"Nếu Mỹ bơm vũ khí cho Ukraine, phải chuẩn bị khả năng không chiến với Nga"

12/02/2015 07:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine, Washington sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng tham chiến thay vì chỉ viện trợ quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bloomberg View ngày 11/2 bình luận, nếu Mỹ vũ trang cho Ukraine để chiến đấu chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin thì những lô hàng Washington viện trợ cho Kiev hầu như không thể đủ giúp một quốc gia nhỏ yếu đánh bại một cường quốc đã có "thâm niên". Nếu Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine, Washington sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng tham chiến thay vì chỉ viện trợ quân sự.

Khi Ukraine cần giúp đỡ thêm, uy tín của Mỹ sẽ đối mặt với áp lực rất lớn có thể leo thang khủng hoảng, thậm chí đến mức phải hỗ trợ Kiev không kích các lực lượng ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine. Hiện tại nói tới khả năng này có vẻ cực đoan, không có bất kỳ chính trị gia nào của Hoa Kỳ, kể cả Thượng nghị sĩ John McCain nghĩ rằng Mỹ nên chuẩn bị cho một cuộc không chiến với Nga.

Ý tưởng này gần như là không thể tưởng tượng, nhưng một khi Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine thì đây là một lý do chính đáng để phải chuẩn bị các kịch bản khác nhau. Bắt đầu từ câu hỏi cơ bản nhất, có thể giúp Ukraine chống lại Nga chỉ bằng cách cung cấp vũ khí hay không? Trong Chiến tranh Lạnh, việc viện trợ vũ khí như vậy khá phổ biến và được sử dụng bởi cả Mỹ lẫn Liên Xô, tuy nhiên hầu hết các trường hợp vũ khí không đủ để giải quyết xung đột.

Ví dụ ở Trung Mỹ có thể hỏi người Guatemala, Salvador hay Nicaragua về vai trò của vũ khí nước ngoài. Ở châu Á, việc cung cấp vũ khí đã dẫn đến cam kết của các lực lượng bên ngoài. Trong Chiến tranh Triều Tiên khi Mỹ đọ sức với Trung Quốc, hàng trăm ngàn người trên bán đảo Triều Tiên đã thiệt mạng. Ở Việt Nam, khi Liên Xô chỉ cử các cố vấn thì Mỹ đã điều cả một lực lượng hùng hậu sang tham chiến.

Cho đến gần đây, phiến quân Libya đã không thể đánh bại Muammar Qaddafi cho đến khi phương Tây hỗ trợ không kích. Phe nổi dậy Syria nhận vũ khí Mỹ gần như ngay từ đầu, nhưng ngay cả với sự yểm trợ lực lượng này cũng không thể lật đổ được Bashar al-Assad. Phải thừa nhận rằng Ukraine có thể ở vị trí tốt hơn để tận dụng lợi thế vũ khí Mỹ so với các nước khác, có thể hình dung rằng với nguồn lực lớn trong tay, Ukraine có thể duy trì hoạt động chống lại người Nga.

Nhưng ngay cả với nguồn lực quân sự Hoa Kỳ, về cơ bản Ukraine khó có thể thay đổi tính toán chiến lược của Nga và ngăn chặn "sự xâm nhập của Putin" tiến xa hơn. Ảnh hưởng của Putin trong nước không hề bị lung lay dù nền kinh tế Nga đã phải chịu một cuộc khủng hoảng kép do giá dầu thấp kỷ lục và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Thật khó có thể nhìn thấy Putin tỏ ra yếu kém hay xuống nước chỉ vì kho vũ khí của Ukraine có thể đầy lên.

Chính điều này đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine được Mỹ trang bị vũ khí nhưng vẫn tiếp tục mất đất vào tay Nga? Hiện nay Mỹ đang phải trả một mức giá khiêm tốn, nhưng nếu Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ Ukraine và viện trợ không đến nơi đến chốn, cái giá phải trả cho sự thất bại của Mỹ sẽ tăng lên. Nó làm suy yếu đáng kể uy tín của Mỹ giống như nước này đã bị suy yếu bởi sự thất bại của Washington trong việc loại bỏ tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo.

Trong tình huống tiếp tục thất bại, Obama hay Tổng thống kế nhiệm sẽ phải chịu áp lực rất lớn để cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine. Một khi viện trợ vũ khí thất bại, các bước tiếp theo sẽ là hỗ trợ không kích. Khả năng các lô hàng vũ khí có thể dẫn đến leo thang quân sự lớn hơn.

Hồng Thủy