Phòng tránh cao huyết áp đơn giản từ tỏi

30/03/2015 08:02
Theo Cục ATVSTP/dinhduong
(GDVN) - Tỏi là một trong những gia vị có công dụng dược lý rất phong phú, trong đó có tác dụng làm giảm huyết áp.

Tỏi là một trong những gia vị có công dụng dược lý rất phong phú, trong đó có tác dụng làm giảm huyết áp. Để đạt được điều này có thể sử dụng tỏi dưới các hình thức dưới đây:

1. Tỏi tươi

Là dạng dễ dùng nhất, có thể ăn sống hoặc dầm vào nước chấm. Nói chung mỗi ngày nên ăn 2 tép tỏi là đủ, nhiều hơn hoặc ít hơn một chút đều được. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày nên ăn khoảng 10g tỏi là hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kiếm được tỏi tươi và ăn tỏi tươi hay có mùi hôi nên người ta thường chế biến thành các dạng khác dùng khác.

2. Rượu tỏi

Có nhiều cách chế rượu tỏi:

- Lấy 25g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm với 100ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 25 - 30 ml.

Cách dùng tỏi phòng chống tăng huyết áp

- Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho đến khi ngập hết tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu thì càng tốt. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.

- Lấy 50g tỏi bóc vỏ, thái nhỏ rồi đem ngâm với 100ml rượu trắng 45° trong lọ kín, thỉnh thoảng lắc đều, sau chừng 10 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần (sáng trước khi ăn và tối trước khi ngủ), mỗi lần 40 giọt (tương đương với 1 thìa cà phê nhỏ).

3. Tỏi ngâm


Có thể ngâm dấm hoặc ngâm đường. Trong môi trường axit tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là rất tốt. Cách chế: Lấy 50g tỏi tươi bóc vỏ rồi ngâm với 100ml dấm gạo, sau chừng mươi ngày là dùng được, nếu để đủ 30 ngày thì càng tốt. Tỏi ngâm đường: Lấy 50g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hòa 800g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được.

4. Siro tỏi

Có nhiều cách chế siro tỏi:

- Lấy 100g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm trong 200ml dấm gạo, chế thêm 100g đường đỏ, ngâm trong bình kín, sau 10 ngày thì dùng được. Uống mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10ml.

- Lấy 50g tỏi vỏ tím, bóc vỏ rồi ngâm với nước ấm 38°C trong 2 giờ, sau đó dùng vải màn sạch lọc lấy nước, chế thêm một lượng siro đơn vừa phải, cho vào lọ để trong tủ lạnh dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 - 30ml.

- Dùng 100ml nước tỏi vỏ tím 20% pha với 40ml nước lá trà tươi 20% và 60ml siro đường đơn. Người lớn uống mỗi lần 10 - 15ml, trẻ em trên 10 tuổi mỗi lần 10ml, trẻ em dưới 10 tuổi mỗi lần 5ml, trẻ em 2 - 3 tuổi mỗi lần 2,5ml.

Trà tỏi

Tỏi 15g, sơn tra 30g, thảo quyết minh 10g. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với sơn tra và thảo quyết minh, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: hạ mỡ máu, giảm huyết áp, chống béo phì, tiêu thực tích.


Theo Cục ATVSTP/dinhduong