Bình luận: Khi phòng thủ 'dựng xe buýt' cũng là nghệ thuật

18/03/2013 12:40
Trần Long
(GDVN) - Tâm lý học có khái niệm "phản xạ có điều kiện". Nếu anh quá nguy hiểm đối với tôi, tôi phải tìm cách đề phòng và ngăn chặn anh. Bóng đá cũng như thế.
Trong thể thao đồng đội, có cả tá loại chiến thuật phòng ngự tồn tại với mục đích tối thượng là ngăn chặn đối phương ghi điểm. Cái điều mấu chốt của những chiến thuật ấy, đó là nó phải huy động sức lực và trí tuệ một cách hiệu quả nhất, và không phạm luật.
“Dựng xe bus”, theo cách nói bắt nguồn từ người Anh, là một trong những chiến thuật như thế.
Đến với thể thao, nhiều người có mong muốn được xem những tình huống đẹp mắt, quyến rũ… và khó chấp nhận những trận đấu nhàm chán chỉ vì không bên nào có thể ghi điểm được. Vì lý do đó, giá trị của những chiến thuật phòng ngự thường không được thấu hiểu một cách đầy đủ.

David Silva một mình trong vòng vây của các cầu thủ Italia, trận đấu vòng bảng EURO 2012 giữa Italia và Tây Ban Nha
David Silva một mình trong vòng vây của các cầu thủ Italia, trận đấu vòng bảng EURO 2012 giữa Italia và Tây Ban Nha

Tỉ dụ như Catenaccio. Chiến thuật này không phải ai cũng thích vì nó dẫn tới những trận đấu ít bàn thắng và đôi khi là những pha bóng bạo lực. Nhưng nó có cả một lịch sử của riêng mình để ta phải tôn trọng.
Vì Catenaccio mà vị trí Libero đã được phát minh, và vì Catenaccio mà người ta bắt đầu có khái niệm “phản công” trong bóng đá. Khi Catenaccio có nguy cơ lỗi thời vì bị “Bóng đá tổng lực” của Hà Lan khắc chế, Enzo Bearzot lại sáng tạo ra “Zona Mista”, kết hợp phòng ngự khu vực vào Catenaccio truyền thống. Và khi Libero lẫn kiểu người-kèm-người không còn tồn tại, người Italia lại đưa khái niệm “extra man” vào Catenaccio.
Như vậy, có thể nói Catenaccio là một ví dụ điển hình của sự huy động sức lực trên sân (của cầu thủ) lẫn trí tuệ ngoài sân (của huấn luyện viên) theo cách hiệu quả nhất. Như vậy thì “dựng xe buýt” cũng có khác gì đâu.
Bóng rổ cũng có “xe buýt”
Xin hãy nhìn sang một môn thể thao khác là bóng rổ, và bạn sẽ thấy rằng môn thể thao ấy cũng có những kiểu phòng ngự đặc biệt và bị khán giả chê là phản cảm. 
“Jordan Rules” của cố HLV Chuck Daly là một ví dụ. Nửa cuối thập kỷ 1980, Michael Jordan là chuyên gia ghi điểm số 1 của NBA, tới mức Jordan có thể ghi tới 69 điểm trước Boston Celtics, đội có hàng phòng ngự tốt nhất NBA trong thập niên ấy. Khi mà Jordan đã trở thành một mối đe dọa quá lớn, người ta phải nghĩ cách ngăn chặn anh giống như chế thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn, và thế là “Jordan Rules” ra đời.
Detroit Pistons của Chuck Daly được giới truyền thông Mỹ đặt cho cái biệt hiệu “The Bad Boys” vì lối chơi phòng ngự rắn, thậm chí đôi lúc tiểu xảo. Và “Jordan Rules” chỉ càng khiến cái biệt hiệu đó trở nên nổi tiếng hơn. Chuck Daly khi còn sống đã từng mô tả chiến thuật này như sau:
“Nếu Michael (Jordan) cầm bóng và bước sang phần sân chúng tôi, chúng tôi bắt anh ta phải sang trái và sẽ có 2 người áp vào Michael. Nếu anh ta đang ở cánh trái, 2 người của chúng tôi lập tức ập vào để chặn không cho anh ta ném. Nếu anh ta đang ở cánh phải, chúng tôi từ từ áp vào kèm anh ta”.
“Dù trong trường hợp nào, anh ta cũng có thể ghi điểm từ cả 2 cánh. Anh ta thậm chí có thể đe dọa chúng tôi từ quầy bán xúc xích. Điều chúng tôi muốn làm là giới hạn tầm nhìn của anh ta khi ném rổ. Trong trường hợp anh ta xông vào gần rổ, 2 cầu thủ cao to của tôi sẽ chắn trước rổ không cho anh ta tiến thêm bước nào nữa”.
“Một điều nữa, bất cứ khi nào anh ta vượt qua một cầu thủ của tôi, cầu thủ đó phải cố ý ghìm anh ta lại. Nếu anh ta dùng màn chắn (screen), cầu thủ bị chắn của tôi phải tìm cách ghìm người anh ta để đồng đội có thời gian chạy ra chặn đường chạy vào rổ của Michael. Chúng tôi không muốn chơi bẩn - tôi biết một số người nghĩ về chúng tôi như vậy - nhưng chúng tôi phải va chạm và phải chơi rắn để thắng”.
“Jordan Rules” đã giúp Detroit Pistons đánh bại Chicago Bulls của Michael Jordan trong các serie NBA Play-off vào năm 1988, 1989 và 1990, trong đó 2 năm 1989 và 1990 Detroit Pistons đã giành chức vô địch NBA. Cuối cùng, “Jordan Rules” chỉ bị hóa giải vào năm 1991 khi Chicago Bulls sử dụng chiến thuật “Tam giác tấn công”, và cũng trong năm đó họ vô địch.

