Nguyễn Hà Đông, đừng để Flappy Bird "sống lại"

23/03/2014 09:00
Theo BizLIVE
Nhiều người nhìn nhận, đây là lựa chọn thất bại với sản phẩm này, và tác giả tự làm hại mình khi tìm cách cứu sống “đứa con đã tự tay bóp cổ”.

Cộng đồng mạng thời gian qua lại xôn xao vụ việc kỹ sư Nguyễn Hà Đông sẽ đưa game Flappy Bird trở lại thị trường. Nhiều người nhìn nhận, đây là lựa chọn thất bại với sản phẩm này, và tác giả tự làm hại mình khi tìm cách cứu sống “đứa con đã tự tay bóp cổ”.

Những ồn ào dậy lên khi trên mạng Internet xuất hiện 1 vài phát biểu được coi là của Nguyễn Hà Đông, về việc “tái sinh” Flappy Bird, trước hết ở các kho cài đặt cho hệ điều hành Android.

Cộng đồng mạng cho rằng Nguyễn Hà Đông đừng dại làm sống lại Flappy Bird.
Cộng đồng mạng cho rằng Nguyễn Hà Đông đừng dại làm sống lại Flappy Bird.


Hình ảnh anh xuất hiện trong 1 buổi tiệc chiêu đãi rình rang ở Mỹ càng khiến những xì xào có thêm cơ sở cho rằng, anh đang tìm cách tạo lại “cơ hội” của mình.

Tuy nhiên, phần lớn phát biểu của cư dân mạng nhìn nhận, việc Hà Đông làm lại trò chơi, không có nghĩa sản phẩm sẽ được đón nhận như trước.

Một số người khuyên Hà Đông đừng tạo thêm 1 sai lầm để cố khắc phục 1 sai lầm. Vì có ít nhất 3 lý do để người ta tin Falppy Bird trở lại là thất bại.

Sản phẩm "mất hot"

Lý do này bám đúng vào thực tiễn hiện nay, vì trò chơi của Hà Đông đã bị nhái bản quyền rất nhiều.

Có người thử thống kê và công bố chí ít có 60 trò chơi đang lưu hành trong các kho tải về có cùng dáng dấp Flappy Bird.

Có người khẳng định việc tạo các sản phẩm nhái (clone) trò chơi của Hà Đông là rất dễ, thậm chí có thể làm những bản game “cá nhân” rất tiện lợi.

Với việc gỡ bỏ, Flappy Bird tự đánh mất "bản quyền" trước nạn game nhái.
Với việc gỡ bỏ, Flappy Bird tự đánh mất "bản quyền" trước nạn game nhái.

Trong khi do đã xóa game, Hà Đông không thể biện luận mình là người chủ sản phẩm nguồn. Hơn nữa, anh còn không được hỗ trợ lấy lại tên gọi cho sản phẩm 1 cách đàng hoàng.

Đã có người đang sở hữu tên gọi Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông cần tìm 1 cái tên khác cho trò chơi của mình, chấp nhận cắt đứt mối dây cơ hội được người ta quan tâm.

Với 1 áp lực cạnh tranh xô bồ như vậy, rõ ràng Flappy Bird sẽ rất nan giải để mơ lấy lại được những gì đã đánh mất.

Xã hội nghi ngờ


Sự xuất hiện của Hà Đông ở 1 buổi tiệc lớn tại Mỹ mới đây, chứng tỏ anh được quan tâm và dính tới 1 khoản thu nhập nào đó.

Vấn đề là lâu nay, con số thu nhập này là bao nhiêu, có đủ cho người ta suy xét xử lý hay không, thì Hà Đông vẫn chưa có động thái chứng minh.

Hình ảnh Hà Đông xuất hiện ở Mỹ càng khiến anh bị nghi ngờ.
Hình ảnh Hà Đông xuất hiện ở Mỹ càng khiến anh bị nghi ngờ.


Có người nói, từ đầu, Đông nên khai báo thuế về trò chơi, thì đã không bị nghi hoặc.

Nhưng anh tự đưa sản phẩm ra thị trường như nhiều người khác, và khi nghe đề cập đến nộp thuế, anh lại liền “gỡ game”.

Người ta có quyền nghi Đông manh tâm, nên việc sản phẩm đã xóa của anh bị Apple không cho đưa lên lại với iOS, ở góc cạnh này thì khắt khe, nhưng ở tầm quản lý thì đúng.

Nếu không, ai cũng đưa sản phẩm lên, có doanh số là hạ xuống, rồi đưa lên lại, mà chả mất 1 đồng thuế nào, liệu có công bằng không ?

Thái độ bị nghi là tránh né thuế nên hủy game, đã làm Hà Đông mất cơ hội. Dù sắp đến anh có làm lại game hay ra sản phẩm khác, nghi vấn trốn thuế vẫn tồn tại. Kéo theo, anh có thể làm ăn với những đối tác nước ngoài tôn trọng thuế hay không ?

Cộng đồng tẩy chay

Cuối cùng, điểm cốt tử làm hại Hà Đông, chính là anh đã phủ nhận tính tích cực của 1 tựa game giải trí có yếu tố kích thích người chơi ham mê.

Việc Flappy Bird quay lại được xem là tự làm khó mình.
Việc Flappy Bird quay lại được xem là tự làm khó mình.

Người ta chơi Flappy Bird chỉ vì game có độ khó cao, khiến người chơi tốn sức chinh phục. Đó là cảm giác “nghiện”, nhưng nó không tiêu cực như ma túy, rượu bia, mà chỉ đơn giản là sự cuốn hút, như “tôi nghiện đọc sách” !

Hà Đông đã nói game của anh có thể gây nghiện nên anh “gỡ xuống”. Điều này được cộng đồng cho là do áp lực tuyền thông. Bởi quan điểm cho game là xấu đang tồn tại trong xã hội, nên có lẽ anh nói thế, để tránh thị phi.

Có điều, anh là 1 người làm game, đang tự tay làm ra các “sản phẩm có thể gây nghiện”. Nên cộng đồng cho rằng, lời anh nói là 1 lời chối tội dại dột !

Sự thật nhiều người chơi game đã tuyên bố tẩy chay Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird vì phát biểu “game gây nghiện” của anh.

Hà Đông bị xem là đã tự hạ điểm chính mình, bởi đánh đồng sản phẩm làm ra với 1 hành vi sai phạm trước xã hội.

Cộng đồng game thủ nhìn nhận Hà Đông "mất điểm" khi nhận xét "game gây nghiện".
Cộng đồng game thủ nhìn nhận Hà Đông "mất điểm" khi nhận xét "game gây nghiện".


Nay Hà Đông muốn đưa game ra lại, anh sẽ lý giải thế nào về lựa chọn của mình ? Hay anh cho rằng, vì Flappy Bird có thể gây nghiện nên gỡ xuống, còn việc đưa game lên lại sẽ không có nguy cơ gây ra “tái nghiện” ?

Một nhà phát hành game ở phía Nam ví von, “nếu 1 đầu bếp đã tuyên bố sẽ đổ món ăn vừa làm, vì nó dễ gây ngộ độc, thì ông ta tốt hơn đừng có nấu ăn nữa, và nhất là đừng nấu món ăn đó nữa”.

Xem ra Flappy Bird quay lại, chỉ khiến Nguyễn Hà Đông càng bị tai tiếng, chứ không thể mong có được cơ hội mới mẻ nào.

Theo BizLIVE