con, ai làm nhà ở đâu cũng đắp chữ ấy ở cổng hoặc trong nhà mới của mình để nhớ truyền thống.

Chữ ấy, cổng ấy có chú cán bộ làm phim mặc quần cộc ngồi chỏm chòe trên nóc. Trong nhà rầm rĩ đài loa “ăn ba bát cứt chó”. Tôi rất buồn và quyết định lấy điện thoại ra quay lại hoạt cảnh kinh khủng đó, rồi tôi nhớ đến những vụ kiểu như phim “Chôn Nhời”, “Thầy Dởm”… và tôi viết thành bài, chỉ với mong muốn chấm dứt tình trạng đó, chứ không thù oán gì ai.

Bởi đó là di tích đã được xếp hạng quốc gia, quan trọng lắm, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm, các trí thức/ người nổi tiếng/ người làm văn hóa đến với di tích phải tự có trách nhiệm nữa, đừng đổ hết tất cả lên đầu những người nông dân đang cầm chìa khóa đóng mở cánh cổng cho di tích.

Tôi nói vậy không phải vì tôi sợ ai đó hay thanh minh gì đó. Đơn giản đó là sự thật. Tôi cũng không muốn đôi co với NSƯT Kim Oanh, bởi cãi nhau bây giờ là đi chệch hướng mục tiêu loạt bài của tôi.

Tôi viết gần 5000 chữ, chỉ có vài chữ nhắc đến các nghệ sỹ, họ chỉ là những chi tiết trong những bài viết đề cập đến vấn đề văn hóa ứng xử với di sản quốc gia lớn hơn rất nhiều.

Nói thẳng ra, mục đích giữ gìn sự linh thiêng cho không gian cổ kính, tính đến lúc này, tôi đã đạt được rồi (cơ quan chức năng đã, đang vào cuộc ngăn chặn triệt để, ra quy chế quản lý chặt chẽ). Tôi không cần gì nữa. Không muốn tranh cãi nữa. Còn ai muốn tranh cãi thì tôi cũng sẵn lòng.

Sau khi anh lên tiếng, nghệ sĩ Phạm Bằng đã ngay lập tức phủ nhận rằng không có cảnh sờ soạng trước bàn thờ người đã khuất, diễn viên Quốc Anh thì cho rằng việc lời thoại bị anh cho là tục tĩu đã được kiểm duyệt và dựa theo những cốt truyện dân gian... nên những lời lên án của anh là vì không am hiểu nghệ thuật, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ rằng hoặc là ông Phạm Bằng đã nhầm. 100% là cụ Bằng đã nhầm.

NSƯT Phạm Bằng và NSƯT Kim Oanh trong bộ phim hài Tết Chôn Nhời với bối cảnh diễn ra ở tòa nhà thờ ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh Đỗ Doãn Hoàng.
NSƯT Phạm Bằng và NSƯT Kim Oanh trong bộ phim hài Tết Chôn Nhời với bối cảnh diễn ra ở tòa nhà thờ ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh Đỗ Doãn Hoàng.

Bức ảnh và các clip đều có thấy cảnh “sờ soạng” diễn ra trước ban thờ, cả 2 ban thờ hẳn hoi. Đây là điều mà trẻ lên 3 cũng có thể nhìn thấy. Cho phép tôi không tranh luận, không đôi co nữa.

Còn về phía nghệ sĩ Quốc Anh, trước sau tôi vẫn giữ quan điểm như tôi đã viết trên báo Lao động: Bộ phim ấy hay ở đâu thì tôi không biết, nó được duyệt hay chưa tôi không quan tâm, nó dựa trên văn hóa hay sự ít văn hóa tôi cũng không quan tâm, tôi chỉ quan tâm: Tất cả những cảnh ấy diễn ra trước ban thờ nhà tôi là điều không thể chấp nhận được, là điều không thể không lên án. Và tôi đã lên án, tôi chưa bao giờ cảm thấy ân hận vì mình đã đứng ra bảo vệ tổ tiên mình.

