Tiết lộ về 7 đại quân sư của Tập Cận Bình

24/02/2015 10:45
Hồng Thủy
(GDVN) - 7 đại quân sư được truyền thông Hoa ngữ gọi là "thê đội hình ảnh" của Tập Cận Bình, những người này nếu không là đồng hương thì cũng là đồng môn cùng thời...
Lưu Hạc, một trong 7 đại quân sư của Tập Cận Bình, người đã "nhập khẩu" khái niệm trạng thái bình thường mới để miêu tả nền kinh tế Trung Quốc cho Tập Cận Bình sử dụng.
Lưu Hạc, một trong 7 đại quân sư của Tập Cận Bình, người đã "nhập khẩu" khái niệm trạng thái bình thường mới để miêu tả nền kinh tế Trung Quốc cho Tập Cận Bình sử dụng.

Đa Chiều ngày 24/2 bình luận, người Trung Quốc có câu ngạn ngữ đại ý, một hảo hán cũng cần 3 người giúp đỡ, dù là người mạnh mẽ đến đâu cũng cần có đội ngũ quân sư tham mưu. Gần đây truyền thông Hoa ngữ nhiều lần nhắc đến 7 đại quân sư của Tập Cận Bình, những người gắn bó với ông Bình như hình với bóng và giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu hoạch định các chiến lược đối nội, đối ngoại quan trọng, tác động lớn đến chính trường Trung Nam Hải.

Tổng hợp bình luận trên các báo tiếng Hán ngày 24/2, Đa Chiều cho biết truyền thông đã điểm mặt chỉ tên 7 đại quân sư của Tập Cận Bình bao gồm: Vương Lô Ninh - Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu trung ương, Lật Chiến Thư - Chánh Văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Đinh Tiết Tường - Chánh văn phòng Tổng bí thư, Lý Thư Lỗi - Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh ủy Phúc Kiến, Hà Nghị Đình - Phó Giám đốc Trường Đảng trung ương, Lưu Hạc - Phó Bí thư đảng ủy Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia, Chung Thiệu Quân - Chánh văn phòng Quân ủy trung ương.

7 đại quân sư được truyền thông Hoa ngữ gọi là "thê đội hình ảnh" của Tập Cận Bình, những người này nếu không là đồng hương thì cũng là đồng môn cùng thời hoặc từng làm thư ký cho ông Bình. Phiên bản tiếng Hán của tờ Chosun Ilbo Hàn Quốc cho biết, chính quân sư Lưu Hạc đã tiếp nhận một khái niệm mới từ kinh tế học phương Tây - trạng thái bình thường mới về Trung Quốc cho Tập Cận Bình sử dụng để miêu tả quá trình tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế nước này đã kết thúc, bắt đầu bước và giai đoạn tăng trưởng trung bình 6-7% mỗi năm.

Từ tháng 5 năm ngoái ông Tập Cận Bình đã sử dụng cụm từ này miêu tả nền kinh tế cũng như xã hội Trung Quốc và dường như ngay sau đó nó trở thành khái niệm thịnh hành phổ biến. Tháng 5/2013 Tập Cận bình đã giới thiệu với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Thomas Donilon: "Đây là Lưu Hạc, ông ấy là một người vô cùng quan trọng đối với tôi". Ông Hạc và Tập Cận Bình là bạn đồng môn trường trung học 101 Bắc Kinh.

Lý Thư Lỗi.
Lý Thư Lỗi.

Quân sư thứ 2 là "thần đồng tuổi 14" Lý Thư Lỗi. Ông Lỗi được đặc cách vào đại học Bắc Kinh từ năm 14 tuổi, hiện là người phụ trách soạn thảo các bài diễn văn, phát biểu cho Tập Cận Bình. Các thành ngữ và văn phong trong phát biểu của ông Bình đều là của Lý Thư Lỗi. Ông Lỗi đã có 20 năm nghiên cứu tại Trường Đảng trung ương. Năm ngoái Lý Thư Lỗi được Tập Cận Bình phái về Phúc Kiến nhằm "tích lũy kinh nghiệm chính trị từ cơ sở", thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ông chủ Trung Nam Hải đối với vị quân sư này.

