4 đời Thủ tướng Thái Lan đều tìm kiếm hậu thuẫn từ Trung Nam Hải

15/01/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thái Lan cùng với Campuchia đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản đưa Biển Đông vào nghị quyết chung của khối ASEAN.
Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 4 lần trong vòng 5 tháng.
Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 4 lần trong vòng 5 tháng.

Đa Chiều ngày 13/1 bình luận, sau gần 1 năm đầy biến động cuối cùng tướng Prayut Chan-o-cha cũng trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài có vẻ dần dần ổn định của chính trường Thái Lan, các thế lực chính trị khác nhau tại quốc gia này vẫn đang tiếp tục bày binh bố trận chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo.

3 tháng cuối năm 2014, cả Prayut và 3 người tiền nhiệm Thaksin Shinawatra, Yingluck Shinawatra và Abhisit Vejjajiva đều cấp tập sang Bắc Kinh "trình diện Trung Nam Hải" nhằm tìm kiếm hậu thuẫn của Bắc Kinh.

Bắc Kinh hữu hảo với các phe, 4 đời Thủ tướng Thái đều sang Trung Nam Hải

 Có phân tích cho rằng vũ đài chính trị Thái Lan trong tương lai vẫn ẩn chứa rất nhiều nhân tố bất định, nên Trung Quốc duy trì quan hệ hữu hảo với tất cả các phe phái chính trị của người Thái, đồng thời cũng thử "điều hòa" các lực lượng chính trị tại quốc gia này. Theo thống kê từ giới truyền thông, chỉ trong vòng 5 tháng trở lại đây Thủ tướng Thái Lan Prayut đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 4 lần.

Những lần tiếp xúc với Thủ tướng Trung Quốc của ông Prayut bao gồm hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tháng 10/2014 ở Milan, hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/2014 tại Bắc Kinh, hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng sông Mê Kông ở Bangkok tháng 12/2014. Và cũng trong tháng này, Prayut sang thăm Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi Lý Khắc Cường rời Thái Lan về nước.

Đa Chiều cho biết, 4 đời Thủ tướng Thái Lan dù phe phái nào, đương nhiệm hay tiền nhiệm, trong nước hay lưu vong đều tìm cách duy trì quan hệ với Bắc Kinh. Nhận lời mời của Trung Nam Hải, hai anh em cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck đã thăm Bắc Kinh từ ngày 24/10/2014 và hội kiến với Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều.

Có điều chuyến thăm này trùng hợp với chuyến công du Bắc Kinh của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đương nhiệm, Thượng tướng Prawit Wongsuwon. Có tờ báo Thái cho rằng ông Wongsuwon đã bí mật gặp bà Yingluck.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.

Đối thủ chính trị của anh em nhà Thaksin, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hồi trung tuần tháng 11/2014 cũng lên đường thăm Bắc Kinh và hội kiến với ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 18/11 sau khi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Cải cách quốc gia Trung Quốc, Abhisit Vejjajiva đáp tàu hỏa cao tốc đi Trịnh Châu, Hà Nam gặp Quách Canh Mậu, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam. Ông Abhisit nói rằng sau khi về nước sẽ ra sức tuyên truyền và hy vọng nhiều doanh nghiệp Thái Lan sẽ hợp tác với tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, Trung Nam Hải giữ quan hệ tốt với các phe phái chính trị khác nhau ở Thái Lan một cách thành thục, dù phe Thaksin hay Abhisit lên nắm quyền sau bầu cử thì Trung Nam Hải vẫn cần sự hỗ trợ từ các nhân vật này. Chính vì vậy lãnh đạo các đảng phái chính trị Thái Lan lần lượt sang Trung Quốc và đều được Trung Nam Hải tiếp đãi chu đáo.

Trung Quốc dùng kinh tế lôi kéo Thái Lan để can thiệp vào ASEAN, Biển Đông. Phe nào cầm quyền Bắc Kinh cũng cần ảnh hưởng.

