Quân đội Trung Quốc không quá mạnh, bác bỏ đe dọa từ Bắc Kinh là sai lầm

23/02/2015 07:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Sẽ là sai lầm nếu bác bỏ quá trình trỗi dậy của Trung Quốc gắn liền với niềm tin rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định trong khu vực
Lính Trung Quốc đang luyện tập, ảnh: SCMP.
Lính Trung Quốc đang luyện tập, ảnh: SCMP.

Tờ South China Morning Post ngày 23/2 bình luận, thế giới "có một chút sợ hãi" trước sức mạnh quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nói về con số tuyệt đối, Trung Quốc có đội quân lớn nhất thế giới, chi tiêu cho quốc phòng đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm 25 năm trước, duy trì tăng trưởng ngân sách quốc phòng 2 con số trong nhiều năm qua.

Sự phát triển của phần cứng là hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật phức tạp kết hợp với tham vọng lớn, Tập Cận Bình đã nhiều lần thúc giục quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Ông kêu gọi hiện đại hóa quân đội quy mô lớn, tăng cường các hoạt động tào tạo và nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự nhanh chóng như vậy khiến các nước láng giềng lo lắng, những quốc gia này đã tăng cường sức mạnh phòng thủ cho mình và phát triển quan hệ quân sự với các cường quốc khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một báo cáo mới được công bố của nhóm nghiên cứu tại Mỹ cho rằng, không cần phải quá lo ngại về sức mạnh thực sự của quân đội Trung Quốc.

Rand là một công ty nghiên cứu của Mỹ khá có uy tín, đánh giá của Rand được các tướng Trung Quốc đã nghỉ hưu ủng hộ. Họ đồng ý với đánh giá của Rand rằng quân đội Trung Quốc không phải một mối đe dọa đối với các quốc gia khác vì tham nhũng đang lan tràn trong mọi cấp chỉ huy, thiếu nhân lực có trình độ và các hoạt động huấn luyện đào tạo không đủ.

Việc tăng ngân sách quốc phòng tuy có ấn tượng, nhưng chi tiêu quân sự của Trung Quốc có điểm xuất phát thấp và mức độ hiện đại hóa vẫn còn một chặng đường xa. Ngoài ra, sự thiếu minh bạch trong chi tiêu ngân sách quốc phòng Trung Quốc càng làm gia tăng nghi ngờ rằng, con số thực sự cao hơn nhiều so với những gì Bắc Kinh đã tuyên bố.

Yếu tố bất ngờ ở đây là, trên tất cả phải là một chiến lược phòng thủ hiệu quả, bất kể ngân sách quốc phòng tập trung vào tiền lương hay chi cho việc mua sắm vũ khí trang bị thay thế các xe tăng, máy bay đã lỗi thời, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc còn thua xa Mỹ. Thay vì nhìn vào ngân sách quốc phòng Trung Quốc là bao nhiêu, tốt hơn là nên đánh giá Bắc Kinh chi bao nhiêu % GDP cho quốc phòng.

Trung Quốc chi 2% GDP cho quân sự, so với 3,8% của Mỹ, 4,1 % của Nga và 2,5 % của Ấn Độ. Kết luận rằng quân đội Trung Quốc không quá mạnh dường như chính xác. Khả năng tiếp cận và vượt ra ngoài biên giới quốc gia của quân đội Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Xu thế tăng cường sức mạnh quân sự khi kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu bác bỏ quá trình trỗi dậy của Trung Quốc gắn liền với niềm tin rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như toàn cầu, South China Morning Post bình luận.

Hồng Thủy