Còn về chuyện kịch bản đã được duyệt như nghệ sĩ Quốc Anh nói, tôi miễn bình luận. Bởi vì, trong toàn bộ các bài viết của mình, tôi không hề nói kịch bản của các phim chưa được duyệt; cũng như tôi không nói nó được viết dựa trên cái dân gian hay không dân gian.

Đó là việc của người ta. Còn việc tôi am hiểu nghệ thuật hay không như đánh giá của ông Quốc Anh, thì tôi cũng chả đôi co cho mệt người. Vì đơn giản là: tôi có văn hóa hay không, chắc chắn không cần đến sự thừa nhận hay không thừa nhận của ông Quốc Anh hay vài người đang bị tôi chỉ trích kia. Khôn nó dồn ra mặt. Có ai tự túm tóc lôi mình lên cao được đâu nhỉ?.

Vu oan cho tôi hỗn với NSƯT Phạm Bằng là chiêu độc và hèn

Còn diễn viên Kim Oanh thì cho rằng việc anh dùng tên diễn viên để “chửi” họ sàm sỡ nhau, nói bậy là không đúng (mà phải sử dụng tên nhân vật và chú thích tên diễn viên bên cạnh thì mới chuẩn xác). Và việc anh phê phán dàn diễn viên trong đó có những người lớn tuổi như Phạm Bằng cũng bị cho là “không kính trên nhường dưới”...?

Ý hỏi thứ nhất: Hôm nào tôi xin phép gặp diễn viên Kim Oanh để cô dạy cho tôi cách viết báo cho chuẩn xác. Hoặc cô ấy dạy tôi cách làm báo thì càng tốt. Cái tôi quan tâm ở đây là sàm sỡ hay không sàm sỡ, nói bậy hay không nói bậy, trước ban thờ hay không trước ban thờ. Câu trả lời như thế nào thì mọi người đã rõ hoặc nếu chưa nói rõ thì xem lại clip, tôi không nói lại nữa.

Ý hỏi thứ hai: Tôi không hiểu ý câu hỏi này là thế nào. Song, cơ bản quan điểm của tôi như sau: đã là phê phán thì việc phê phán người lớn tuổi hay bé tuổi cũng không ngoài mong muốn tìm chân lý và chấn chỉnh cho xã hội nó tốt đẹp hơn. Ở chuyện phê phán, thì sao lại có chuyện “kính trên nhường dưới” ở đây, ai cũng có thể sai, chân lý chỉ có một, không thể nào đem “nhường” cho ai được.

Nếu đã sai thì già trẻ đều có thể sai chứ. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định: Tôi rất kính trọng NSƯT Phạm Bằng, cách “góp ý” của tôi rất “nhã” đấy chứ nhỉ. Mọi người có thể đọc lại trong bài viết thứ 2 của tôi đăng trên báo Lao động và Dân trí. Ở đó, tôi đã gọi ông Phạm Bằng là “lão nghệ sĩ đáng kính”, rồi “NSƯT Phạm Bằng” một cách rất lễ phép.

Tất cả mọi người có thể kiểm chứng điều này chứ đừng một ai nhẹ dạ tin lời kẻ nào đó mồm loa mép dải đang la làng ăn vạ rồi vu oan cho tôi “hỗn”. Có thể nói cái chiêu vu oan cho tôi bất kính với nghệ sĩ Phạm Bằng là một chiêu độc và hèn.

NSƯT Kim Oanh và NSƯT Phạm Bằng
NSƯT Kim Oanh và NSƯT Phạm Bằng

"Đố vị nào dám đưa phim dâm tục vào nhà cổ một lần nữa"

Sau khi đọc bài viết của anh, các nghệ sĩ đều cho rằng họ đến Đường Lâm quay vì đã được sự cho phép của cơ quan chính quyền, của những người họ hàng trong gia tộc anh nên việc gia đình anh không đồng nhất ý kiến với nhau đó không phải là lỗi của họ. Thậm chí họ còn cho biết khi đóng phim ở Đường Lâm, chủ nhà còn nấu cơm mời họ ăn?

