"Sri Lanka sẽ không để tàu ngầm Trung Quốc cập cảng"

02/03/2015 06:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Năm ngoái ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, 1 tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo tạo ra mối quan tâm rất lớn.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tờ Asian Tribune ngày 1/3 đưa tin, sau sự phản đối của Ấn Độ, Sri Lanka không để cho tàu ngầm Trung Quốc cập cảng nước này. Một tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo 2 lần năm ngoái đã làm dấy lên những lo nại với Ấn Độ. New Delhi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần vấn đề này với Sri Lanka. Sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã tạo ra một khu vực chạm trán mới giữa 2 nước châu Á.

Năm ngoái ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, 1 tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo tạo ra mối quan tâm rất lớn về ý định của Tổng thống Sri Lanka lúc đó, Mahinda Rajapaksa. Đây là lần thứ 2 tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka, sau lần đầu tiên vào 7 tuần trước đó. Ấn Độ đã nhanh chóng cảnh báo quốc đảo láng giềng rằng, sự hiện diện của Bắc Kinh ở đây là không chấp nhận được.

Ấn Độ xem đây là một vi phạm các thỏa thuận tháng 7/1987, trong đó nói rằng Trincomalee hoặc bất kỳ cảng nào ở Sri Lanka sẽ không được cung cấp cho quân đội bất kỳ quốc gia nào sử dụng để gây phương hại đến lợi ích của Ấn Độ. Thỏa thuận này cũng kêu gọi hai nước không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình vào các hoạt động gây phương hại đến sự thống nhất, toàn vẹn và an ninh của nước kia.

Các nhà phân tích nói rằng thời điểm các tàu ngầm Trung Quốc cập cảng ở Sri Lanka đáng chú ý bởi mối quan hệ Trung - Nhật hoặc căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông. Cả Trung Quốc và Sri Lanka bác bỏ lo ngại của Ấn Độ và nói rằng tàu ngầm Bắc Kinh sang Colombo không có gì bất thường vì đây là thông lệ phổ biến khi các tàu chiến vào tiếp nhiên liệu tại các cảng nước ngoài. Tuy nhiên những điều này không đủ xoa dịu lo lắng của Ấn Đọ.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã giúp xây dựng một mạng lưới các cảng, cơ sở hạ tầng ở các nước Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và Myanmar. Nhiều chuyên gia bảo mật lo lắng về sự hiện diện quá mức của Bắc Kinh ở Nam Á, nhưng vẫn có một số quan điểm cho rằng không có gì đáng ngại vì các cảng này không thể nhanh chóng biến thành một căn cứ hải quân.

Các chuyên gia an ninh Ấn Độ khẳng định, những nỗ lực của Trung Quốc tìm chỗ đứng ở Ấn Độ Dương là kết quả sự hiện diện toàn cầu ngày càng gia tăng của họ. Ở Sri Lanka, các nhà quan sát chính trị nói rằng sự cạnh tranh trên biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã cung cấp một cơ hội cho các nước nhỏ. Họ cho rằng Colombo ngày càng dựa vào Bắc Kinh, cả về hỗ trợ quân sự cũng như phát triển khi người khổng lồ châu Á đầu tư hàng tỉ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Tạm thời Ấn Độ đã phản ứng trước việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương bằng cách củng cố quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á và từng bước hiện đại hóa hải quân của mình. Sri Lanka đã cảm thấy được khó khăn của Ấn Độ và Ngoại trưởng nước này Mangala Samaraweera cho biết trong một cuộc họp báo gần đây ở Colombo: Không biết thực sự điều gì đằng sau việc tàu ngầm Trung Quốc đến Colombo cùng ngày Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Sri Lanka, nhưng sẽ đảm bảo sự cố tương tự không bao giờ xảy ra.

Ngoại trưởng Sri Lanka cũng đã hội kiến ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc và hội đàm với Vương Nghị - Ngoại trưởng trong chuyến thăm 2 ngày tới Bắc Kinh gần đây. Tại đó Samarweera cho biết, Sri Lanka có một số lo ngại lớn hơn cả 5 tỉ USD các khoản đầu tư Trung Quốc vào Sri Lanka dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Sri Lanka cho biết nước này lo ngại về lãi suất cao của các khoản vay từ Trung Quốc với các dự án lên tới 5 tỉ USD, trong đó có dự án thành phố cảng Colombo 1,5 tỉ USD.

Hồng Thủy