Vai trò của Bắc Kinh trong xung đột tại nước láng giềng Myanmar

15/01/2015 10:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trung Quốc nằm bên kia bờ sông Laiza là quốc gia duy nhất có vai trò trong cuộc xung đột Karchin.

Thị trấn Laiza, trụ sở của tổ chức độc lập Karchin (KIO), nằm trên biên giới tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. KIO là nhóm phiến quân sắc tộc lớn thứ hai ở Myanmar, đã xung đột với quân Tatmadaw (quân đội Miến Điện) trong hơn 50 năm qua với tham vọng thành lập nhà nước độc lập nhằm mục đích kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trong Karchin.

Cuộc sống ở Karchin phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc.
Cuộc sống ở Karchin phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc.

Trung Quốc nằm bên kia bờ sông Laiza là quốc gia duy nhất có vai trò trong cuộc xung đột Karchin. Trung Quốc nằm sát Karchin đồng nghĩa với việc bất kỳ điều gì xảy ra ở đó cũng sẽ có tác động trực tiếp tới sự ổn định biên giới của nước này. Nhóm dân tộc thiểu số Jingpo của Trung Quốc cũng có chung nguồn gốc với người Christian sống chủ yếu ở Karchin và nhiều con em người dân tộc Jingpo đang theo học tại Karchin.

Kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ năm 2011, Laiza càng phụ thuộc nhiều hơn vào Vân Nam để nhập khẩu hàng hóa, lương thực và kinh doanh giải trí. Đồng nhân dân tệ được sử dụng song song với đồng kyat của Myanmar tại Karchin. Người dân ở thị trấn này cũng liên lạc bằng hệ thống mạng viễn thông của Trung Quốc.

Trước tháng 12/2012, chính phủ Trung Quốc chủ yếu đứng ngoài vấn đề Karchin. Mối quan hệ giữa nước này với Karchin chủ yếu diễn ra thông qua chính quyền tỉnh Vân Nam. Chính quyền và các doanh nghiệp ở Vân Nam trong hai thập kỷ qua đã thiết lập được mối quan hệ kinh tế tương đối lớn với các quan chức KIO, những người tạo điều kiện cho Trung Quốc về thuế và vận chuyển để thúc đẩy buôn bán ngọc bích và gỗ tếch. Riêng trong năm 2011, thương mại ngọc bích giữa Trung Quốc và  Karchin đạt 8 tỉ USD.

Một khu chợ ở Myitkyina, phía bắc Karchin.
Một khu chợ ở Myitkyina, phía bắc Karchin.

The Diplomat cho rằng, sự khuyến khích quan hệ thương mại với KIO của chính quyền Vân Nam đã làm phức tạp thêm nỗ lực hòa bình ở Karchin. Một nền hòa bình lâu dài sẽ có hại cho các doanh nghiệp tư nhân. Không muốn chính phủ Myanmar kiểm soát Karchin, các doanh nghiệp tại đây đã đổ tiền đầu tư cho các nhóm phiến quân chống lại chính phủ.

Sau các cuộc xung đột từ giữa tháng 12/2012 và tháng 1/2013, khi bom phát nổ ở biên giới và đẩy hàng ngàn người tị nạn sang Trung Quốc, Bắc Kinh mới bắt đầu miễn cưỡng bày tỏ quan điểm trực tiếp về vấn đề Karchin. Các dự án kinh tế giữa Karchin và Vân Nam bị phá vỡ, các dự án khai thác năng lượng cũng bị đe dọa hủy bỏ. Người Jingpo ở Vân Nam bắt đầu bị kích động bởi mối đe dọa từ đồng bào bên kia biên giới.

Trung Quốc cũng nhanh chóng điều quân đội tới củng cố biên giới. Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh bay tới Myanmar hội kiến với Tổng thống Thein Sein bày tỏ mối quan ngại của Bắc Kinh về cuộc đổ máu. Cùng ngày, lãnh đạo Trung Quốc triệu tập tướng Thích Kiến Quốc về nước để tư vấn an ninh chiến lược.  Bắc Kinh thậm chí cử ra một đại diện phụ trách giải quyết vấn đề Myanmar được gọi là phái viên đặc biệt về ngoại giao châu Á do Vương Anh Phàm, một cựu Đại sứ tại Philippines và đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đảm trách.

Mặc dù Bắc Kinh trước đó đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi của KIO để hòa giải các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng năm 2013 đã nhanh chóng sắp xếp một cuộc đối thoại song phương - một động thái được đánh giá là mâu thuẫn với tiêu chí lâu nay của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước ngoài.

Theo Diplomat, sự chu đáo và sốt sắng bất ngờ này của Bắc Kinh sau nhiều năm lãnh đạm với vấn đề Karchin để kiếm lợi kinh tế là do Bắc Kinh bắt đầy cảm thấy lợi ích của mình bị đe dọa.

Trung tâm Myitkyina.
Trung tâm Myitkyina.

"Karchin luôn luôn là một vấn đề khó khăn với Trung Quốc", Tần Lợi Văn, một  nhà phân tích từng làm việc cho MERICS và International Crisis Group cho biết. "Một mặt, Trung Quốc muốn có quan hệ đặc biệt với các nhà lãnh đạo Karchin để giành ưu thế trong các cuộc đàm phán với chính phủ Myanmar. Nhưng nếu ủng hộ người Karchin nhiều quá dĩ nhiên sẽ khiến họ bị rắc rối. Vì vậy, họ (Trung Quốc) luôn chơi rất kín đáo, cân bằng tất cả các bên".

Nhưng theo ông Văn, với sự cạnh tranh mới  từ phương Tây, Trung Quốc có thể không còn giữ được sự ảnh hưởng độc tôn của mình tại Myanmar. Điều Bắc Kinh sợ nhất là "quốc tế hóa" xung đột Karchin. Việc quân đội Mỹ xuất hiện ở Karchin là một kịch bản Bắc Kinh không thể chấp nhận.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đã bắt đầu cải thiện. Sau một vài năm bất ổn và không chắc chắn, cả hai bên đã bắt đầu điều chỉnh kỳ vọng và các chính sách của họ đối với nhau. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm Myanmar trong tháng 11 thúc đẩy quan hệ song phương bắt đầu tan băng. Đổi lại, Trung Quốc đang giảm thiểu vai trò của nó trong tiểu bang Kachin. Quan hệ Trung-Myanmar đang chuyển sang một giai đoạn mới và Trung Quốc không muốn làm gián đoạn quá trình chuyển đổi.

Tuy nhiên, xung đột ở Karchin vẫn có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào và sẽ khiến Bắc Kinh phải tham gia dù có muốn hay không, tờ tạp chí Nhật Bản nhận định./.

Nguyễn Hường