Đánh cược với tính mạng để xem bóng đá ở Afghanistan

17/05/2013 08:18
Theo Thanh Bình/Bóng đá +
Bạn đừng nghĩ nơi nào bóng đá cũng gắn liền với bầu không khí hò reo lễ hội, thảm cỏ xanh mượt cùng những góc quay đẹp nhất được tường thuật trực tiếp. Ở Afghanistan, giải vô địch quốc gia phải diễn ra trong bối cảnh của chiến tranh, nghèo đói và tham nhũng.
Trận chung kết lịch sử của giải VĐQG Afghanistan
Trận chung kết lịch sử của giải VĐQG Afghanistan.

Cuối cùng, giải đấu cũng khai sinh

Trận đấu đã trôi qua được 20 phút và tỷ số nghiêng về Toofan Harirod. Trên khán đài, các CĐV mặc áo đấu của Man United hay Real Madrid bên ngoài trang phục kín mít truyền thống, la hét theo từng pha chạm bóng của các cầu thủ trên sân.

Đấy là bối cảnh của trận chung kết đầu tiên giải VĐQG Afghanistan, một trong những giải đấu lạ lùng và nguy hiểm nhất thế giới. Hơn 5.000 CĐV có mặt trong trận đấu nêu trên đã phải đánh cược với mạng sống, đã cố vượt qua vùng kiểm soát của nhóm nổi loạn, vượt qua luôn những rào chắn của quân đội để được đến xem và cổ vũ đội bóng của mình.

Trên khắp quốc gia này, nhiều CĐV túm tụm trước màn hình tivi được chạy bởi nguồn là ắc quy xe hơi hoặc máy phát điện từ thời Liên Xô để xem trận đấu. Giải VĐQG Roshan Afghanistan (Roshan là tập đoàn viễn thông lớn mà ông trùm Murdoch có cổ phần là nhà tài trợ chính cho giải đấu) đã chiếm trọn trái tim và sự quan tâm của hàng triệu người dân đất nước này.

Để có trận chung kết ấy, Afghanistan đã trải qua một hành trình rất dài. Đấy là một quốc gia có chiến tranh liên miên suốt hơn 100 năm qua, đầu tiên là với người Anh, rồi Liên Xô và bây giờ là lực lượng Taliban.

Năm 2001, tổ chức quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu đã đến đây truy tìm trùm khủng bố Osasma Bin Laden sau cuộc tấn công 11/9/2001 chấn động toàn cầu. Nhân tiện họ... cắt luôn nguồn điện trên toàn đất nước. Suốt một thập kỷ sau đó, chính quyền Afghanistan cùng với Liên minh NATO, liên tục chiến đấu với các binh lính Taliban.

Vì thế, khi giải VĐQG được khai sinh, đấy thật sự là món quà cho tất cả. Mặc kệ cho lực lượng Taliban đe dọa sẽ ngăn chặn và phá hoại, việc giải đấu được các kênh truyền hình đồng ý phát sóng là một điềm lành.

Các CĐV đã phải vượt qua nhiều thử thách để tham dự
Các CĐV đã phải vượt qua nhiều thử thách để tham dự.

Tuyển cầu thủ theo kịch bản X-Factor

Ở một quốc gia mà chiến sự liên miên như Afghanistan, nguồn cầu thủ tất nhiên là một vấn đề lớn. Thế là một cuộc tuyển lựa cầu thủ trên quy mô cả nước đã diễn ra, y như chương trình tuyển lựa tài năng X-Factor nổi tiếng ở Anh vậy.

Hàng nghìn cầu thủ đã đến ghi danh để được thi thố tài năng trên những mặt sân tạm bợ. Ở 8 vùng khác nhau trên toàn lãnh thổ, những cựu tuyển thủ quốc gia đóng vai trò như giám khảo và giảm bớt các thí sinh xuống còn 30, trước khi gút lại đội hình 18 người đi dự giải.

Đầu tháng 9/2012, đã có 8 đội đại diện cho 8 vùng ở khắp quốc gia đổ về thủ đô Kabul cho cuộc tranh tài. 8 đội này chia thành 2 bảng nhỏ, mỗi bảng lấy 2 đội vào đá bán kết. Tất cả các đội dự giải đều được bố trí cho ở tại khách sạn Roshan, sự sang trọng hiếm thấy dành cho các cầu thủ.

Giải VĐQG Afghanistan chính là sự kiện giải trí lớn nhất mà quốc gia này từng chứng kiến. Những chính trị gia địa phương, các thương nhân và những người có địa vị xã hội khác mau chóng bị cuốn hút và thể hiện sự ủng hộ cho đội bóng địa phương mình.

Lalai Hamidzai, từng là lính bảo vệ biên giới và giờ là một thành viên trong Quốc hội đã ủng hộ 5.000 USD cho đội Maiwand Atalan. Tất nhiên là không phải đội nào cũng may mắn có nhà tài trợ. Tiền đạo Nadim của đội Simorgh Alborz nói: "Chúng tôi phải bỏ tiền túi để được chơi bóng đá. Không có bất kỳ lời hứa hẹn nào về tài chính".

Sự kỳ diệu trong hoàn cảnh nghiệt ngã

Dù nghèo nhưng Simorgh Alborz vẫn vào chung kết, gặp đối thủ Tofan Harirod. Trong khi còn đang ăn mừng chiến thắng tại bán kết, Alborz đã phải nhận một tin sét đánh: ngày 17/10/2012, một ngày trước trận chung kết, chiếc xe bus chở CĐV nhà đến thủ đô dự trận chung kết đã va vào một chiếc xe bồn chở dầu, giết chết hàng chục mạng người.

HLV Fahim nhớ lại: "Chúng tôi gần như suy sụp. Nhiều bạn bè và gia đình của cầu thủ đang trên chiếc xe đó. Không một ai trong chúng tôi có thể ngủ được đêm trước trận chung kết". Các quan chức trong Liên đoàn và Chính phủ đã đề nghị hoãn trận chung kết. Nhưng Alborz vẫn quyết định vào sân để đá vì những CĐV khác đã đến thủ đô.

Trên khán đài, cánh đàn ông nói với nhau họ đã suýt chết thế nào khi vượt qua những hàng rào an ninh để có mặt trong "ngày lịch sử", phụ nữ thì tiếp tục kín đáo và thận trọng trong bộ trang phục truyền thống. Cách sân vài chục mét, binh lính được vũ trang canh chừng cho sân được an toàn trong thời gian diễn ra trận đấu.

Nhưng khoảng thời gian đen tối ấy đã qua và bóng đá đã phần nào trở lại với bản chất công bằng nguyên thủy của nó. Tiếng còi cũng đã vang lên, các cầu thủ và CĐV bắt đầu 90 phút phiêu lưu. Tất cả tạm quên đi tham nhũng, chiến tranh, bom đạn dù ngoài kia, một tiếng nổ có thể vang lên bất kỳ lúc nào. Câu chuyện bóng đá tại Afghanistan vừa kể một lần nữa cho chúng ta thấy môn thể thao vua có sức mạnh kỳ diệu đến như thế nào.

Liều mạng làm trọng tài

Trọng tài Hamidullah Yousufzai suýt nữa đã là cầu thủ đá trận chung kết, nhưng vì hôm tuyển lựa cầu thủ, anh không thể tham dự vì hôm đó ông bố qua đời. Thế nên anh đành liều mạng xung phong làm... trọng tài. Cần biết, trong quá khứ, trọng tài là một nghề nguy hiểm vì họ có thể bị bỏ tù nếu thổi không đúng ý chính quyền Taliban.

Theo Thanh Bình/Bóng đá +