Nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển

24/02/2015 10:15
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp...

Tôi là sinh viên theo chế độ cử tuyển tại một trường đại học công lập. Đề nghị Phòng tư vấn Pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi tốt nghiệp, tôi có phải tuân theo sự phân công công tác của cơ quan cử đi học hay không?

Nguyễn Văn Đức

Theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi là Nghị định số 134/2006/NĐ-CP) thì: Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển như sau: Người học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây: a) Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp; b) Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công; c) Phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo theo mức quy định tại Điều 13 Nghị định này nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Các trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo được quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2005/NĐ-CP bao gồm: 1. Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận. 2. Người không chấp hành sự phân công công tác theo quy định tại Nghị định này sau khi tốt nghiệp. 3. Người có thời gian làm việc dưới 60 tháng (đối với người học trình độ đại học, cao đẳng) và dưới 36 tháng (đối với người học trình độ trung cấp) theo sự phân công công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 4. Người bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin ông đã cung cấp, ông là sinh viên theo chế độ cử tuyển tại một trường đại học công lập, do đó, ông có nghĩa vụ  phải chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp và các nghĩa vụ khác như đã trích dẫn ở trên. Trường hợp không chấp hành sự phân công công tác theo quy định, ông phải bồi hoàn học bồng và chi phí đào tạo được đài thọ trong quá trình học tập. Mức bồi hoàn và cách tính mức bồi hoàn học bồng, chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 134/2006/NĐ-CP.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0913559944

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe

TS.LS Vũ Thái Hà