Nấu cơm cho họ ăn, là vì họ bỏ tiền ra, người ta có cả đội nấu cơm phục vụ mà. Bỏ tiền ra thì cũng lành mạnh thôi, nhưng đừng nói thác đi là họ quý mến, họ mời ăn cơm khách; đặc biệt, không nên nghĩ theo lối “bỏ tiền mua mâm thì đâm cho thủng?”. Tức là muốn làm gì thì làm sau khi “thuê được địa điểm” là một cái nhà thờ!

Thứ nhất, về việc cho phép của chính quyền, tôi xin mượn lời ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) để trả lời. Ông Sơn đã khảng khái hứa với tôi (nhà báo) sau khi đọc bài “Xin hãy tử tế…” (Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng trong bài trước nên tôi không dẫn lại), như sau: Sẽ đưa ra họp Ban chỉ đạo làng cổ Đường Lâm và giải quyết dứt điểm chuyện này”. Cơ quan chức năng khẳng định như vậy, quý vị có tin lời họ không, hay tin lời các diễn viên đang cố tìm cách thanh minh kia?

Ông Sơn nói vậy và cơ quan hữu trách ra tay chấn chỉnh là vì sao? Là bởi vì quý vị đang làm sai, làm uế tạp chốn linh thiêng ở một di tích quốc gia, người ta mới chấn chỉnh chứ. Tôi đố vị nào đem những phim dâm tục vào nhà cổ ấy quay được một lần nữa đấy!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (trái) trong một cuộc họp báo.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (trái) trong một cuộc họp báo.

Thứ hai, khi các nghệ sĩ nói rằng vì đã được sự đồng ý của người quản lý nhà cổ thì họ muốn diễn gì thì diễn, tôi xin trả lời như sau:

Người quản lý nhà thờ chúng tôi, có thể họ thiếu hiểu biết hoặc họ chưa được xem kỹ kịch bản trước hoặc không giám sát đầy đủ nên họ dại dột để cho quý vị vào diễn như vậy (ví dụ thế).

Nhưng ngay cả khi họ bị điếc hay bị câm mà làm điều lú lẫn, thì các NSƯT, các cán bộ làm ở cơ quan quan trọng, các người nổi tiếng ơi, quý vị cũng phải biết chỗ cụ kỵ ông bà nhà tôi đang ngồi dòm xuống kia nó là cái ban thờ chứ. Vì quý vị là người tai thính mắt tinh cơ mà. Vài người là NSƯT; lại còn làm ở cơ quan báo chí truyền hình lớn nhất nước Việt Nam cơ mà.

Đời thuở nhà ai các nghệ sỹ lại đi lên báo thanh minh rằng: cái nhà ấy được bên tổ chức sản xuất liên hệ với người quản lý rồi nhé, đồng ý cho diễn thì các diễn viên cứ việc diễn thôi. Ô hay, thế trời sinh ra con người với nhận thức, học thức, văn hóa để làm gì?

Tôi đã gặp và kính trọng rất nhiều diễn viên biết từ chối kịch bản, từ chối vai diễn, hoặc đến chỗ dâm tục quá thì yêu cầu có diễn viên đóng thế. Họ bảo vệ thanh danh, đạo đức nghề nghiệp của mình. Ấy là vì trời sinh ra họ có nhận thức, học thức và văn hóa. Làm như thế, phải chăng là chưa đúng cái “đạo nghĩa làm người” như lời của ông Bí thư Nguyễn Sự khả kính đã nói ở bài viết trước đấy ạ. (Tôi chỉ bàn luận vậy thôi, không ám chỉ ai cả,  kẻo lại rách chuyện).

Để trả lời rõ hơn câu hỏi với vấn đề cốt lõi mà các diễn viên đều vin vào đó để… phủ nhận một phần trách nhiệm của mình này, tôi xin được trích thư của nhà văn nổi tiếng Sương Nguyệt Minh (Đại tá quân đội, đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, người đã vinh dự nhận Giải thưởng Đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam với cuốn “Dị Hương”) vừa gửi tôi nhân dịp anh lo lắng cho không gian nhà cổ, làng cổ bị xâm hại, như sau (trích nguyên văn, đã xin phép nhà văn Sương Nguyệt Minh để trích in trên Báo Giáo dục Việt Nam): “Trong vụ việc này, người nghệ sĩ nói: "Nếu gia chủ không có ý kiến gì tức là đã đồng ý để đoàn phim sử dụng và cho lên hình toàn bộ những gì trong bối cảnh. Vì vậy trong trường hợp này rõ ràng ở đây đã được sự chấp thuận của gia chủ".

