Tập Cận Bình có nghe Đặng Tiểu Bình, Biển Đông để đời sau giải quyết?

30/03/2015 15:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu ý kiến của cựu Ngoại trưởng Kissinger được chấp nhận, trí tuệ của Đặng Tiểu Bình có thể vãn hồi được thể diện cho Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: au.news.yahoo.com.
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: au.news.yahoo.com.

Đa Chiều ngày 29/3 đưa tin, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger hôm 28/3 nói rằng, Mỹ và Trung Quốc nên học tập trí tuệ của Đặng Tiểu Bình trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Một số học giả quốc tế cho rằng, phát biểu này của ông Kissinger là có dụng ý phê phán Tập Cận Bình.

Theo Bloomberg hôm 29/3, khi dự Quốc tang cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hôm 28/3, ông Kissinger được hỏi về chuyện Biển Đông đã nói: "Đặng Tiểu Bình khi xử lý một số vấn đề từng nói rằng, không phải chuyện gì cũng có thể giải quyết xong trong thế hệ này. Chúng ta có thể để lại một số vấn đề cho đời sau giải quyết mà không nên làm cho nó trở nên rối rắm hơn".

Giáo sư Carl Thayer từ Úc cho rằng, ý tưởng của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc cứ chờ cho tranh chấp hạ nhiệt, đời sau đàm phán và quyết định sẽ dễ dàng hơn. "Đặng Tiểu Bình đã đúng (trong chuyện này), không phải vần đề nào cũng có thể giải quyết ngay, các bên không nên làm phức tạp thêm tình hình".

Đa Chiều cho rằng Hoa Kỳ đã cam kết với các đồng minh và đối tác châu Á rằng, nếu Trung Quốc gây sự ở Biển Đông, Washington sẽ ủng hộ các nước này. Trung Quốc đã gây sức ép đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia trên Biển Đông.

Ông Carl Thayer bình luận, nếu ý kiến của cựu Ngoại trưởng Kissinger được chấp nhận, trí tuệ của Đặng Tiểu Bình có thể vãn hồi được thể diện cho Trung Quốc. Nếu các bên ở Biển Đông cùng gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác sẽ giúp làm giảm xung đột Trung - Mỹ ở vùng biển này.

Phó giáo sư Rosita Dellios từ đại học Bond của Úc bình luận, Kissinger dẫn lời Đặng Tiểu Bình là nhằm chỉ trích Tập Cận Bình. Tuy nhiên theo ông một khi chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển mà Tập Cận Bình đề xướng thành công, tranh chấp Biển Đông sẽ "không còn quan trọng nữa".

Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã thực hiện chính sách đối ngoại khá cứng rắn. Ông ta hy vọng, tìm cầu địa vị nước lớn bằng vai phải lứa với Hoa Kỳ, thậm chí thách thức địa vị thống trị của người Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hồng Thủy