Phát triển đất nước không thể “ăn xổi...”

16/01/2014 13:48
Xuân Trung
(GDVN) - "Không thể nào tiếp tục phát triển đất nước theo tư duy “phong trào”, "ăn xổi" được...".

Trên đây là quan điểm của ông Trần Đức Cảnh (thành viên sáng lập Trường Đại học Phan Châu Trinh, đồng thời là người có nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh cho Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ), khi nói về khát vọng của người Việt.

Nguồn nhân lực chưa xứng với sự đầu tư

Trong điều kiện thế giới mở hiện nay, việc đưa nguồn nhân lực đi đào tạo tại các nước tiên tiến là việc cần phải làm và làm thường xuyên. Ở Việt Nam, từ năm 2006 khi gia nhập WTO đã xác định “hội nhập nhưng không hòa tan”, học tập, đúc rút những kinh nghiệm hay, có chọn lọc của thế giới để áp dụng linh hoạt trong điều kiện Việt Nam. 

Theo Bộ GD&ĐT, với Đề án 322 (nay là Đề án 911) từ năm 2000 đến năm 2010, Việt Nam đã chi hơn 2.500 tỉ đồng cho gần 3.000 cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập, và trong số 2.268 người được đưa đi đào tạo tiến sĩ thì chỉ có 1.074 tiến sĩ về nước. Và thời gian đào tạo cho một thạc sĩ ước tính trung bình là 2 năm, chi 44.000 USD, và tiến sĩ là 4 năm, chi 88.000 USD. 

Không chỉ vậy, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng: Năm học 2010 – 2011 có 98.536 người, năm học 2011 – 2012 có 106.104 người. Nếu tính trung bình mỗi suất học trị giá 15.000 USD thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài trên 1,5 tỉ USD. 

Ông Trần Đức Cảnh tại Mỹ.
Ông Trần Đức Cảnh tại Mỹ.

Tuy nhiên, nếu so với các nước phát triển, con số đầu tư đào tạo nguồn nhân lực này của chúng ta vẫn chưa là bao. Điều đáng nói, rất nhiều người sau khi được đào tạo ở nước ngoài lại không trở về nước làm việc hoặc khi về nước công việc lại không phù hợp.

Có nhiều lý do nhưng cơ bản trong nước chưa đủ điều kiện để họ có thể cống hiến. 

Tại Mỹ, hàng năm số du học sinh tự túc (không nhận học bổng) chiếm 97 - 98% (khoảng 16.000 du học sinh). Chi tiêu trung bình ước tính khoảng 35.000 USD/năm cho 1 du học sinh, thì số tiền phải chi ở Mỹ mỗi năm khoảng 543.000 USD.

Nói về vai trò của giáo dục trong thời kỳ hội nhập, ông Trần Đức Cảnh cho biết, giáo dục đóng vai trò thiết yếu. Việc đưa sinh viên theo chương trình học bổng của nhà nước, học bổng nước ngoài hay du học tự túc tại các nước phát triển là điều cần phải làm, song song với việc đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống giáo dục hiệu quả trong nước. Một trong những mục tiêu quan trọng là sử dụng tốt nguồn nhân lực được đào tạo nước ngoài cho việc tiếp nhận và chuyển đổi hệ thống giáo dục trong nước thời hội nhập.

Riêng về Đề án 322, ông Cảnh cho rằng, học bổng do ngân sách nhà nước cấp, nếu chúng ta có mục tiêu đào tạo thiết thực, rõ ràng; kế hoạch tuyển chọn, sử dụng nguồn tài chính và sử dụng nguồn nhân lực tốt sau khi đào tạo nước ngoài về, thì tính hiệu quả của chương trình chắc chắn sẽ rất lớn. Nhưng “những gì tôi biết được qua các thông tin báo chí thì sự thành công của chương trình này trong thập niên trước còn giới hạn”, ông Cảnh nói.

Cũng theo thông tin từ ông Trần Đức Cảnh, hai chương trình học bổng của Mỹ được đánh giá là rất tốt từ cả phía Mỹ lẫn Việt Nam mà ông có may mắn đóng góp ít nhiều trong giai đoạn khởi đầu: Chương trình Fulbright và Vietnam Education Fund (VEF).

Dù chương trình Fulbright-Việt Nam, bắt đầu năm 1991, đứng hàng thứ 2 so với các nước trên thế giới về số lượng học bổng nhưng con số cũng chỉ giới hạn ở mức trên dưới 25 học bổng mỗi năm. Chương trình học bổng VEF, bắt đầu năm 2001, chỉ cấp khoảng trên dưới 40 suất mỗi năm, tập trung vào các ngành khoa học tự nhiên, y khoa và kỹ thuật. Đến nay 2 chương trình này đã đạo tạo trên 1 ngàn người, không ít người hiện nay đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học kỹ thuật trong nước.

