Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Ký kết TPP còn quan trọng hơn 1 tàu sân bay mới

07/04/2015 14:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ đã gây ra một cảm giác cấp bách, ông Carter gạt sang một bên quan điểm cho rằng Bắc Kinh sẽ thay thế Washington...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Japan Times.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Japan Times.

Japan Times ngày 7/4 dẫn nguồn Bloomberg cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã "lấn sân" sang chính sách kinh tế khi ông lên tiếng thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ trao quyền cho Tổng thống Barack Obama để đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Thời gian không còn nhiều", ông Carter nói với các thính giả tại đại học bang Arizona ở Tempe.

Mỹ và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mexico đang trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP. Trong khi các cuộc đàm phán TPP mà Washington hy vọng kết thúc một lần vào cuối năm 2013 vẫn đang kéo dài, thì Trung Quốc và các nước khác đã theo đuổi mục tiêu một hiệp ước thương mại đối thủ.

"Điều đó gây ra nguy cơ đối với Mỹ trong việc tiếp cận các thị trường phát triển, và nó có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Thông qua TPP đối với tôi quan trọng như (có thêm) một tàu sân bay khác", ông chủ Lầu Năm Góc bình luận. Nhận xét được ông Ash Carter đưa ra khi đang trên đường đến Tokyo và Seoul để hội đàm với các đồng minh của Mỹ.

Ông cho rằng chính sách của Mỹ đã tạo điều kiện cho châu Á phát triển từ nghèo nàn lạc hậu đến thịnh vượng. "Tất cả sự tăng trưởng này là kết quả của một môi trường an ninh hòa bình. Chúng tôi đã giúp tạo ra sự ổn định để người dân, nền kinh tế các quốc gia trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc".

Carter cũng nói rằng tính ưu việt của quân đội Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế nước này, trong đó nó sẽ được củng cố bởi TPP. Hiệp định này sẽ giảm thiểu các rào cản thương mại, trong khi thiết lập các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Sáng kiến của Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 123,5 tỉ USD trong thập kỷ tới.

Quan hệ thương mại rộng hơn với khu vực sẽ chiếm 60% mức tiêu thụ trung lưu toàn cầu vào năm 2030 là rất cần thiết đối với Mỹ. Trên khắp châu Á, 525 triệu người tiêu dùng trung lưu ngày hôm nay sẽ tăng lên 3,2 tỉ trong vòng 15 năm tới. TPP là trọng tâm của chiến lược xoay trục sang châu Á để nhấn mạnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với khu vực này sau hơn một thập kỷ tham chiến ở Iraq và Afghanistan.

Tổng thống Obama đang yêu cầu Quốc hội cấp cho ông quyền xúc tiến thương mại mà hiện nay bất cứ hiệp định nào cũng phải thông qua bởi một cuộc bỏ phiếu. Yêu cầu này đang gây tranh cãi trong chính đảng Dân chủ của Tổng thống.

Mặc dù sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ đã gây ra một cảm giác cấp bách, ông Carter gạt sang một bên quan điểm cho rằng Bắc Kinh sẽ thay thế Washington trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi sẽ mất hàng thập kỷ để bất cứ nước nào muốn cạnh tranh với sức mạnh quân sự hiện nay của Mỹ.

Nhờ nền kinh tế đã phục hồi từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, Hoa Kỳ đang đầu tư tốn kém cho một loạt máy bay ném bom tàng hình, tên lửa tàng hình chống tàu mới và súng điện từ Railgun. Tuy nhiên ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định rằng Mỹ đang quan tâm sâu sắc đến ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và hành vi leo thang trên Biển Đông.

Hồng Thủy