Khu vực công "chảy máu chất xám" trầm trọng vì lương thấp?

14/01/2014 09:09
Ths. Nguyễn Văn Chiến - Học viện Chính sách&Phát triển (Bộ Kế hoạch&Đầu tư)
(GDVN) - Năm 2014 là năm mà Việt Nam phải giải quyết điểm nghẽn nguồn nhân lực, trong nhiệm vụ tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt, tình trạng “chảy máu chất xám”.

Theo thông tin tại TP.HCM thông báo nhiều cán bộ làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã nghỉ việc, trong số đó có rất nhiều người trình độ từ Thạc sỹ trở lên, và phần đông trong số họ đều được đánh giá là có kinh nghiệm chuyên môn và năng lực cao. Một lý giải là do nguyên nhân chế độ lương bổng thấp và thiếu một môi trường làm việc tốt.

Thậm chí trước đó, từ giai đoạn 2003 đến 2008, bình quân mỗi năm TPHCM có hơn 1000 công chức, viên chức xin nghỉ việc, và nhiều người trong số đó đã làm quản lý cao cấp trong các ban ngành của Thành phố.

Giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao tránh trình trạng “chảy máu chất xám” là bài toán khó trong khu vực công, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay.

Chảy máu chất xám khu vực công ngày càng nghiêm trọng (ảnh TTXVN)
Chảy máu chất xám khu vực công ngày càng nghiêm trọng (ảnh TTXVN)

Theo lý thuyết về kinh tế vi mô, nguồn lực là hữu hạn. Giả sử một ngày, mỗi người chỉ có 8 tiếng để làm việc, thời gian còn lại cho hoạt động dành cho gia đình và nghỉ ngơi.

Một người được đánh giá là giỏi, tức là có khả năng giải quyết công việc với hiệu quả cao so với người bình thường, nếu giả sử chất lượng giữa 2 người là như nhau. Nếu một công chức, viên chức bình thường họ cần 8 tiếng/ ngày để hoàn thành tốt công việc, thì với người giỏi họ có thể đảm bảo xử lý xong công việc tương tự với thời gian ít hơn.

Vậy thời gian còn lại đối với người giỏi họ làm gì?

Chắc chắn họ sẽ không tham việc, nhận nhiều việc hơn từ cơ quan để làm “không công”, xu thế người giỏi cũng sẽ làm việc trên tinh thần đáp ứng đủ khối lượng công việc được giao như những người bình thường khác. Giải pháp mà họ lựa chọn là: dành một phần thời gian “tiết kiệm được” ở trên để làm các công việc khác, làm tư vấn hoặc có kế hoạch làm ăn riêng bên ngoài. Trong khi một số khác, họ có thể lựa chọn giải pháp là xin nghỉ việc tại khu vực công và ra ngoài làm.

Thậm chí nếu công chức, viên chức giỏi nghỉ việc tại khu vực công để ra ngoài làm, có thể giúp họ có năng suất cao hơn so với năng suất trước đó ở khu vực công. Do sự toàn tâm toàn ý với công việc, tạo tính kinh tế theo quy mô, nhờ vậy sự đóng góp của họ vào tăng trưởng GDP chung cao hơn.

Theo chị Trần Trang, cựu du học sinh tại Đại học Quốc gia Úc, hiện đang làm việc cho tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đã từng làm việc trong một Bộ lớn chia sẻ: “Nhiều du học sinh khi đi học về đã bỏ việc. Bởi điều kiện làm việc ở khu vực công ở ta chưa thật sự tốt, còn nặng nề về các thủ tục hành chính và lương bổng thấp. Trong khi bản thân du học sinh khi đi học, tiếp xúc môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các nước phát triển và cơ hội thăng tiến”.

Thật vậy, mức lương mà khu vực công đang trả cho người lao động hiện đang bị điều chỉnh theo hạn ngạch và bậc lương.

Ví dụ một nghiên cứu viên của 1 viện nghiên cứu mới đi làm, họ sẽ có hệ số lương 2.34 (ứng với ngạch A1, mã ngạch là 13.092, bậc 1), với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.15 triệu đồng/tháng (áp dụng từ 1/7/2013), họ sẽ nhận được mức lương khoảng 2.4 triệu đồng/ tháng. Hoặc một nghiên cứu viên cao cấp làm việc rất lâu năm, hệ số lương 6.2 (ứng với ngạch A3.1, mã ngạch 13.090, bậc 1), tương đương mức lương 6.4 triệu đồng/ tháng. Đây là mức lương khá thấp, đặc biệt so với điều kiện sống tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Mức lương thấp đang là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám ở khu vực công. Năm 2010, một điều tra từ Ngân hàng thế giới đối với 460 công chức tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Nam Định và Hòa Bình, kết quả nhận thấy có đến 70.8% nữ giới và 39.6% nam giới có ý định bỏ việc. Nguyên nhân khác mà khảo sát phát hiện là tỷ lệ tương tự: 41.7% nữ giới và 33.3% nam giới cho rằng khu vực công chưa có chế độ khuyến khích, khen thưởng và sự phát triển.

Nếu như nữ giới muốn chọn giải pháp ổn định trong khu vực công, dành thời gian cho chăm sóc gia đình, thì nam giới có 22.9% có ý định muốn tìm các cơ hội thăng tiến ở bên ngoài, do trong gia đình nam giới có trách nhiệm chính trong kiếm tiền. Dẫn đến, nhiều cơ quan Bộ, viện nghiên cứu chính sách hiện đang có tỷ lệ nữ giới khá cao, cũng là trở ngại đối với các hoạt động trong khu vực công, do nam giới phù hợp hơn với nhiều hoạt động công tác thực tiễn tại các địa phương.

Qua nhiều lý do, nếu không cải cách, khu vực công cũng khó có thể thu hút được nhiều ứng viên tiềm năng được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước, có trình độ và ngoại ngữ tốt, để làm việc. Bài học về Đà Nẵng và một vài tỉnh thành, nhiều ứng viên được trọng dụng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh, được đưa đi đào tạo ở nước ngoài đã không trở về. Đây chỉ là một tình trạng, khi nhiều người vẫn coi vào khu vực công nhằm tìm kiếm học bổng đi du học, hơn là muốn phục vụ lâu dài cho tổ chức công đó.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.

Trong đó, gỡ nút thắt về nguồn nhân lực là một trong các nhiệm vụ của tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Điểm nghẽn về nhân lực, tình trạng chảy máu chất xám phải được thực hiện dựa trên quy luật của thị trường về lao động. Bắt buộc các công chức, viên chức phải cạnh tranh với nhau.

Nhờ đó, đánh giá chất lượng công chức, viên chức cần phải dựa trên kết quả đạt được của từng người, thay vì các hoạt động đánh giá chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Chế độ lương bổng cũng sẽ được chi trả theo quy luật thị trường, tham chiếu dựa vào kết quả, chất lượng của các công việc được hoàn thành và khu vực doanh nghiệp đang áp dụng chi trả. Có như vậy, chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công được nâng cao, thúc đẩy cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tiếp theo./.

Ths. Nguyễn Văn Chiến - Học viện Chính sách&Phát triển (Bộ Kế hoạch&Đầu tư)