"Chú ý những gì Trung Quốc làm, Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với Việt Nam"

04/03/2015 07:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỹ và các đối tác châu Á nên xem hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông như đòn bẩy kích thích hợp tác mạnh mẽ hơn.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Tờ Niti Central ngày 3/3 đưa tin, một Đô đốc hải quân Mỹ đã bày tỏ lo ngại về những hành động khiêu khích và chiến thuật kịch tính của Trung Quốc ở Biển Đông, hải quân Mỹ sẽ chuyển 60% lực lượng của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương cho biết, Trung Quốc gây ra những căng thẳng ngày càng lớn ở BIển Đông với tất cả các nước trong khu vực. Điều này khiến ông lo ngại, đó là vấn đề đáng quan tâm với tất cả mọi người.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nói rằng, bổn phận của tất cả các bên liên quan đến tự do hàng hải ở Biển Đông là phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm ở khu vực này. "Rất ấn tượng, nó là hoạt động cải tạo đất rất lớn và đang làm thay đổi hiện trạng trên thực địa", ông Harris đánh giá. Còn theo tờ Online News của Pakistan ngày 4/3, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương còn tuyên bố rõ ràng rằng, Trung Quốc không có quyền phản đối hải quân Ấn Độ hoạt động trên Biển Đông.

"Biển Đông là vùng biển quốc tế và Ấn Độ có thể hoạt động tự do ở bất cứ nơi nào Ấn Độ muốn hoạt động", Đô đốc Harry Harris tuyên bố. Trong tháng 7/2011 tàu chiến đổ bộ ISN Shardul của Ấn Độ di chuyển từ cảng Nha Trang đến cảng Hải Phòng của Việt Nam để thực hiện một chuyến thăm hữu nghị thì bị tàu Trung Quốc sách nhiễu. Năm 2014, Trung Quốc lại phản đối (vô lý và phi pháp) thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Ấn Độ và Việt Nam trên Biển Đông (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp - PV).

Ngày 3/3, Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh mới tại Washington DC Hoa Kỳ bình luận trên tờ The Street Journal, hình ảnh vệ tinh thể hiện những hoạt động xây dựn cơ sở hạ tầng (bất hợp pháp) ở Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành đã trở thành mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Động thái táo bạo của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mạo hiểm mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng và Mỹ, đồng thời cũng báo hiệu sự cần thiết đối với Mỹ và các đối tác châu Á của mình tăng cường hợp tác an ninh.

Các nước láng giềng đều nên lo lắng trước các hành động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc, nếu hôm nay họ làm đường băng và các tòa nhà công sự, họ có thể đặt máy bay, tên lửa, pháo phòng không vào ngày mai. Sau đó có thể là một vùng nhận diện phòng không giống như Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt ở Hoa Đông. Kết hợp với vụ giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái hay bế tắc giữa Bắc Kinh với Manila ngoài bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy sự thèm khát của Trung Quốc để thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là một bước đột biến lớn của tính hung hăng. Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của nó trong khu vực nhằm mục đích phá vỡ khả năng triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Chính hành động của Trung Quốc đã khiến các quốc gia trong khu vực tăng cường đầu tư cho quốc phòng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh với các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ.

Mỹ và các đối tác châu Á nên xem hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông như đòn bẩy kích thích hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực an ninh, không phải nhằm kiềm chế Trung Quốc mà để cân bằng với sự hung hăng của Bắc Kinh. Đặt cược tốt nhất để tránh cưỡng chế và xung đột ở Biển Đông hiện nay, đó là Mỹ nên hợp tác mạnh mẽ với các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình cũng như trật tự trong khu vực. Trong thời điểm "bóng ma cắt giảm ngân sách quốc phòng" vẫn ám ảnh Lầu Năm Góc, việc tăng cường hợp tác với Việt Nam và Philippines, khuyến khích 2 nước hợp tác với Nhật Bản và các đối tác khác là việc rất có ý nghĩa.

Nỗ lực này cũng nên bao gồm khuyến khích Ấn Độ gia tăng vai trò ảnh hưởng trong khu vực như một cường quốc Ấn Độ Dương và cuối cùng có thể giúp cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc. Những hình ảnh từ vệ tinh có giá trị hơn cả ngàn chữ, trong khi cả thế giới còn tập trung vào Nga và Trung Đông, các nhà lãnh đạo Mỹ nên được nhắc nhở về tham vọng của Trung Quốc và làm sâu sắc thêm quan hệ với khu vực.

Hồng Thủy