Hà Nghị Đình giữ vai trò đặt "nền móng lý luận" cho chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi kinh thiên động địa mà Tập Cận Bình phát động. Ông Đình được cho là người đã soạn thảo ra 8 quy định đối với các quan chức, nhân viên hành chính sự nghiệp ở Trung Quốc. Quân sư thứ 4 là Chuung Thiệu Quân từng có nhiều năm làm thư ký riêng cho Tập Cận Bình. Mặc dù chưa từng trải qua tháng năm quân ngũ, Chung Thiệu Quân vẫn được phong hàm Thiếu tướng giúp Tập Cận Bình nắm quân đội.

Đinh Tiết Tường có vị trí đặc biệt quan trọng giúp Tập Cận Bình đương đầu với sóng gió chính trị kể từ khi ông Bình lên cầm quyền. Ông Tường được cho là người sẽ kế nhiệm Lật Chiến Thư làm Chánh Văn phòng Trung ương.

Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản nhận xét, Lật Chiến Thư là người hành sự lặng lẽ nhưng năng lực rất mạnh, được giới quan sát cho là nắm "cơ mật viện" của Trung Nam Hải. Ông Thư được cho là người phụ trách đảm bảo công việc hàng ngày của Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác.

Lật Chiến Thư, người được cho là giữ "cơ mật viện Trung Nam Hải".
Lật Chiến Thư, người được cho là giữ "cơ mật viện Trung Nam Hải".

Theo Đa Chiều, các tư liệu công khai cho biết Lật Chiến Thư và Tập Cận Bình cùng làm Bí thư 2 huyện giáp nhau năm 1983, năm 1985 cả hai cùng rời ghế Bí thư huyện và bắt đầu đi theo 2 ngả đường chính trị khác nhau. Tháng 10/1985 Lật Chiến Thư được điều về làm chuyên viên cấp thành phố, chưa đầy 1 năm sau thì trở thành Bí thư đoàn tỉnh Hà Bắc.

Từ ngày 5 đến 11/8/2011 Tập Cận Bình thị sát Quý Châu với tư cách Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư ban Bí thư thì Lật Chiến Thư được lệnh dừng mọi công tác để tháp tùng ông Bình và có nhiều thời gian đàm đạo.

Tháng 7/2012, Lật Chiến Thư được bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng thường trực Trung ương bắt đầu tiếp quản mọi công việc và chức năng từ "Tổng quản Trung Nam Hải thời Hồ Cẩm Đào", tức Lệnh Kế Hoạch. Tháng 9 cùng năm ông Thư chính thức trở thành Chánh Văn phòng trung ương. Tháng 11 cùng năm được bầu vào Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bí thư Ban bí thư.

Từ năm 1983 bắt đầu với chức Bí thư huyện ủy đến khi vào nhóm "cận thần cơ mật viện Trung Nam Hải", Lật Chiến Thư mất 30 năm, trải qua nhiều cương vị khác nhau trong đảng, chính quyền và đoàn thanh niên. Từ đó về sau, mỗi khi Tập Cận Bình ra khỏi Trung Nam Hải, người ta thường thấy Lật Chiến Thư tháp tùng bên cạnh.

Lật Chiến Thư năm nay đã 65 tuổi, theo thông lệ thì ông sẽ phải về hưu trong đại hội 19. Trong bối cảnh đó ai sẽ tiếp quản vị trí của Lật Chiến Thư để tiếp tục phò tá Tập Cận Bình đang trở thành đề tài theo dõi của giới quan sát. Vị quân sư thứ 7 theo truyền thông Hoa ngữ là mưu sĩ ngoại giao Vương Lô Ninh dạn dày kinh nghiệm đã từng kinh qua 3 đời lãnh đạo Trung Quốc, từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cho tới Tập Cận Bình.

Chung Thiệu Quân, cựu Thư ký riêng của Tập Cận Bình được biệt phái sang Quân ủy trung ương với lon Thiếu tướng.
Chung Thiệu Quân, cựu Thư ký riêng của Tập Cận Bình được biệt phái sang Quân ủy trung ương với lon Thiếu tướng.
Đinh Tiết Tường.
Đinh Tiết Tường.
Vương Lô Ninh.
Vương Lô Ninh.
Hà Nghị Đình.
Hà Nghị Đình.
Hồng Thủy