Jordan Rules: Nếu Michael Jordan (áo đỏ) đột phá vào gần bảng rổ, các cầu thủ Detroit Pistons sẽ lập tức chắn trước rổ để chặn Jordan ghi điểm
Jordan Rules: Nếu Michael Jordan (áo đỏ) đột phá vào gần bảng rổ, các cầu thủ Detroit Pistons sẽ lập tức chắn trước rổ để chặn Jordan ghi điểm

Lý do “Jordan Rules” bị phần đông khán giả Mỹ chê bai, không chỉ vì tính chất quyết liệt của nó, mà còn bởi vì nó ngăn chặn Michael Jordan - cầu thủ được yêu thích nhất trong thời đại ấy - ghi điểm.
Vâng, khán giả chê bai một chiến thuật phòng ngự, chỉ vì nó khiến cầu thủ và đội bóng mà họ yêu thích không ghi được bàn thắng. Có ai thấy điều này quen quen không?
Lời kết
Khán giả có quyền khen chê một chiến thuật bóng đá, bởi họ là người trả tiền để xem. Nhưng thể thao khác với xiếc. Nếu xiếc là nghệ thuật sắp đặt, thể thao là nghệ thuật cạnh tranh. Xiếc có thể đẹp mắt nhờ vào sự xếp đặt, nhưng thể thao thì không thể xếp đặt được. 

Bức biếm họa hay nhất của họa sĩ Omar Momani: Lionel Messi mắm môi mắm lợi sút về phía cầu môn Chelsea nhưng bị một chiếc xe bus to đùng chắn đường
Bức biếm họa hay nhất của họa sĩ Omar Momani: Lionel Messi mắm môi mắm lợi sút về phía cầu môn Chelsea nhưng bị một chiếc xe bus to đùng chắn đường

Tôi sẽ không đời nào mở toang hoác khung thành ra cho anh ghi bàn chỉ để phục vụ cho sự thỏa mãn giải trí của một số khán giả, và anh cũng sẽ làm điều tương tự đối với tôi. Anh nghĩ ra chiến thuật tấn công? Tôi sẽ nghĩ ra chiến thuật phòng ngự.

Cái đó tâm lý học gọi là phản xạ có điều kiện, ví như một đứa trẻ lần đầu đi tiêm phòng thì cười nói vui vẻ, lần thứ 2 đi tiêm bắt đầu sợ hãi, và tới lần thứ 3 thì gào khóc không muốn đi tiêm vậy.
Bóng đá là như vậy, và hãy tôn trọng những đội bóng “dựng xe buýt” vì họ đã đổ sức lực lẫn trí tuệ vào một chiến thuật như thế để hy vọng chiến thắng. Chỉ có những kẻ cố ý đánh nguội đối phương trên sân bóng thì mới không đáng để được tôn trọng.
Trần Long