100% ông đồ không hiểu nghĩa chữ Hán: Khách du Xuân có nên mua chữ?

09/02/2015 09:27
Quốc Khánh
(GDVN) - Khi cả người bán chữ và người mua chữ đều không biết chữ thì việc bỏ hẳn tục cho chữ Hán là một giải pháp cần được tính tới.

100% ông đồ “thi trượt” trong kỳ sát hạch của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến chúng ta giật mình. Nhiều người lo lắng tự hỏi: Liệu những chữ mình đã xin có được… viết đúng? Cái sự “trượt” của những người cho chữ đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.

Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều người vẫn giữ thói quen đi xin chữ vào dịp đầu năm để cầu những điều tốt đẹp cho năm mới. Nói là “xin” nhưng thực chất là mua bởi người chơi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để có được chữ của ông đồ. Chữ của ông đồ luôn được gia chủ bày biện ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đôi khi, chữ đó trở thành một trong những điểm nhấn tạo nên sự trang trọng của gia chủ. Nhưng đó là chữ “thật” hay chữ “giả”? ... dường như hầu hết người mua không thể thẩm định được.

Tục xin chữ đầu năm đâng bị thương mại hóa.
Tục xin chữ đầu năm đâng bị thương mại hóa.

Chính vì vậy, nhiều người sẽ giật mình khi biết được rằng: Đa số các ông đồ “cho chữ” ngay tại Hồ Văn của Văn miếu Quốc Tử Giám cũng đọc chưa thông, viết chưa thạo!

Trong kỳ thi sát hạch lần 1 vào 2/1/2015, có đến 70% ông đồ viết chữ quốc ngữ, 89% ông đồ viết chữ Hán… thi trượt. Ngày 5/2 vừa qua, đợt thi sát hạch lần 2 diễn cũng chỉ có 36/71 ông đồ đạt yêu cầu. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Ánh (thành viên Ban giám khảo) không ít những người thi đỗ ở dạng “cố vớt” bởi 100% thầy đồ viết chữ Hán đều…viết sai và không hiểu nghĩa của các câu đối!

Với kết quả khảo sát này, chắc chắn rằng rất nhiều người đã mua phải chữ giả. Đây rõ ràng là một hành động lừa đảo đáng bị lên án.

Sự yếu kém của đội ngũ “ông đồ” này đặt ra nhiều vấn đề cần bàn về chuyện xin và cho chữ trong thời đại ngày nay.

Một thực tế là, đa số người xin chữ Hán về treo đều không biết chữ và nghĩa của nó. Chính vì vậy, họ không thể biết chữ mình mua được là đúng hay sai, xấu hay đẹp, thanh hay bần. 

Việc không ít người xin chữ nhưng “mù chữ” là điều kiện thuận lợi để những “ông đồ” không biết chữ mặc nhiên đi bán chữ kiếm tiền! Thương mại hóa việc cho chữ đã bóp méo thú chơi tao nhã của cha ông ta vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Khi cả ông đồ và người chơi chữ đều… không biết chữ thì liệu có nên tiếp tục phát triển thú chơi tao nhã này như hiện nay? Việc cố gắng chơi chữ Hán, chữ Nôm trong khi không có một chút kiến thức nào về nó có phải là cách của “trưởng giả học làm sang”?

Việc “cố vớt” cho những ông đồ “đọc chưa thông, viết chưa thạo” đi bán chữ có phải là cách tiếp tay cho hành động gian dối của họ? Bởi chẳng ai có thể chắc chắn các ông đồ được “cố vớt” khi không viết sai chữ cho người khác!

Cố gắng duy trì những người cho (bán) chữ Hán, Nôm (nhưng không biết chữ hoặc không hiểu nghĩa) là việc làm có phần thừa thãi. Bởi khi cả người bán chữ và người mua chữ đều không biết chữ thì việc dẹp bỏ hẳn tục cho chữ Hán, Nôm là một giải pháp cần được tính tới.

Chúng ta nên đẩy mạnh việc viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời, người chơi chữ cũng nên cân nhắc đến việc chọn mua các bức thư pháp bằng chữ Quốc ngữ về treo trong nhà. Bởi ít ra, chúng ta cũng có thể thẩm định được chữ đó đúng hay sai!

Quốc Khánh