Ông Lý Quang Diệu qua đời, để lại tiếc thương nhưng không gây khủng hoảng

23/03/2015 06:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự ra đi của ông sẽ mở ra một sự tìm kiếm hoài niệm chứ không phải bất kỳ bất ổn chính trị hay kinh tế nào của Singapore, mặc dù ông là một phần...
Lý Quang Diệu, một nhà lãnh đạo vĩ đại sáng lập và biến Singapore thành quốc gia phát triển rực rỡ nhờ tầm nhìn, bản chất và ý chí của mình.
Lý Quang Diệu, một nhà lãnh đạo vĩ đại sáng lập và biến Singapore thành quốc gia phát triển rực rỡ nhờ tầm nhìn, bản chất và ý chí của mình.

South China Morning Post ngày 23/3 đưa tin, người sáng lập quốc gia Singapore Lý Quang Diệu đã qua đời sáng sớm hôm nay sau hơn 1 tháng nằm viện, để lại một di sản vĩ đại là một quốc gia độc lập năm 1965 và trở thành "thành phố toàn cầu" trong một thế hệ.

Ông Lý Quang Diệu 91 tuổi đã phải dùng máy thở trong vài tuần qua kể từ hôm 5/2 sau khi bị viêm phổi nặng. Tình trạng của ông đã tồi tệ hơn trước đó sau khi bị nhiễm trùng. Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Singapore cho biết, ông Lý Hiển Long đang rất đau buồn về sự ra đi của cha mình.

Nguồn tin cho biết, ông Lý Quang Diệu đã qua đời một cách yên bình tại bệnh viện Đa khoa Singapore lúc 3 giờ 18 phút sáng hôm nay. "Tất cả những ai biết ông đều cảm thấy đau khổ và rất buồn khi ông qua đời", Kouk, một người bạn học của Lý Quang Diệu tại Raffles College cho biết.

"Lý Quang Diệu là một người khổng lồ. Tâm trí sắc bén như dao của ông đã được tập trung vào việc theo đuổi khát vọng của mình nhằm thiết lập một xã hội công bằng, hợp lý và phù hợp. Và không có ai, bất kể là bạn hay kẻ thù có thể phủ nhận rằng ông đã đạt được điều này".

"Ông theo đuổi mục tiêu của mình với quyết tâm rất lớn, không bao giờ từ bỏ và thất vọng mặc dù những điều này ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của ông. Tuy nhiên ông vẫn sống đến một độ tuổi đáng ngưỡng mộ và giữ được sự tỉnh táo cho đến khi kết thúc cuộc đời. Ông đã có thể ra đi trong bình yên", Kouk nói.

Lý Quang Diệu ra đi trong khi chỉ còn 5 tháng nữa là Singapore kỷ niệm 50 năm ngày lập quốc. Sự ra đi của ông sẽ mở ra một sự tìm kiếm hoài niệm chứ không phải bất kỳ bất ổn chính trị hay kinh tế nào của Singapore, mặc dù ông là một phần trong đời sống của Singapore trong 5 thập kỷ, nhưng ông đã rời hẳn quyền lực kể từ năm 2011.

Là một luật sư chuyên nghiệp, Lý Quang Diệu và những người đồng chí hướng đã thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP) vào năm 1954. Khi Singapore tự trị vào năm 1959, ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này cho đến năm 1990, khi ông hoàn thành quá trình chuyển giao lãnh đạo cho thế hệ thứ 2. Con trai cả của ông trở thành Thủ tướng thứ 3 của Singapore, Lý Hiển Long.

Trong 31 năm làm Thủ tướng, Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo không thể tranh cãi. Ông xử lý dứt khoát với cánh tả, những người theo đuổi chính trị dựa vào phân biệt chủng tộc và chia rẽ xã hội. Bị ám ảnh bởi khả năng kinh tế dễ bị tổn thương sau khi độc lập, Lý Quang Diệu đã quản trị Singapore với một ý chí thép, can thiệp mạnh vào đời sống người dân để cố gắng làm lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi thói quen xấu trong xã hội...\

Trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nói rằng nếu ông không thực hiện những điều này, Singapore không thể trở thành một xã hội văn minh trong thời gian ngắn nhất có thể. "Đầu tiên chúng tôi giáo dục và kêu gọi người dân. Sau khi đã thuyết phục và giành được phần lớn sự ủng hộ, chúng tôi ra luật để trừng phạt các nhóm thiểu số có chủ ý. Nó đã làm cho Singapore trở thành nơi dễ chịu hơn để sống", ông viết.

Lý Quang Diệu cũng không giấu quan điểm về những chính sách mà một bộ phận người Singapore bấy giờ khó chấp nhận, thậm chí gây ra những chỉ trích trong và ngoài nước. Ông đã không biện hộ, mà bảo vệ tất cả những gì đã làm để phát triển Singapore.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger là bạn thân của Lý Quang Diệu đã từng bày tỏ: "Tôi coi Lý Quang Diệu là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mà tôi từng gặp. Ông lấy một cảng biển đã mất đi mục đích ban đầu và biến nó thành một trong những nỗ lực sáng tạo nhất của đời mình. Từ một nước thiếu tài nguyên thiên nhiên, ông ấy đã hoàn tất những điều này dựa vào tầm nhìn, phẩm chất và quyết tâm của mình".

Hồng Thủy