Tập Cận Bình xử lý khủng hoảng giáp biên Myanmar khác với Putin - Ukraine

12/03/2015 15:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Myanmar cũng không phải đối tượng mà Mỹ "tán tỉnh". Trong khi đó, Trung Quốc lại là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia láng giềng này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Tờ Deutsche Welle của Đức ngày 12/3 đăng bài phân tích của đại diện báo này ở Bắc Kinh Frank Sieren cho rằng, một cộng đồng dân tộc thiểu số Trung Quốc ở phía Bắc Myanmar đang chống lại chính quyền nước này để đòi quyền tự chủ. Tuy nhiên lực lượng phiến quân phía Bắc Myanmar không thể dựa vào sự hỗ trợ từ Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có lợi ích lớn hơn trong việc duy trì quan hệ ổn định với Myanmar.

Trong 3 năm gần đây tình trạng bất ổn ở miền Bắc Myanmar đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 140 ngàn người được cho là đã phải rời bỏ nhà cửa của mình. Bề ngoài, cuộc xung đột đang diễn ra ở vùng giáp biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc có nhiều điểm chung với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nga hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine trong khi các phiến quân dân tộc thiểu số Trung Quốc ở phía Bắc Myanmar nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh tham gia cùng họ chống lại chính phủ nước này. Tuy nhiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn khác Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một vài tuần trước phiến quân ở Kokang tấn công các cơ sở quân sự cố gắng giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới Laukkai, 130 binh sĩ cả hai phía đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh đường phố. 30 ngàn người tị nạn đã vượt biên chay sang Vân Nam, Trung Quốc.

Lực lượng phiến quân ở Kokang đang giao chiến với quân chính phủ nhằm đòi quyền tự trị nhiều hơn cho khu vực có đa số người Trung Quốc sinh sống.

Nhưng không giống như Nga, Trung Quốc không lợi dụng tình hình ở nước láng giềng này. Những lời kêu gọi đoàn kết với phiến quân Kokang đã bị xóa khỏi internet và mạng xã hội ở Trung Quốc. Khác với Nga ở Crimea, Trung Quốc không có lực lượng quân sự nào đồn trú tại Myanmar.

Myanmar cũng không phải đối tượng mà Mỹ "tán tỉnh". Trong khi đó, Trung Quốc lại là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia láng giềng này.

Trên thực tế từ khi bắt đầu thực hiện chiến lược Con đường Tơ lụa mới, Bắc Kinh có nhiều quyền lợi hơn bao giờ hết đối với một chính phủ ổn định ở Myanmar. Quốc gia láng giềng này đóng một vai trò quan trong trọng trong hệ thống thương mại mở rộng tới Trung Đông, xa hơn nữa là châu Âu với vị trí trung gian ra thẳng Ấn Độ Dương.

Kể từ tháng 1 năm nay, dầu mỏ châu Phi đã chảy từ bờ biển phía Tây của Myanmar trực tiếp về Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống dài 771 km. Đường ống này sẽ cung cấp động lực phát triển quan trọng cho 2 trung tâm kinh tế Tây Nam Trung Quốc, Côn Minh và Trùng Khánh, đó cũng là điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa mới.

Lợi thế của con đường này đối với nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc là hiển nhiên, không chỉ giảm thời gian 30% so với vận tải đường biển, khi vận chuyển qua Myanmar còn an toàn hơn nhiều so với eo biển Malacca.

Các nhà chiến lược quân sự Bắc Kinh nhiều năm qua đã cảnh báo rằng, tuyến đường biển qua Malacca sẽ làm cho Trung Quốc dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị, ví dụ như một cuộc phong tỏa của Mỹ.

Nhưng hệ thống đường ống 2,5 tỉ USD này có trị giá tương đối nhỏ so với danh mục đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar. Ngoài tuyến đường ống, một tuyến đường sắt trị giá 20 tỉ USD cũng đang được lên kế hoạch.

Lực lượng phiến quân đang làm phiền cả Bắc Kinh lẫn Naypidaw, vì lý do này nên không chắc phe ly khai miền Bắc Myanmar nhận được sự ủng hộ như lực lượng ly khai ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine.

Hồng Thủy