Báo Mỹ: Tổng thống Putin thăm Việt Nam bàn về nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1

07/11/2013 13:43
Nguyễn Hường
(GDVN) - Việt Nam đang cần hỗ trợ về chuyên môn và công nghệ nhằm phục vụ kế hoạch xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân. Nga đã đồng ý gia hạn khoản vay 8 tỉ USD cho Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới để thúc đẩy chương trình hợp tác năng lượng với Việt Nam, đất nước đang có kế hoạch xây dựng 13 lò phản ứng hạt nhân phục vụ sản xuất điện, tờ Wall Street Journal ngày 6/11 đưa tin.
Một số thỏa thuận về năng lượng giữa Việt Nam và Nga có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Putin, người dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các quan chức cấp cao khác của Việt Nam.
Các văn bản được ký kết sẽ bao gồm thỏa thuận cùng khai thác dầu khí ngoài khơi ở Nga và Việt Nam của Petrovietnam và Rosneft và bản ghi nhớ trong đó Rosneft sẽ cung cấp dầu thô cho Petrovietnam trong 3 năm tới.

Khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Việt Nam cũng đang làm việc với các đối tác Nga bao gồm Rosneft để giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1, nơi sẽ cung cấp 6,6% nhu cầu năng lượng cho cả nước vào năm 2030. Việt Nam đang cần hỗ trợ về chuyên môn và công nghệ nhằm phục vụ kế hoạch xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân. Nga đã đồng ý gia hạn khoản vay 8 tỉ USD cho Việt Nam.
Nhật Bản cũng đang đàm phán với Việt Nam để tài trợ cho kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sau khi hai bên ký kết hợp đồng vào năm 2011 về nghiên cứu điện nguyên tử. Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm 2015 bằng công nghệ của Nhật Bản và bắt đầu cung cấp điện vào năm 2021.
"Việt Nam cần phải xây dựng một chương trình năng lượng hạt nhân để có đủ điện cho đất nước và quá trình này cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành khoa học khác nhằm mục đích cuối cùng là hỗ trợ phát triển kinh tế", tờ báo dẫn lời ông Trần Chí Thanh, người đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
Nhu cầu về điện tại Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, trữ lượng ầu khí cung cấp 31% năng lượng, nhưng sản lượng dầu thô đã đạt đỉnh. Các nhà máy thủy điện cung cấp 40% lượng điện cho đất nước dự kiến sẽ được tăng số lượng lên 260 nhà máy với công suất 13.694 MW. Than cung cấp 20% điện năng, nhưng sản lượng khai thác than đang được giảm và dự kiến Việt Nam sẽ bắt đầu nhập khẩu than vào năm 2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng sản lượng điện của Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 130 tỷ KW/h trong năm nay. Vào năm 2030, khi tất cả 13 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động, sản lượng điện sẽ tăng lên gấp sáu lần, đạt 834 tỷ KW/h.
Tuy nhiên, chi phí xây dựng các nhà máy, nhân lực vận hành và vấn đề an toàn hạt nhân là các đề tài đáng lưu tâm bên cạnh những lợi ích to lớn mà nhà máy điện hạt nhân mang lại.

Ông Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam năm ngoái có tiết lộ về chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 2.000 MW với hai lò phản ứng mà Việt Nam muốn xây dựng sẽ có giá ít nhất là 8 tỷ USD, tương đương gần 6% GDP của Việt Nam trong năm 2012.  
"Đó là một mức chi phí cao cho một Việt Nam", tờ báo dẫn lời Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt và cựu Phó giám đốc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết.
Ông Trần Chí Thanh, từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Việt Nam cũng sẽ có khó khăn trong việc phát triển nhóm khách hàng đủ điều kiện để chạy các nhà máy một cách an toàn. Tuy nhiên, đào tạo nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển điện hạt nhân đã được tiến hành dần dần, ông Thanh nói thêm.
Nguyễn Trung, một chuyên gia cố vấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng chính phủ cũng nên khai thác các tài nguyên khác chẳng hạn như năng lượng gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. 
Gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học vẫn chưa phát triển tại Việt Nam. Cho đến nay, chỉ có hai nhà máy điện gió đi vào hoạt động trong cả nước, với công suất là 46 MW.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam sẽ khắc phục các khó khăn phát triển điện hạt nhân là một phần quan trọng của chiến lược năng lượng của Việt Nam để đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
"Việt Nam cần có một cấu trúc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, và năng lượng hạt nhân là giải pháp hợp lý nhất", ông Hải nói.
Nguyễn Hường