 Sự thăm viếng qua lại với tần suất dày đặc trong thời gian ngắn như vậy giữa Thủ tướng 2 quốc gia là rất hiếm gặp, Đa Chiều bình luận. Trong chuyến đi Thái Lan tháng 12 năm ngoái, Lý Khắc Cường và Prayut đã ký Bản ghi nhớ hợp tác đường sắt cao tốc Trung - Thái, Bản ghi nhớ hợp tác thương mại nông sản Trung - Thái, tái khởi động kế hoạch "đổi lúa gạo lấy đường sắt" từ thời bà Yingluck ký với Lý Khắc Cường tháng 10/2013. Chương trình này đã "chết ngay trong trứng nước" từ tháng 5/2014 khi xảy ra đảo chính quân sự tại Thái Lan.

Nhưng đáng lưu ý là biên bản ghi nhớ lần này, Trung Quốc và Thái Lan cam kết hợp tác xây dựng hơn 800 km đường sắt cao tốc, nhiều hơn con số đã thống nhất ban đầu 500 km. Ngoài ra, Thái Lan sẽ áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc, mua thiết bị Trung Quốc, biến hệ thống đường sắt đơn tuyến hiện nay thành đường sắt phức hợp để sau này làm nền tảng cho công nghệ đường sắt cao tốc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giáo sư Vorasakdi Mahatdhanobol từ đại học Chulalongkorn Thái Lan bình luận, đường sắt cao tốc Thái Lan dự kiến xây dựng phải đi qua một vùng nông thôn rộng lớn, phải thu hồi không ít đất canh tác của nông dân.

Trong khi đó, nông dân lại là lực lượng ủng hộ trung thành của Thaksin, cho nên việc thực hiện dự án đường sắt này rất có khả năng sẽ bị nông dân và phe áo đỏ phản đối đến cùng. Bangkok muốn phát triển quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Bắc Kinh chính là vì các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ với giới quân sự người Thái.

Phó Tổng biên tập tờ The Nation Thái Lan thì cho rằng, Washington đã thiếu sự thấu hiểu đối với cục diện chính trị Thái Lan, đặc biệt là các quan chức ngoại giao Mỹ, khiến Bangkok cho rằng đồng minh như Mỹ lạnh nhạt và không đủ nhạy cảm đã đẩy người Thái về phía Trung Quốc.

Anh em nhà Thaksin được Trung Hoa chào đón dù người phải sống lưu vong, người đang bị chính quyền đương nhiệm Thái Lan hạn chế tham gia các hoạt động chính trị.
Anh em nhà Thaksin được Trung Hoa chào đón dù người phải sống lưu vong, người đang bị chính quyền đương nhiệm Thái Lan hạn chế tham gia các hoạt động chính trị.

Còn với Bắc Kinh, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 đến nay, bất luận là lúc xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực hay những khi có biến động trên chính trường Thái Lan, Bắc Kinh vẫn ủng hộ Bangkok. Điều này khiến Trung Nam Hải được người Thái xem như đồng minh của mình.

Thái Lan là một trong những quốc gia lớn và có thực lực trong khối ASEAN. Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua, Thái Lan cùng với Campuchia đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản đưa Biển Đông vào nghị quyết chung của khối ASEAN, Đa Chiều cho biết (tất nhiên là dưới bàn tay giật dây của Trung Nam Hải - PV).

Nều nhìn từ góc độ địa chính trị thì Thái Lan là nơi nhiều thế lực muốn tranh giành ảnh hưởng, bởi quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ quan trọng ra Nam Á cũng như lưu vực sông Mê Kông, là cầu nối hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN.

Chính vì vậy Trung Nam Hải không thể ngồi chờ mà phải chủ động xuất chiêu. Bắc Kinh ký với chính quyền Prayut dự án hợp tác xây dựng đường sắt cao tốc 10,6 tỉ USD cũng là vì lý do này. Đa Chiều cho rằng, để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, cả Mỹ và Nhật Bản đều muốn kéo Thái Lan về phía mình.

Prayut là đại diện cho phe quân sự Thái Lan, nếu ông tham gia tranh cử thì buộc phải dựa vào quân đội. Quân đội Thái Lan lại khá thân Mỹ, dù Trung Quốc đã cố gắng tranh giành ảnh hưởng trong nhiều năm nhưng vẫn không thể so kịp với Mỹ. Chỉ sau khi xảy ra đảo chính quân sự, quan hệ Mỹ - Thái mới trở nên lạnh nhạt, Washington đóng băng khoản viện trợ quân sự 350 triệu USD cho Thái Lan.

Hồng Thủy