Tôi nghĩ:  Một là, những nghệ sĩ (lại là Nghệ sĩ Ưu tú) thì phải biết từ chối có văn hóa. Nghệ sĩ Trà Giang, Thế Anh..., và trẻ như Hồng Ánh cũng nhiều lần từ chối kịch bản phim truyền hình vì không hợp kịch bản, nếu nhận lời sẽ phải diễn (đóng) những cảnh quay rẻ tiền. Tốt nhất là từ chối đạo diễn cho... lành.

Hai là, trong sự việc này, gia chủ là người đáng trách đầu tiên, có lỗi đầu tiên; gia đình có cho các nghệ sĩ vào nhà mình diễn thì họ mới vào diễn và quay phim chứ. Lỗi của gia chủ nữa là không biết, không kiểm soát được tình hình diễn ra trong nhà mình hay hay dở, tốt hay xấu...

Nhưng, gia chủ có thể đơn giản, có thể ít học, có thể hiểu lễ nghĩa chưa thấu đáo, còn đã là nghệ sĩ (đạo diễn, diễn viên) thì phải biết "suy nghĩ trên luống cày của họ", phải nghĩ cao hơn, sâu sắc hơn người nông dân - gia chủ.

Giả sử gia chủ ít hiểu biết mà cho phép nghệ sĩ làm những điều vô văn hóa, thì bằng nhạy cảm văn hóa người nghệ sĩ sẽ từ chối không làm, thậm chí còn khuyên gia chủ không nên ứng xử với bàn thờ tổ tiên họ như thế. Người nghệ sĩ có bản lĩnh văn hóa, độ dày văn hóa thì trong tư duy sáng tạo và tình cảm đã thường trực trong con người nghệ thuật sẽ không bao giờ chọn cảnh, đạo cụ... hoặc diễn ở những nơi linh thiêng như thế. Còn lý sự "đã được sự chấp thuận của gia chủ" chỉ là lối nói của bị cáo "cãi lý" trước tòa án hành chính. Trước tòa án lương tâm, mà người nghệ sĩ biện hộ như thế thì “bó tay”.

Trong thư gửi tôi, nhà văn Sương Nguyệt Minh viết tiếp. Tôi rất muốn mượn lời anh để thay cho câu trả lời của tôi:

"Diễn viên ấy đã nói thêm nếu cô có nhà cổ như vậy mà đoàn làm phim ngỏ ý muốn quay thì dù có trả bao nhiêu tiền cô cũng không cho vào". Thế là đã rõ. Nếu nhà cổ của mình thì "dù có trả bao nhiêu tiền cô cũng không cho vào", nhưng nhà của người khác thì cô cứ ngang nhiên muốn làm gì thì làm sao?

Cái cách "sống chết mặc bay...", "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại"... tiểu nông vô cảm trong tư duy, và tâm hồn người Nghệ sĩ Ưu tú thế này thì nhà báo Đỗ Doãn Hoàng còn đôi co làm gì nữa. Vụ việc này, nên đưa ra tòa, hoặc đề nghị lập Hội đồng Nghệ thuật thẩm định sản phẩm “nghệ thuật” ấy xem có tiếp tục lưu hành hay không? Và đạo diễn, diễn viên có tội lỗi hay không?

Vấn đề nữa: chính quyền xã, thôn và ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng có lỗi. Làm chức năng quản lý, không thể cấp giấy phép rồi thả nổi ai muốn diễn, muốn quay phim thế nào cũng không biết. “Tái ông mất ngựa”, dù sao không gian văn hóa tâm linh linh thiêng của gia tộc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng bị xâm phạm, nhưng bài báo của ông sẽ như tiếng chuông cảnh báo cho làng cổ Đường Lâm và các vùng di sản văn hóa khác thận trọng khi sử dụng di sản vào mục đích thương mại”.

(còn nữa)

Hoàng Anh