Không thể phát triển đất nước theo tư duy "phong trào"...

Quan sát của ông Cảnh cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực là để canh tân đất nước. Bài học mà người Trung Quốc cuối thập niên 70 của thế kỷ trước là, Trung Quốc đã có kế hoạch đưa hơn một vạn sinh viên ưu tú mỗi năm sang du học ở Mỹ theo chương trình học bổng quốc gia, tập trung vào các ngành khoa học - kỹ thuật.  Lực lượng này đã đóng góp không nhỏ vào sự đổi mới và phát triển kỹ nghệ của Trung Quốc. Một số chọn ở lại làm việc tại Mỹ, cũng đã đóng vai trò rất lớn trong việc nối kết giáo dục, khoa học - kỹ thuật, kinh doanh giữa 2 nước trong hơn 3 thập niên qua. 

Ngày nay, hầu như tất cả các trường đại học tên tuổi lớn của Mỹ đều có mặt các Giáo sư người gốc Trung Quốc, một số đóng vai trò chủ chốt trong các khoa, trường. Họ tận dụng tối đa lực lượng này để vận động, tuyển chọn sinh viên từ Trung Quốc, cho học bổng và đào tạo bậc Tiến sĩ ở các trường lớn tại Mỹ.  Họ xây dựng một mạng lưới qua 2-3 thế hệ, và rất mạnh, hiệu quả.  Nói chung, Trung Quốc mạnh dạn thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài để phát triển đất nước, và họ đã thành công.    

“Nếu chúng ta có con người, có ước vọng, có kế hoạch, cộng với tinh thần dân tộc và nắm bắt cơ hội trước mắt... thì sẽ thực hiện được. Hiện nay chúng ta có gần 1,8 triệu người Việt hay gốc Việt sinh sống ở Mỹ, trong đó có gần 400 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên, chưa kể đến số người ở các nước khác, một nguồn lực rất tốt để kết nối và phát triển. Nhưng sự kết nối phải đến từ 2 chiều và thanh niên là nguồn lực tốt nhất để làm được điều đó”, ông Cảnh khẳng định.

Ông Cảnh cũng cho biết, hơn 15 năm trước ông đã cùng với một số bạn bè đang giảng dạy tại các đại học lớn ở Mỹ khởi động chương trình học bổng mang tính cá nhân, đào tạo bậc tiến sĩ ngành khoa học - kỹ thuật cho sinh viên Việt Nam, sau đó chương trình VEF ra đời, có cùng mục đích.

Thực tế, nếu chúng ta có mục tiêu và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực rõ ràng cho một hay nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành khoa học kỹ thuật, thì việc tổ chức, sắp xếp tài chính cho chương trình học bổng với quy mô lớn ở cấp hội đoàn hay chính phủ, có sự liên kết và sự hỗ trợ của nhiều trường đại học lớn ở Mỹ là chuyện hoàn toàn có thể làm được.  

“Chúng ta có thể đưa vài trăm đến cả ngàn sinh viên du học Mỹ ở bậc tiến sĩ mỗi năm, nếu có quyết tâm”. Quan trọng là đầu tư đào tạo với mục đích gì? Kế hoạch phát triển sẽ như thế nào? Khi đã có câu trả lời vững vàng về việc sử dụng đầu ra hiệu quả, thì làm quy trình ngược là điều không khó.

Phong trào có vai trò của nó, có thể là tác nhân tốt sự khởi động ban đầu, nhưng phải nhanh chóng xây dựng được một mục tiêu ổn định, bền vững và lâu dài cho mọi lĩnh vực của xã hội. Ông Trần Đức Cảnh cũng cho rằng, không thể nào tiếp tục phát triển đất nước theo tư duy “phong trào”, "ăn xổi"... được.  

“Có nhiều điều để nói về “Khát vọng trẻ và các vấn đề liên quan”, nhưng quan trọng là tuổi trẻ sống có mục đích, chuyển mục đích thành kế hoạch hành động cụ thể, cần có thời gian chuẩn bị, thực hiện và sự kiên trì. Không có chuyện đi tắc đón đầu, vừa chạy vừa sắp hàng... mà xây dựng một cái gì bền vững và lâu dài được. 

May mắn lớn nhất của đất nước hiện nay là “khát vọng” của tuổi trẻ còn rất lớn, nhưng "nếu không khai thác sự khát vọng để vực dậy tiềm năng đất nước, là bỏ qua thêm một cơ hội vô cùng lớn”, ông Trần Đức Cảnh khẳng định.        
Xuân Trung